Xuân Canh Tý: Nâng lên giá trị của đào Nhật Tân
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, lên dinh đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), mọi người sẽ cảm nhận được sắc Xuân đã ngập tràn khi các vườn đào bạt ngàn sắc thắm. Không chỉ giữ vẻ đẹp của loài hoa mùa Xuân, người trồng đào giờ đã nhanh nhạy khi biết nâng giá trị của cây đào, phục vụ nhu cầu người chơi ngày càng tinh tế.
Nơi mang mùa Xuân về
Thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Nhật Tân một khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước thuận lợi, cùng với bàn tay khéo léo, kinh nghiệm trồng đào lâu đời của người dân nên hàng trăm năm qua, đào Nhật Tân nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc, trở thành thương hiệu và niềm tự hào của người Hà Nội. Làng nghề truyền thống trồng đào Nhật Tân được công nhận từ năm 2015, thương hiệu hoa đào Nhật Tân được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ từ năm 2006 đã khẳng định vị trí riêng có của đào Nhật Tân trên thị trường.
- Nhất chi mai, đào Nhật Tân, bưởi thế tuyệt đẹp chờ rước về chơi Tết
- Đào Nhật Tân nở sớm, quất thế, bưởi thế đắt hàng
Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý, thời gian này, những vườn đào Nhật Tân đang tất bật phục vụ cho nhu cầu khách chơi hoa ngày một tăng cao. Những cây đào gốc cổ thụ hay những cành đào được cắt gọt theo từng chuyến xe xuôi ngược khắp nơi. Suốt dọc con đường nối từ đê Âu Cơ ra tận cuối cánh đồng luôn tấp nập người qua lại. Nhiều người tranh thủ thời tiết ấm áp, đào đang nở rộ để ghi lại những khoảnh khắc đẹp cho mình. Trong cả một năm, đây là thời điểm vườn đào Nhật Tân trở nên rực rỡ, hấp dẫn nhất.
Tự hào về vùng đào quê hương, ông Nguyễn Trọng Mẫn, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Nhật Tân cho biết, diện tích đất trồng đào tập trung ở Nhật Tân rộng tới 70 ha trong tổng số 92 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích đào ngày càng được mở rộng, sẽ dẫn phủ kín trong những năm tới. Cũng theo ông Mẫn, để làm ra những cây đào đẹp, không chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm của những người trồng đào mà còn có cả tâm huyết, tình yêu của người nông dân với cây đào. Hầu như gia đình nào cũng có từ 2 – 3 đời gắn bó với cây đào, có những thời điểm phải ăn, ngủ cùng đào.
Ở Nhật Tân, vườn đào lớn với số lượng lên tới vài nghìn cây, vườn ít cũng vài trăm cây. Nhiều vườn đào nổi tiếng như: Đức Bình, Hằng Phương, Tuấn Việt, Hồng Loan… được nhiều người tìm đến. Bên cạnh những vườn đào Nhật Tân, giờ đây người ta cũng biết tới nhiều vùng trồng đào khác như: Phú Thượng (Tây Hồ), La Cả (Hà Đông)… tuy nhiên không thể vượt qua Nhật Tân kể cả về quy mô và chất lượng hoa và cây.
Tăng thêm giá trị cây đào
Là loại hoa nhạy cảm với thời tiết, vậy nên, để có được những cây đào đẹp, nở đúng độ Xuân về, người trồng đào Nhật Tân không chỉ vất vả mà còn phải biết nghe ngóng, linh hoạt với thời tiết để chăm sóc cây, tuốt lá, thúc ra hoa. Nhất là hiện nay, khí hậu có những diễn biến bất thường, nóng lên làm ảnh hưởng rất lớn đến việc trồng đào. Nếu trước kia, có những giống đào tuốt lá trước Tết từ 65 – 70 ngày thì nay chỉ cần tuốt lá khoảng 30 ngày là hoa đã nở. Hoặc ngắn hơn, có loại cần tuốt lá khoảng 50 ngày thì nay chỉ cần 25 ngày là đã ra hoa. Vì thế, từ giữa tháng 12 dương lịch, trên nhiều tuyến phố Hà Nội đã xuất hiện những cành đào nở sớm làm nhiều người ngỡ ngàng.
Giờ đây, người dân Nhật Tân không đơn thuần trồng đào theo lối truyền thống mà đã tự biết nâng giá trị của cây đào, không chỉ phục vụ người chơi mà còn tăng thêm nguồn lợi cho mình. Nhiều dáng đào, thế đào được người Nhật Tân nghiên cứu, kỳ công tạo nên, tôn thêm vẻ đẹp cho đào, khiến người chơi thích thú. Giờ đây, vườn đào Nhật Tân không chỉ phục vụ người chơi đào cành, đào cây thông thường mà còn tạo thế bonsai cho đào, dáng đào cong hình rồng, đào mini… phục vụ từ thú chơi trong gia đình đến các công sở, trường học, khách sạn, nhà hàng và trưng bày nơi công cộng. Đặc biệt, những người trồng đào trẻ tuổi ở Nhật Tân rất nhanh nhạy trong áp dụng các kỹ thuật trồng mới nâng cao chất lượng cây đào, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Anh Chu Văn Chén - vườn đào Chén Nguyệt cho biết, gia đình anh có 300 gốc đào phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý, trong đó đa phần là đào thế nghệ thuật. Để có được những cành đào dáng đẹp, anh phải chăm sóc từ 3 – 4 năm. Không chỉ mất nhiều công sức hơn trồng đào thông thường mà chi phí vật tư phân bón cũng cao hơn. Mỗi năm, trồng được bao nhiêu gốc, hầu như anh đều tiêu thụ hết và tất nhiên giá trị mang lại cho gia đình anh cũng cao hơn đào truyền thống. Những cành đào dáng cong hình rồng của nhà anh rất hợp với việc trưng bày tại phòng khách các gia đình, nhất là gia đình nào có diện tích không quá lớn.
Vườn đào Tuấn Hương của chị Chu Thị Hương trong những ngày thời tiết ấm áp này, đã bung nở rực rỡ. Năm nay, nhà chị trồng khoảng 400 gốc đào phục vụ nhu cầu chơi cành và 100 gốc phục vụ chơi cây. Để có những cây đào gốc sần sùi, cổ thụ, gia đình chị phải ghép mắt đào Nhật Tân vào gốc đào rừng, vừa tạo sự tươi mới từ những bông hoa thắm sắc, vừa tạo sự cũ kỹ từ gốc cây già nua. Những cây đào như vậy được rất nhiều người ưa chuộng. Khách đến mua đào nhà chị đa phần là khách quen, đặt trước từ nhiều tháng trước Tết. Chị cho biết, nhu cầu người chơi ngày càng đa dạng và càng cao, do vậy, người trồng đào nếu biết cách tạo ra những thế đào đẹp, nâng cao chất lượng hoa đào thì sẽ rất hút khách.
Một mùa Xuân mới lại về. Trên các ngả đường ở dinh đào Nhật Tân, những chậu đào, cành đào theo dòng xe hối hả tỏa đi các nơi, mang mùa Xuân đến với mọi nhà, mọi góc phố, con đường Thủ đô.
Đinh Thuận/TTXVN