Xúc động và tự hào là con dân đất Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 2/9, Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành cấp Quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2015) đã được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Ba Đình và một số tuyến phố của Thủ đô Hà Nội.
GS -TS Nguyễn Văn Huy: “70 năm Quốc khánh là sự kiện đặc biệt. Đặc biệt nữa, năm nay tôi 70 tuổi, lại được mời tham gia vào đoàn diễu hành phải nói là rất vinh dự.
Tôi cùng 10 người khác, trong đó có NSND Phạm Thị Thành, PGS Nguyễn Thị Trâm, GS Nguyễn Lân Hùng... đứng trên ô tô đại diện cho giới trí thức nói chung cùng 400 nhà khoa học tiến qua lễ đài. 70 năm qua, những thành tựu khoa học kỹ thuật của các lĩnh vực khác nhau đều được xây dựng và có được những thành tựu rất tuyệt vời. Những thành tựu đó, chắc chắn đều là kết quả của sự phấn đấu liên tục, không mệt của nhân dân ta đặc biệt là các nhà khoa học”.
Nhà văn Trần Thị Trường: Bày tỏ sự xúc động và tự hào là người con dân đất Việt khi được chứng kiến lễ diễu binh, diễu hành chứng tỏ sự phát triển hùng mạnh của quân đội, của các lực lượng vũ trang, bà chia sẻ: “Nghĩ đến quốc gia mà nói, tôi rất xúc động. Tôi cứ nghĩ rằng làm thế nào để sự hùng mạnh này không chỉ ở hình thức, chỉ làm một ngày hôm nay, thậm chí ở đấy có thể có những cái mạnh mẽ hơn nữa mà chúng ta chưa đưa ra...
Nhưng tôi nghĩ, biểu dương lực lượng như vậy là vừa phải, như thế vừa làm nức lòng dân, vừa biểu thị tinh thần để cho dân hiểu, để cho dân chung một cánh tay đồng lòng”.
PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn: “Những năm tròn năm như thế này, Nhà nước tổ chức lớn, có những cảnh duyệt binh, diễu binh trên quảng trường Ba Đình, nó khơi gợi cảm xúc lớn cho nhiều người, nhất là những người “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” như chúng tôi, dù không phải là trực tiếp can dự vào thời năm 1945, nhưng cũng gợi cho người ta những sự gần gũi, đó chính là những bài học lịch sử có ý nghĩa kéo dần lịch sử với đời sống ngày hôm nay.
Những ngày như thế này, có tính chất kết nối, hội tụ... chứ không phải hình thức chơi vui như một ngày lễ bình thường. Đúng là một ngày Lễ độc lập, Tết độc lập của dân tộc.
Và đặc biệt với một dân tộc như VN qua quá nhiều chiến tranh, quá nhiều vất vả gian khổ, chỉ những phút giây như thế mới làm cho người ta thấy xúc động. Mặc dù chưa được hoành tráng như các nước lớn, nhưng rất hân hoan và khởi sắc, hơn lúc nào hết người dân thấy được cá nhân của mình gắn với cộng đồng, gắn với số phận dân tộc...”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc: Xem hình ảnh Lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 trên tivi, tôi rất ấn tượng với cảnh diễu binh của quân đội ta với nhiều binh chủng của một đội quân hùng mạnh.
Tôi từng là người lính cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam những năm 1980 nên rất quan tâm đến những hình ảnh như thế. Nếu so với hình ảnh của ngày 2/9 cách đây 70 năm, lúc đó quân đội ta gần như chưa có gì, chỉ vài khẩu súng đơn sơ lấy được của Pháp và gậy tầm vông; thì nay quân đội ta đã thực sự lớn mạnh.
Tôi so sánh hình ảnh của lễ độc lập ngày 2/9/1945 và bây giờ để thấy rằng hồng phúc dân tộc trong 70 năm qua là hiện hữu. Một dân tộc, một quốc gia đã lớn lên từ tay không để đạt được những gì sau chừng đó năm là một niềm vui khó diễn tả bằng lời.
Nhà thơ Trương Nam Hương: “Tôi không thể không xúc động và sục sôi lòng trẻ khi xem cảnh diễu binh qua lễ đài buổi kỷ niệm 70 năm Quốc khánh sáng nay. Những hình ảnh đó như tiếp thêm lòng yêu Tổ quốc trong việc giữ gìn biên cương, hải đảo của tổ tiên ta ngàn đời trao truyền cho cháu con. Tôi thấy mình trẻ lại tuổi đôi mươi khi xem Lễ kỷ niệm này.
Hoàng Nhân - An Như (ghi)
Thể thao & Văn hóa