Xôn xao cựu sinh viên Ngoại thương lên mạng than áp lực vì lương chỉ hơn 100 triệu/tháng, netizen: "Có thôi đi không hả?"
Sau khi được đăng tải, chủ đề thu nhập của sinh viên Ngoại thương một lần nữa lại dậy sóng dư luận.
Vào được những trường top đầu như Ngoại thương hay Kinh tế quốc dân từ lâu đã trở thành mơ ước của rất nhiều bạn trẻ. Bởi lẽ không chỉ có chất lượng giảng dạy tốt, không ít người còn mặc định tốt nghiệp những trường này đồng nghĩa với việc tốt nghiệp ra trường sẽ dễ kiếm việc hơn, lương thưởng cũng cao hơn.
Mới đây, dân tình đã được dịp xôn xao trước một bài đăng trên fanpage "FTU Confessions". Chủ nhân của confession tự xưng là cựu sinh viên K51 của Ngoại thương. Người này cho biết đã đi làm được gần 6 năm do học Đại học trễ 1 năm và mất 1,5 năm du học Thạc sĩ.
"Hiện tại mình đang đi làm ở Việt Nam với mức lương Gross fixed (tổng thu nhập cố định) 100 triệu đồng/ tháng. Thưởng cuối năm + performance (hiệu suất công việc) thì thêm 2,5 tháng lương nữa)", trích bài đăng.
Dù kiếm được số tiền rất lớn, nhưng khổ chủ vẫn thắc mắc không biết "đây có là thành tựu đáng để tự hào không". Bởi theo lập luận của bạn cựu sinh viên này, nghe đồn các Tiktoker, YouTuber trẻ có thể kiếm vài trăm triệu/tháng. Hay các bạn làm IT 4-5 năm kinh nghiệm có lương trung bình trên 5.000 USD/tháng (hơn 117 triệu đồng), nhận job ngoài có khi kiếm thêm được vài nghìn đô nữa. Khi nhìn những con số này, bạn này cảm thấy thu nhập hiện tại của mình thật... nhỏ bé. Đó là chưa kể đến nỗi lo lắng thất nghiệp do người này đang làm về Supply Chain - một ngành được dự đoán có nguy cơ bị thay thế bởi công nghệ.
Sau khi đăng tải, bài đăng đã thu về gần 3.000 lượt react và gần 2.000 bình luận. Bên dưới phần comment, nhiều netizen đưa ra quan điểm của mình. Người thì thắc mắc không biết mục đích thực sự của bài viết này là gì, liệu có phải một hình thức "tự khoe" mới hay không. Một số khác thì khách quan hơn, đã đọc và phân tích vấn đề cũng như đồng cảm với chủ post.
- Bạn sinh năm 1993 tức là giờ đang 30 tuổi, đọc bài đăng của bạn có thể thấy bạn đang ở giai đoạn khủng hoảng tuổi 30. Một trong những vấn đề khủng hoảng ở giai đoạn này là lung lay niềm tin về công việc, thu nhập của bản thân, và càng hoang mang hơn khi nghe các thông tin về công việc, thu nhập của người khác, ngành nghề khác. Giải pháp là dừng nghe, so sánh mình với ai cả, đấy cũng là cách để tôn trọng bản thân mình, tiếp tục tu rèn để mỗi năm, mỗi quý, mỗi tháng mình đều trở thành phiên bản tốt hơn trước. Khoảng 2 năm nữa qua giai đoạn khủng hoảng bạn sẽ thấy mình thật tuyệt.
- Nếu đây là một bài viết thật, với số liệu thật con người thật thì mình quả thực lo lắng. Nhưng không phải là lo về thu nhập, mà lo về định nghĩa của bạn với các giá trị trong cuộc sống. Cái lo thứ 2 là với ngần đấy năm kinh nghiệm và thu nhập "khủng" cờ vậy, thì bạn đang có tài năng và may mắn nằm trong top của xã hội, chắc chắn bạn phải học cách "vượt khó"!
