Zombie của The Last Of Us có gì khác biệt so với The Walking Dead?
The Walking Dead và The Last Of Us đều là hai bom tấn truyền hình khai thác đề tài zombie, nhưng những loài thây ma trong hai series này lại không hề giống nhau một chút nào.
The Last Of Us là một trong những bom tấn truyền hình nhận được nhiều sự chú ý nhất hiện nay. Được chuyển thể từ loạt game cùng tên của nhà sản xuất Naughty Dog, The Last Of Us đã đưa khán giả đến với một thế giới hậu tận thế, nơi nhân loại bị tàn phá bởi một loài nấm ký sinh với khả năng biến họ thành những sinh vật giết chóc đáng sợ mà chúng ta vẫn thường gọi là zombie (thây ma, xác sống).
Chính vì lý do này, kể từ sau khi lên sóng, The Last Of Us đã được đặt lên bàn cân với The Walking Dead, series khai thác đề tài zombie đình đám nhất trong thập kỷ vừa qua, và vừa khép lại sau 11 mùa phim vào cuối năm 2022. Dẫu vậy, những loài zombie trong 2 series này lại có rất nhiều điểm khác biệt, từ nguyên nhân nhiễm bệnh, thời gian biến đổi cho đến mức độ nguy hiểm.
Cách gọi tên
Thuật ngữ “zombie” chính thức xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim Dawn of the Dead (1978), dù loài sinh vật hư cấu này từng được khai thác trong Night of the Living Dead (1968) với tên gọi “ghoul” hay “flesh-eater”. Kể từ đó đến nay, zombie đã được công nhận rộng rãi trong nền văn hóa đại chúng và được sử dụng trong rất nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng khác.
Tuy nhiên, cả The Walking Dead lẫn The Last Of Us đều không sử dụng thuật ngữ này. Những con zombie trong The Walking Dead chủ yếu được gọi bằng cái tên “walker”, hay đôi khi là “rotter”, “bitter”. Trong khi đó, The Last Of Us lại coi zombie là “infected” (ám chỉ những người bị nhiễm bệnh từ loại nấm ký sinh Cordyceps), và được phân chia thành nhiều loại như “runner”, “stalker”, “clicker” hay “bloater” tùy theo thời gian nhiễm bệnh.
Phân loại zombie
Zombie thường được biết đến là những người trở về từ cõi chết nhưng đã hoàn toàn mất đi ý thức. Nói cách khác, họ là những xác chết biết đi và chuyên săn lùng những người còn sống sót. The Walking Dead vẫn giữ nguyên ý tưởng này khi xây dựng hình ảnh thây ma đơn giản chỉ là những xác sống lang thang khắp nơi và cắn người khác khi có cơ hội, với cơ thể dần mục rữa theo thời gian.
Trong khi đó, The Last Of Us lại khắc họa thây ma là những nạn nhân bị nấm Cordyceps ký sinh và khống chế ý thức. Họ vẫn là những người còn sống, nhưng không thể làm chủ bản thân mình. Và như đã phân tích ở trên, tùy theo thời gian nhiễm bệnh, họ sẽ phát triển thành các loại zombie khác nhau.
Cách lây nhiễm
Trong hầu hết các bộ phim về zombie, căn bệnh này có thể lây nhiễm qua những vết cắn. Cả The Walking Dead lẫn The Last Of Us đều giữ nguyên yếu tố này, với một chút điều chỉnh nhỏ trong từng series. Với The Walking Dead, tất cả những người còn sống đều bị mắc phải virus thây ma. Chính vì vậy, sau khi qua đời, họ sẽ lập tức biến thành zombie, cho dù trước đó không hề bị cắn.
The Last Of Us lại khai thác yếu tố này dựa trên đặc tính của rễ nấm. Trong tập phim đầu tiên, họ đã lý giải cách mà loài nấm ký sinh có thể chiếm quyền kiểm soát não bộ của con người và biến họ thành con rối của nó. Theo thời gian, loài nấm này sẽ mọc ra bên ngoài và dần dần bao phủ kín cơ thể của nạn nhân. Trong The Last Of Us, các cá thể nấm có sự liên kết chặt chẽ với nhau và có thể nhanh chóng “báo tin”, qua đó kéo một đàn zombie về phía của những người đã đánh động chúng.
Sự tiến hóa
Trong The Walking Dead, zombie về cơ bản chỉ là những xác chết biết đi. Chính vì vậy, cơ thể chúng sẽ bị mục rữa và trở nên chậm chạp hơn theo thời gian. Ngay cả việc hấp thụ protein cũng không thể ngăn cản quá trình này, bởi các cơ quan nội tạng của chúng đều đã ngừng hoạt động. Trong mùa phim cuối cùng, The Walking Dead đã sáng tạo ra những loại zombie cao cấp hơn một chút, với khả năng leo trèo hay nhặt đồ vật, vũ khí để tấn công những người còn sống. Thế nhưng khi đó, số lượng tập phim còn lại là quá ít ỏi và không đủ để họ khai thác sâu về chúng.
