Xung quanh bài thơ 'Mẹ tôi chửi kẻ trộm': Nói với thi sĩ Tòng Văn Hân
(Thethaovanhoa.vn) - (LTS) Cuộc tranh luận xung quanh bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm (nằm trong chùm thơ gồm 2 bài nữa là Làm rể, Nhà dưới nhà trên) của tác giả Tòng Văn Hân (đoạt giải B, Cuộc thi thơ báo Văn nghệ 2019 - 2020) vẫn chưa có hồi kết, với những ý kiến hết sức trái chiều.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Văn Giá, một người thầy từng nhiều năm phụ trách Khoa Viết Văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (vốn là "hậu thân" của Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây). Hy vọng rằng đây sẽ là một sự "thẩm định" khách quan, khoa học về nghệ thuật, kèm theo đó là những lời nhắn nhủ chân thành tới nhà thơ vừa đoạt giải.
1. Theo thông lệ, khi viết về thơ hay tác giả thơ nào đó, người ta thường hay bắt đầu bằng việc khẳng định, ghi nhận, “khen” trước, sau đó mới là phản biện, góp ý, “chê” sau.
Tôi muốn theo chiều ngược lại.
Một trong những đặc điểm nổi bật của những cây bút dân tộc thiểu số miền núi là sự quan sát, cảm nhận, thụ nhận trực tiếp hình ảnh có tính trực quan. Họ rất mạnh về điểm này. Thế giới mà họ quan sát, tư duy, biểu đạt chính là thế giới của thiên nhiên, của con người trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày rất đỗi quen thuộc. Từ đó, họ chọn lối nói có tính miêu tả, diễn tả trực quan về sự sống. Điều này, trước hết là một điểm mạnh, khi nó có được sự sống động, và sự độc đáo.
Nhưng ngay trong điểm mạnh đó, cũng chứa chấp một nguy cơ tày đình là nếu không đẩy sự biểu đạt lên một ý hướng có tính khái quát nào đấy thì sẽ sa đà vào những sự kể tả lụn vụn, tán loạn, thậm chí lôi thôi, nhiều lời.
Để tránh nguy cơ này, người làm thơ thường dựa vào tứ, tức một trạng thái, một tình huống bất thường, độc đáo nào đó, nơi có khả năng phát sáng về nghĩa và châu tuần tất cả các chất liệu, ngôn từ vào mục đích cho sự phát sáng nghĩa đó trở thành vùng sáng mà tứ đã châm lên.
Cả 3 bài thơ của Tòng Văn Hân đều không đi theo lối dụng tứ, mà theo lối diễn tả, kể chuyện. Đã đi theo lối này, lại không có ý thức đẩy nghĩa lên ở một độ nào đó, thành ra các bài thơ thiếu một tầm cao cần thiết.
Bài Làm rể kể 4 lớp, liên quan đến 4 việc mà chàng rể làm cho nhà của người vợ tương lai: Phát nương, bắt cá, ăn cơm trên nương, và ngủ trên nương. Đó là một câu chuyện nhỏ, tình tứ, dễ thương, kể theo lối nói bộc trực của một chàng trai mang tâm hồn thuần phác, chân chất, đồng rừng. Người đọc vẫn mong một ý thơ nào đó bật lên, nở hoa, bừng sáng. Không thấy. Cơ bản vẫn còn dừng ở chất liệu miêu tả. Chất thơ chưa cất cánh lên được. Rồi, tưởng tình thơ, ý thơ trong bài Nhà dưới nhà trên bứt lên được ở phần cuối, nhưng rồi lại mắc một lỗi khác mà tôi sẽ nói ở phần sau.
Riêng bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm, tác giả đã xác lập được một tình huống, thoạt ngẫm khá lạ, thậm chí thu thú. Nhưng ngẫm lại, hóa ra đó là một tình huống nghệ thuật có phần hơi bị “cương”, gò gẫm, không tự nhiên, hơi bị giả, hay nói theo ngôn ngữ của lý luận là thiếu tính chân thực nghệ thuật. Đã là chửi, một nội dung không thể không có là trút giận, xả giận, để được hả giận. Trong quá trình trút giận, có thể chủ thể chửi mới nảy ra những nông nỗi khác, biết đâu lại ngộ ra một nỗi mong, nỗi xót cho đối tượng bị chửi… Ấy là nói có thể thôi, chứ cũng không dám chắc là vậy.
