Xung quanh bức ảnh ‘Nụ cười Việt Nam’: Tại sao 'chúng ta lại không khẳng định bức ảnh này'?
(Thethaovanhoa.vn) - Xung quanh triển lãm Tổng kết Nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới (1986-2016) đang diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh Nghệ thuật Việt Nam (3, Tôn Thất Thuyết, Hà Nội) và việc nghệ sĩ Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam xin rút hai tác phẩm đoạt giải A và C trong triển lãm này, nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Vũ Huyến đã dành cho báo Thể thao & Văn hóa một cuộc trò chuyện sau những lùm xùm.
- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh gửi tâm thư xin rút Giải thưởng
- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh nói rõ về nghi vấn 'vừa đá bóng, vừa thổi còi'
* Để rộng đường dư luận, xin ông chia sẻ về cuộc Tổng kết nhiếp ảnh Nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới đang được diễn ra và những đánh giá của ông về sự cần thiết của triển lãm này?
- Cuộc triển lãm tổng kết này như một hình thức báo cáo với nhân dân về nhiếp ảnh đã làm việc như thế nào trong 30 năm qua, đồng thời Hội cũng tự rút kinh nghiệm cho mình là sắp tới phải làm như thế nào.
Đứng về mặt lý luận thì cũng phải tổng kết kinh nghiệm sáng tác, kinh nghiệm hoạt động của hội, do đó tôi cho rằng đây là một cuộc tổ chức rất tốt. Đây cũng là dịp để vinh danh những tác phẩm đã đóng góp cho xã hội trong suốt 30 năm qua.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến tại trường quay của báo Thể thao & Văn hóa
* Trong suốt 30 năm qua, rõ ràng các tác phẩm nhiếp ảnh đã phản ánh mặt đời sống xã hội của đất nước. Để lựa chọn những tác phẩm trong triển lãm lớn ý nghĩa như vậy, đương nhiên phải có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng?
- Với tư cách là thành viên BGK đã tham gia hội đồng nghệ thuật nhiều khóa, tôi vừa mừng vừa thấy khó vì trong số những ảnh xuất sắc, có tiếng tăm anh em trong giới gửi đến lần này chỉ là con số rất nhỏ so với những bức ảnh đã xuất hiện suốt 30 năm qua.
Từ chỗ có vài chục tờ báo, đến mấy trăm tờ, báo nào cũng dùng ảnh cả, chưa kể biết bao cuộc thi ảnh trong nước, quốc tế… Chính vì thế, chọn lại, nhìn lại thì phải chọn những cái nổi bật, có dấu ấn trong số gần 2.000 bức ảnh đó để trưng bày cho công chúng xem.
Do đó, nội dung bức ảnh phải là vẻ đẹp của đât nước thời kỳ đổi mới, chứ đây không phải là cuộc thi ảnh có một chủ để cụ thể. Có ảnh từng đoạt giải và nổi tiếng qua nhiều cuộc thi, có thể là Nhất cuộc này nhưng trong điều kiện xã hội, giờ nhìn lại rất khó bởi nó chỉ là Nhất ở giai đoạn đó thôi, ví như ảnh đẹp nhất Hà Nội cách đây mấy chục năm giờ nhìn lại sẽ thấy lạc hậu. Cái khó ở cuộc tổng kết này là tuyển chọn để trưng bày cho dân xem, nhiều người được giải cao qua mấy chục cuộc thi buồn vì không được chọn là… phải.
* Có câu hỏi là tại sao giám khảo cũng được tham gia?
- Cuộc tổng kết mở ra cho tất cả hội viên, ai cảm thấy mình muốn vinh danh, muốn đóng góp thì gửi tác phẩm. Ai cũng được tham gia thì giám khảo cũng được tham gia, vì giám khảo, nhất là những người đã từng cầm máy thì cũng muốn khẳng định chứ…
* Trong quá trình xét giải thưởng, bức ảnh Nụ cười việt Namcủa Chủ tịch hội Vũ Quốc Khánh được đánh giá cao. Vậy ông cảm nhận về bức ảnh này thế nào?
- Về mặt kỹ thuật, thì bức ảnh không có gì lạ. Nhưng tôi phải xin nói điều này. Nếu như nhiệm vụ của nhiếp ảnh là phục vụ xã hội, là phục vụ công chúng, thì không phải là tôi, mà toàn bộ thành viên hội đồng đều đánh giá cao bức ảnh này.
Có nhiều bức ảnh rất có giá trị về nghề, thậm chí anh em thường nói đùa là tâm phục khẩu phục về ánh sáng, về kỹ thuật, về nội dung, nhưng nhiều khi chỉ trong giới biết mà thôi. Tôi cũng làm trong giới lý luận phê bình tôi biết, tôi thích những bức ảnh đó, nhưng nó lại không được phổ biến nhiều.
Còn Nụ cười Việt Nam là bức ảnh mà gần như người bình thường ai cũng biết. Tại sao chúng ta khẳng định nhiệm vụ của nhiếp ảnh là phục vụ đời sống mà chúng ta lại không khẳng định bức ảnh này.
Bức Nụ cười Việt Nam của Vũ Quốc Khánh
Trong khi trao đổi về bức ảnh này, nhất là lại của lãnh đạo hội chúng tôi bàn rất kỹ. Tôi nói thẳng là tôi không bàn về nghệ thuật, nhưng phải đặt vấn đề rằng nếu nó không đạt những yêu cầu về nghệ thuật thì chẳng dại gì mà Tổng cục Du lịch biến nó thành logo dùng trong nhiều năm liền. Rõ ràng về mặt nghề nó phải đạt yêu cầu tốt. Nhưng nó hay ở chỗ nó tiêu biểu cho người Việt Nam, cần phải được khẳng định.
Tôi là người bỏ phiếu cho bức ảnh này và các thành viên khác trong hội đồng cũng bỏ phiếu và chúng tôi cảm thấy việc này là đúng.
* Là người làm lý luận phê bình nhiếp ảnh có nhiều năm tham gia công tác lãnh đạo hội, ông còn điều gì trăn trở?
- Thật ra nếu có điều kiện, thì Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh không chỉ tổng kết bằng cuộc trưng bày ảnh mà cần tổng kết nhiều mặt hoạt động hội mới có tác dụng cho sự phát triển sắp tới.
Tôi nghĩ hội mạnh, từng cá nhân phải mạnh, phải có trách nhiệm, biết hi sinh lúc cần hi sinh, biết mạnh dạn lúc cần mạnh dạn, hội viên cần chia sẻ cho nhau, đồng cảm với mục tiêu rõ ràng về nghề và về sự đoàn kết. Anh em có dư luận phải tôn trọng, kể cả bức xúc nói quá hội phải lắng nghe, rút kinh nghiệm, hướng tới nâng cao chất lượng của các thành viên trong hội.
Nghề ảnh khác với nghề khác, càng già càng kinh nghiệm nhưng càng kém bởi sức khỏe, sự nhanh nhạy, mắt nhìn… Còn cánh trẻ nhanh nhạy nhưng cách chọn lựa ảnh đến công chúng không bằng cánh già. Tóm lại, nghề này không ai là thầy của ai cả...
Hoài Thương (Thực hiện)