Còn với The Last Of Us, như đã nêu trên, zombie được chia thành nhiều giai đoạn tùy theo thời gian nhiễm bệnh. Mỗi giai đoạn lại có vẻ ngoài khác nhau, từ diện mạo khá giống với người bình thường khi mới mắc bệnh, cho đến quái nhân khi loại nấm ký sinh Cordycep bao phủ bên ngoài cơ thể nạn nhân. Và càng ở giai đoạn cao, zombie lại càng trở nên nguy hiểm.
Vết cào
Trong The Walking Dead, vết cắn không phải cách duy nhất để biến một người bình thường trở thành zombie, bởi vết cào cũng có vai trò tương tự. Ngoài ra, những vết thương hở khi tiếp xúc với máu của xác sống cũng có thể khiến con người nhiễm bệnh.
Với The Last Of Us, quá trình lây nhiễm chỉ diễn ra thông qua vết cắn (và bào tử nấm trong loạt game nguyên tác). Điều này cho phép con người có thể chiến đấu với zombie một cách thoải mái, linh hoạt hơn rất nhiều so với The Walking Dead.
Tốc độ biến đổi sau khi nhiễm bệnh
Ngay từ tập phim đầu tiên, The Last Of Us đã tiết lộ rằng những người nhiễm bệnh sẽ không thể trụ quá vài ngày, và thường là sẽ biến đổi ngay trong 24 giờ đầu tiên. Khi đó, họ sẽ trở thành các “runner”, loại zombie có hình dáng tương đối giống người bình thường và chỉ biết chạy đuổi theo nạn nhân một cách bất chấp.
Đối với The Walking Dead, tốc độ biến đổi thành zombie sau khi nhiễm bệnh dường như lại tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người. Có những người sẽ lập tức trở lại thành xác sống chỉ vài giây sau khi bị cắn, nhưng cũng có những nhân vật có thể trụ được nhiều ngày, ví dụ như Bob Stookey hay Carl Grimes.
Bản chất của zombie
Trong The Walking Dead, zombie được xem là một sinh vật đã chết và nguy hiểm, bởi bản tính con người trước kia đã hoàn toàn biến mất. Series này đã khẳng định rõ quan điểm của mình thông qua mạch truyện của nhân vật Lizzie, một cô bé sinh ra trong thời kỳ hậu tận thế và luôn mù quáng tin rằng ẩn sâu bên trong thây ma vẫn là một người bị bệnh đang tìm cách để thoát ra ngoài.
Trong The Last Of Us, mặc dù zombie rất nguy hiểm, nhưng đa số đều là những người vẫn còn sống. Họ đơn giản là chỉ đang nhiễm một căn bệnh chưa có cách cứu chữa và buộc phải trở thành con rối để loài nấm ký sinh Cordycep điều khiển.
Cách tiêu diệt zombie
The Walking Dead mang đến 1 cách tiêu diệt zombie rất đơn giản: Đó là phải tấn công vào phần đầu và “tắt nguồn” não bộ của chúng. Chỉ cần bộ não vẫn còn nguyên vẹn, zombie vẫn sẽ sống sót, cho dù chúng có mất đi tứ chi hay bất kỳ bộ phận nào khác.
Với The Last Of Us, đó chỉ là một phương án để hạ gục zombie mà thôi. Như đã nêu trên, vì thây ma trong series này chủ yếu là những người vẫn còn sống, thế nên chúng vẫn sẽ nhận tổn thương khi bị tấn công vào các bộ phận khác trên cơ thể. Súng đạn hay lửa cũng được xem là phương pháp hữu hiệu để tiêu diệt zombie trong The Last Of Us.
Mối liên hệ giữa cái chết và dịch bệnh
Một trong những khác biệt lớn nhất giữa The Walking Dead và The Last Of Us là cái chết. Trong The Walking Dead, sau khi chết, việc biến thành zombie là điều không thể tránh khỏi, cho dù nạn nhân có bỏ mạng vì bất cứ lý do gì đi nữa. Nói cách khác, cái chết sẽ kích hoạt loại virus xác sống vốn đã tiềm ẩn bên trong cơ thể họ.
Với The Last Of Us, khi sự lây nhiễm chưa hoàn toàn ăn sâu vào con người, họ vẫn có thể chết mà không bị biến thành zombie. Trong series này, đại dịch bắt nguồn từ một loại nấm, và bắt đầu phát tán thông qua thực phẩm của con người. Những người nhiễm bệnh nhiều khả năng vẫn còn sống, nhưng đã mất quyền kiểm soát cơ thể.
Cách chữa trị
Đại dịch xác sống trong The Walking Dead bắt nguồn từ một loại virus kỳ lạ bên trong cơ thể con người. Tuy nhiên, sau 11 mùa phim phát sóng, series này vẫn chưa thể đưa ra cách chữa trị tối ưu nhất, ngoài việc nhanh chóng cắt bỏ những bộ phận bị zombie cắn trúng.
The Last Of Us xoay quanh câu chuyện về Ellie, cô bé miễn nhiễm với loại nấm ký sinh Cordyceps, và có thể là chìa khóa cho cách chữa trị hữu hiệu trong tương lai. Tuy nhiên, quá trình điều chế thuốc đòi hỏi phải có sự hy sinh, và trong trường hợp này chính là mạng sống của Ellie.