Nhưng nếu người viết cao tay, rất có thể có khả năng trao vào nhân vật chủ thể chửi kia một tỉnh thức nào đó có sức thuyết phục. Bài thơ khiến tôi không tin vào một tình huống có tính bày biện của tác giả. Nó thiếu một chuẩn bị, một dàn dựng đủ để bật lên một mong ước cao quý ở người chửi là nhân vật “mẹ tôi” như trong bài thơ. Tôi cũng vân vi thêm, điều này có liên quan đến tri thức tộc người: Hay người đồng bào Thái hiểu chữ “chửi” khác với người Kinh hiểu chăng?
2. Điểm thứ hai, tôi muốn nói là người làm thơ phải đọc rộng biết nhiều, cái mà có thể tạm gọi là “văn hóa thơ”. Đọc rộng để học hỏi tinh thần sáng tạo của mọi nhà. Đọc rộng để tránh bị trùng lặp hoặc tránh làm những cách người ta đã làm, nói những lời người ta đã nói. Trong nghệ thuật, đặc biệt trong văn chương, với thơ lại càng khắc nghiệt, giống người ta hiển nhiên là không được, nhưng dấp dính người ta cũng không nên.
Trong bài thơ Nhà dưới nhà trên, thoạt đọc thấy khá thú vị, cho người đọc mường tượng một không gian cư trú tộc người và một không gian tinh thần đẹp đẽ. Tôi thích hình ảnh “Chai rượu lâu năm chăng đầy mạng nhện/ Mang sang để cùng tiếp khách”. Thật ân tình, đẹp và mang sắc thái văn hóa tộc người. Tuy nhiên, bài thơ này không thể nói là không chịu ảnh hưởng bài thơ Nói với con nổi tiếng của nhà thơ Y Phương, trong đó có câu thơ thật đẹp và tầm vóc: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”. Trong bài thơ của Tòng Văn Hân, cách nói “kê nhau cao dần”, “Nhà dưới kê nhà trên cao lên” là giống cách nói của Y Phương, mà nghĩa của nó lại không được tầm vóc, dài rộng bằng Y Phương. Làm thơ khó thế. Hễ động bút một cái, trước mặt mình đã có bao gương mặt thơ khác soi vào…
Điểm thứ ba, như đã nói ở trên, do sa vào kể, tả, diễn giải, nên lời thơ thiếu dụng công, trau chuốt cần thiết. Đọc thơ của Tòng Văn Hân, có cảm giác rất giống với thơ dịch nghĩa. Tức là anh làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ, xong rồi dịch ra tiếng phổ thông. Dịch thơ ít nhất có 2 cấp độ: Dịch nghĩa và dịch thơ. Dịch nghĩa chỉ cần người giỏi tiếng, thông minh; còn dịch thơ cần một nhà thơ đích thực. Chùm thơ của Tòng Văn Hân đang ở mức dịch nghĩa. Rất mong anh để tâm đầu tư chuyện này hơn.
3. Bây giờ tôi muốn nói mấy điểm son của chùm thơ Tòng Văn Hân.
Phải nói ngay là tôi rất có cảm tình với Hân ở tư cách là một thi sĩ. Đúng, anh có phẩm tính thi sĩ rất dồi dào. Điều đó được nhận ra trước hết ở cái nhìn rất sống động, nhiều nỗi ngạc nhiên trước con người, thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc. Anh có được cái nhìn này. Ở những người làm thơ, điều này vô cùng quan trọng. Nếu anh đánh mất cái nhìn ngạc nhiên trước đời sống, khi đó thơ anh đã cạn. Nỗi ngạc nhiên làm nên tư cách thi sĩ của người làm thơ. Điều này hoàn toàn khác với cái ngây ngô, hay làm ra vẻ ngây ngô. Đã nhiều người nói về việc một số cây bút viết về đồng bào miền núi, hay ấn vào miệng nhân vật những câu ngô nghê, cứ tưởng thế là có tính dân tộc. Không phải. Tính dân tộc đòi hỏi cao hơn thế. Nó là một đời sống, một sự sống đủ đầy, sâu sắc, riêng đấy mà chung đấy, bản địa mà quốc gia, quốc tế. Tức là cái khát vọng làm cao lên, giàu có lên tư thế, tầm vóc của dân tộc mình mới là điều đáng kể…
Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng, thơ phải bắt đầu từ nỗi ngạc nhiên về đời sống, tự nó mang tính phát hiện, để có được sự độc đáo, mới lạ, rồi sau đó mới là tầm cao tư tưởng và những gì khác nữa. Tòng Văn Hân đang rất phong nhiêu về nỗi ngạc nhiên thi sĩ trước sự sống này.
