100 năm cuộc chiến tranh hóa học đầu tiên: Sự tàn nhẫn tột cùng của chiến tranh
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều ngày 22/4/1915, khi những cơn gió mùa Xuân đang thổi nhẹ vào chiến hào, chỉ huy Georges Lamour thuộc đơn vị Bộ binh số 73 của Pháp bỗng nhìn thấy một thứ kỳ dị đang tiến lại gần ông: một đám mây mù khồng lồ có màu vàng-xanh lục.
Nhưng Lamour chẳng có nhiều thời gian để nhận ra đám mây khói đó là gì và phản ứng chống trả nó.
Đám mây chết chóc
“Tất cả lính của tôi dưới chiến hào đang nghẹt thở” - Lamour hét lên trong cuộc điện thoại gọi từ chiến trường ở Ypres (Bỉ) về sở chỉ huy của quân Pháp – “Tôi cũng đang khó thở đây!”
Đó là những lời cuối cùng mà người ta nghe thấy từ Lamour. Cú điện thoại của ông đã đánh dấu thời điểm Thế chiến thứ nhất, và chiến tranh nói chung, vĩnh viễn thay đổi.
Đám mây mù kia thực tế là khí độc clo (chlorine). Lính Đức đã lợi dụng các cơn gió mùa Xuân để thả khí độc vào vị trí đóng quân của lính Pháp.
Khí clo khiến người tiếp xúc với chúng bị hỏng thị lực, nôn ọe, ngạt thở. Cùng lúc, cơ thể nạn nhân tràn các loại dịch, gây hại cho lá phổi của họ. “Về cơ bản, anh sẽ chết đuối trong lá phổi của mình” - Piet Chielens, curator ở Bảo tàng chiến trường Flanders tại Ypres nhận xét.
Sau khi hít phải khí clo của lính Đức, lính Pháp đã sùi bọt mép, bị mù và có các hành động giống như phát điên. Họ la hét, chạy đi khắp phương hướng, cố gắng hít dưỡng khí, để rồi chỉ nạp thêm khí độc vào cơ thể.
Khoảng 1.200 người lính Pháp đã chết trong vụ tấn công bằng khí độc dài chừng 5 phút đó và tại các cuộc đọ súng tiếp diễn suốt cả ngày. Thi thể Lamour, giống nhiều chỉ huy quân đội khi ấy, đã không bao giờ được tìm thấy.
Thứ vũ khí giết người hàng loạt mà lính Đức sử dụng trong ngày hôm ấy là minh chứng cho sự tàn nhẫn và vô nghĩa của Thế chiến thứ nhất. Nhưng nó cũng đánh dấu một kỷ nguyên mới, khi chiến tranh hóa học đã chính thức thành hình. "Đó là một yếu tố hoàn toàn mới mẻ trong chiến tranh. Đó là một vũ khí không phân biệt đối tượng mục tiêu” – Chielens nhận xét.
Vũ khí gây “sốc và sợ hãi”
Quân Đức đã chuẩn bị rất kỹ cho vụ tấn công nhằm vào quân Pháp. Họ tập hợp những người giỏi nhất, sáng giá nhất tại trụ sở đóng ở Tielt, Bỉ, cách chiến trường 50km, để thảo luận về việc dùng vũ khí hóa học.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh kế hoạch Schlieffen, với ý đồ đập tan tuyến phòng ngự ở Bỉ và nhanh chóng chiếm lấy Paris, đã bị sa lầy ở chiến trường Flanders và vùng phía Bắc Pháp. Đức muốn phá thế sa lầy đó nên đã cân nhắc mọi lựa chọn.
Đã có một số sĩ quan Đức trọng danh dự chống lại việc sử dụng khí độc. Họ nói rằng, triển khai thêm quân có thể giúp tạo ra sự đột phá tốt hơn.
Nhưng Fritz Haber, một chuyên gia hóa học, về sau giành giải Nobel Hóa học, lại chọn việc sử dụng khí độc. Ông nói rằng thứ vũ khí mới còn mang tới tác động “sốc và sợ hãi”.
Cũng có những người băn khoăn không rõ khí độc có hoạt động như quảng cáo không. Bực mình, Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức là Erich von Falkenhayn quyết định: “Ngày mai (22/4) chúng ta sẽ dùng khí độc, hoặc sẽ chẳng dùng nữa".
Ở bên kia chiến tuyến, lính của Lamour vẫn báo cáo rằng họ chẳng thấy có gì bất thường diễn ra. Họ đâu biết rằng lợi dụng trời tối, lính Đức đã bí mật chôn hơn 5.000 bình chứa khí độc hướng về phía đối phương.
Buổi sáng tiếp theo, quân Đức có kế hoạch thả khí độc vào sáng sớm tinh mơ để mở đường cho cuộc tấn công của họ. Nhưng do buổi sáng trời không có gió nên phải tới 5 giờ chiều, quân Đức mới có thể thả khí.
Khi khí độc tan đi, lính Đức thi nhau lao sang các chiến hào của quân Pháp và giành lấy những thắng lợi đã không thể đạt được sau nhiều tháng chiến đấu. Chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, họ tiến tới 6 km, gần như chiếm trọn Ypres.
Đồng thời họ cũng phải chứng kiến các tác động kinh hoàng mà khí độc gây ra: xác người, ngựa, chuột và thậm chí là côn trùng nằm la liệt.
Cuộc chiến kết thúc, nhưng nỗi đau còn mãi
Song người Đức không thể vui mừng lâu. Việc họ dùng khí độc đã đẩy cuộc chiến vào một ngã rẽ mới xấu xí hơn, khi phe Hiệp ước quyết định tung đòn tấn công hóa học trả đũa quân Đức. Cuộc trả đũa đầu tiên diễn ra vào tháng 9 năm đó, khi lính Anh thả khí độc vào lính Đức trong trận chiến Loos ở miền Bắc Pháp, nơi nằm ngay gần Ypres.
Tổng cộng các quân đội của 2 phe trong Thế chiến thứ nhất đã thực hiện 146 cuộc tấn công khí độc ở Bỉ. Quân Đức dùng 150 tấn khí độc trong vụ tấn công đầu tiên. Tới hết cuộc chiến, quân Đức dùng tổng cộng 68.000 tấn khí. Trong khi đó quân Hiệp ước dùng đến 82.000 tấn khí độc.
Hàng loạt loại khí độc mới, với tính năng giết người mạnh hơn, đã được chế tạo và nhanh chóng đưa vào sử dụng. Việc sử dụng pháo để bắn khí độc đi xa đã khiến người ta không cần phải nhờ vào các cơn gió nữa.
Việc sử dụng khí độc chỉ giảm bớt vào cuối Thế chiến thứ nhất, khi các bên nhận ra lính của họ cũng chịu thiệt hại nặng nề từ khí độc, không kém gì đối phương. Vụ tấn công bằng khí độc cuối cùng của Thế chiến thứ nhất diễn ra chỉ 3 ngày trước khi các bên ký hiệp ước đình chiến vào ngày 11/11/1918. Các sử gia ước tính tổng cộng có hơn 1 triệu người lính đã tiếp xúc với khí độc, làm 90.000 người thiệt mạng.
Hòa bình tới sau chiến tranh không kết thúc nỗi khổ đau mà vũ khí hóa học gây ra. Những người từng hít khí độc chịu nhiều tác động xấu lên sức khỏe, như viêm phổi mạn tính, căn bệnh đã bám theo họ tới tận khi xuống mồ.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa