Y án sơ thẩm với Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 4/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án trong phiên tòa phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) và đồng phạm xảy ra tại Oceanbank.
- Hà Văn Thắm và đồng phạm nói lời sau cùng trong phiên phúc thẩm
- Phiên xử Hà Văn Thắm: Viện Kiểm sát khẳng định đủ căn cứ để kết tội
- Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm: Tiếp tục phần tranh luận của các bị cáo, luật sư bào chữa
Theo đó, Tòa Phúc thẩm tuyên giữ nguyên tội danh và hình phạt đối với các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank), Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank), Phạm Công Danh (Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh), Hứa Thị Phấn (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Phú Mỹ MTV); các bị cáo đã được cấp sơ thẩm cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ.
Y án sơ thẩm với Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn
Hội đồng Phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm về tội danh và hình phạt với Hà Văn Thắm: 19 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; 18 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; tù chung thân về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt buộc Hà Văn Thắm phải chấp hành hình phạt chung của 4 tội là: Tù chung thân; đồng thời cấm Hà Văn Thắm làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Hội đồng Phúc thẩm cũng tuyên y án sơ thẩm về tội danh và hình phạt với Nguyễn Xuân Sơn gồm: 17 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; tử hình về tội “Tham ô tài sản”; tù chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt buộc Nguyễn Xuân Sơn phải chấp hành hình phạt chung của 3 tội là: Tử hình.
Đồng thời, theo bản án phúc thẩm, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày tuyên bản án phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn được quyền làm đơn gửi lên Chủ tịch Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để xin ân giảm án tử hình.
Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã thành khẩn khai báo, đặc biệt trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Bản thân bị cáo và gia đình đã có nhiều thành tích trong công tác. Ngày 2/5/2018, vợ bị cáo Sơn là Võ Thị Thanh Xuân đã nộp số tiền khắc phục hậu quả cho Nguyễn Xuân Sơn để bồi hoàn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về tội "Tham ô tài sản". Hội đồng xét xử nhận thấy hiện bị cáo Sơn còn nhiều tài sản nhưng đang bị kê biên cũng như nội dung đơn xin khắc phục hậu quả của gia đình Sơn đều khẳng định ý thức sớm được khắc phục hậu quả.
Cùng với các tình tiết giảm nhẹ, sau khi tiếp nhận bản án có hiệu lực pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm kiến nghị Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội khẩn trương hướng dẫn và phân định tài sản để gia đình của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn xác nhận được số tài sản thuộc sở hữu hợp pháp, có điều kiện khắc phục hậu quả cho bị cáo. Đồng thời, Hội đồng xét xử phúc thẩm kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chủ tịch nước sớm xem xét, giảm hình phạt cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn từ tử hình xuống chung thân theo quy định tại Điểm c, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 40 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng cho rằng hành vi chi tiền vượt lãi suất cũng như các hành vi khác làm thất thoát tài sản của bị cáo Hà Văn Thắm được thực hiện trong hoàn cảnh thị trường tài chính không ổn định, nhiều ngân hàng đều thực hiện hành vi tương tự. Bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo; nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, có nhiều công lao, đóng góp về vật chất cho xã hội. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm đề nghị các cấp có thẩm quyền, sau khi tiếp nhận bản án có hiệu lực pháp luật cần sớm áp dụng các điều kiện để giảm nhẹ hình phạt xuống tù có thời hạn đối với bị cáo Hà Văn Thắm.
Giảm một phần hình phạt cho một số bị cáo
Bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank bị tuyên giữ nguyên án sơ thẩm: 9 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản"; 13 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt là 22 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank bị tuyên 10 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản"; 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Tổng hợp hình phạt: 20 năm tù (giảm 2 năm so với sơ thẩm).
Nhóm bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được giảm nhẹ hình phạt gồm: Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) 4 năm tù (giảm 2 năm so với sơ thẩm); Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Giám đốc khối kế toán OceanBank) 42 tháng (án sơ thẩm 48 tháng tù); Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân OceanBank) 24 tháng tù (án sơ thẩm tuyên 36 tháng tù); Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng OceanBank) 30 tháng tù (án sơ thẩm 42 tháng tù); Nguyễn Hoài Nam (nguyên Giám đốc khối nguồn vốn OceanBank) 36 tháng tù (án sơ thẩm 42 tháng tù); Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ OceanBank) 30 tháng tù (án sơ thẩm 36 tháng tù).
Bên cạnh đó, quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên Giám đốc khối khách hàng bán lẻ), Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc khối khách hàng cá nhân) đều khẳng định phải thực hiện do Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trần Thanh Quang chỉ đạo. Do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, Hội đồng xét xử phúc thẩm yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án đối với Trần Thanh Quang để điều tra làm rõ.
Hội đồng xét xử thấy rằng, tài sản bị kê biên của Nguyễn Xuân Sơn được hình thành từ tài sản của cả hai vợ chồng, căn nhà tại Khu đô thị Ciputra có một phần tiền của bố mẹ bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ bị cáo Sơn), do vậy đề nghị cơ quan thi hành án khẩn trương hướng dẫn gia đình Nguyễn Xuân Sơn sớm phân định tài sản để nhận lại phần tài sản hợp pháp.
Đối với kháng cáo dân sự của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương và Công ty Trách nhiệm hữu hạn VNT, Hội đồng xét xử bác yêu cầu của hai công ty này về việc yêu cầu Nguyễn Xuân Sơn bồi thường mỗi bên 49 tỷ đồng như PVN. Hội đồng xét xử cho rằng, hai công ty này có thể khởi kiện nội dung này trong một vụ án khác.
TTXVN