Ưu thế thứ hai mà Tòng Văn Hân đang sở hữu là sự am hiểu văn hóa tộc người, văn hóa bản địa chiều sâu. Vốn là người gắn bó tự nhiên với đất và người miền núi, với bản làng, với cộng đồng bản địa Thái… lại là người chuyên nghiên cứu văn hóa địa phương, cả 2 hỗ trợ rất tốt cho cảm quan thi sĩ mà anh đang có. Yêu văn hóa bản địa, phát hiện những giá trị văn hóa bản địa để quảng bá với công chúng cả nước qua/bằng thơ (như Tòng Văn Hân tâm sự trên báo Văn nghệ, số chuyên đề về Giải thưởng thơ, 10/4/2021) là một nguyện vọng đẹp đẽ và đáng trân trọng. Có điều, cùng với hiểu biết, cũng cần phải suy tư về văn hóa, đặt nó trên tầm cao của sự phát triển và tiến bộ. Văn hóa không bao giờ đóng kín, mà luôn mở, thâu nạp, làm giàu…
Nhân đây cũng nói thêm, về thơ của các nhà thơ dân tộc thiểu số, theo quan sát của tôi có 2 chặng: Chặng 1, các nhà thơ tìm cách hòa vào “mạng lưới thơ” quốc gia; và chặng thứ 2, đang là, các nhà thơ sải cánh rộng dài vào quốc tế. Y Phương, Inrasara, Dương Thuấn, Vi Thùy Linh… chẳng đã có những đường bay đẹp đẽ đó sao. Bản địa mà vẫn quốc gia, quốc tế. Tòng Văn Hân và các nhà thơ trẻ dân tộc thiểu số khác rất nên đi theo con đường thứ 2 này.
4. Điều cuối cùng, tôi không thể không nói về một bài thơ hay của Tòng Văn Hân mà gần đây tôi mới biết. Đó là bài Em soi gương, được nhà thơ công bố trên báo Tuổi trẻ ra ngày 12/5/2013 (tài liệu do nhà NCPB Phạm Xuân Nguyên cung cấp). Xin được đăng nguyên văn bài thơ này:
Em soi gương
Sáng sớm em soi gương
Chải đầu với vấn tóc
Trong gương hình em nét
Mặt em vương hoa than.
Những hoa than ghi lại
Tháng năm em đi qua
Những mùa nương bông to
Những mùa ruộng bông dài
Những mùa bông nở trắng
Sáng sớm em soi gương
Chồng đến bên chung ngắm
Trong gương hình chồng vợ
Tựa hai que củi tốt
Cháy lên ngọn lửa hồng
Sáng sớm em soi gương
Đuôi mắt em có nhăn
Đôi má đã ít hồng
Trong lòng em có nghĩ.
Chồng đến bên chồng nói:
“Gương nhà ta hỏng rồi
Hình không được rõ nữa”
Mặt em như đào nở
Bóng gương đùa đấy thôi…
Một bài thơ thật hay về hạnh phúc vợ chồng, được biểu đạt trong một lối nói thật giản dị, mới lạ, ngạc nhiên, đẫm tính thơ: “Trong gương hình chồng vợ/ Tựa hai que củi tốt/ Cháy lên ngọn lửa hồng”. Hình ảnh đẹp đẽ và ấm áp này chính là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi. Bài thơ cũng tựa như một câu chuyện nhỏ, ấy thế mà chan chứa hạnh phúc lớn của con người. Một bài thơ hay trong tứ, trong lời, trong hồn, trong điệu, với nhiều dư vị…
Một thi sĩ như thế, sao có thể không yêu, không hy vọng?...
PGS-TS Văn Giá