- Tự dưng thấy lương tháng của mình chỉ là hạt cát luôn. Dù sao cũng hài lòng với cuộc sống vì ko có gì ngoài một gia đình hạnh phúc, thế là đủ.
- Đang phải tính toán xem tiêu lương 10 triệu thế nào cho đủ mà tự nhiên phải đọc post này, hoang mang hẳn luôn.
- Thu nhập cao là điều tốt, bạn quả là người may mắn và có sự cố găng trong cuộc sống. Tuy nhiên, ý nghĩa trong cuộc sống không phải cứ có tiền là tự hào đâu bạn. Nếu biết mình đủ, biết mình ở đâu trong xã hội và đã làm đc gì cho người thân, bạn bè và gia đình thì đấy mới là đáng tự hào nhé. Con người sinh ra từ 2 bàn tay trắng và ra đi cũng như thế, tiền có thể giải quyết được 99% vấn đề nhưng vẫn còn 1% là khoảng lặng, có khi cái 1% lại là cái mà rất nhiều người có tiền thèm muốn. Dù sao chúc mừng bạn trong số những người có thu nhập cao nhất Việt Nam.
Ngành Supply Chain là gì mà có thể kiếm trăm triệu/tháng?
Trong bài đăng, bạn cựu sinh viên Ngoại Thương này cũng nhắc đến công việc hiện tại của mình là về Supply Chain. Cho những ai chưa biết, Supply Chain còn được biết đến với tên gọi là "Chuỗi cung ứng". Đó là một mạng lưới giữa công ty và các nhà cung cấp để sản xuất, phân phối sản phẩm. Quá trình này sẽ diễn ra từ giai đoạn đầu là tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô cho đến việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cuối và cùng tới tay người tiêu dùng. Mạng lưới này bao gồm các hoạt động, con người, thực thể, thông tin và tài nguyên khác nhau.
Có thể nói, đây là một chuỗi cung ứng các hoạt động theo chiều rộng và chiều sâu, không đơn giản chỉ là nghiệp vụ làm theo chu trình, mà nó còn đi sâu vào định hướng, phát triển nghiệp vụ đó. Supply Chain là lĩnh vực được rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt là các tập đoàn lớn trên thế giới, họ luôn luôn nghiên cứu và tìm ra những giải pháp làm sao để: Giảm chi phí vận chuyển hàng hóa một cách tối ưu nhất, giảm thiểu được số lượng hàng tồn kho một cách có hiệu quả… và vô số các vấn đề khác được đặt ra.
Cũng chính vì vậy, cơ hội nghề nghiệp trong ngành Supply Chain ngày càng lớn hơn, đặc biệt ở một đất nước đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam. Tuy nhiên nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của Supply Chain khá chuyên biệt.
Một số vị trí việc làm cho những ai muốn theo đuổi ngành Supply Chain: Chuyên viên dự báo nguồn hàng; Hoạch định và điều phối nguồn nguyên vật liệu; Lên kế hoạch sản suất; Quản lý hàng tồn kho; Quản lí dự án, Chuyên viên làm việc tại các kho bãi, vận chuyển; Chuyên viên làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; Chuyên viên mua hàng...
Mức lương của Supply Chain khá hấp dẫn. Theo thống kê của Khoa Thuế và Hải quan trường Học viện Tài chính, năm 2019, mức lương của ngành Supply Chain của một Supply Chain Officer (Cán bộ chuỗi cung ứng) tại Việt Nam có 3-6 kinh nghiệm cao nhất lên đến 1.500 USD/tháng (hơn 35 triệu đồng). Còn Supply Chain Manager (Trưởng phòng Chuỗi Cung ứng) với 5 - 15 năm kinh nghiệm cao nhất lên đến 6.000 USD/tháng (hơn 140 triệu đồng).
Trong khi đó, theo phân tích của VietnamWorks, mức lương trung bình của một Supply Chain Manager (Trưởng phòng Chuỗi Cung ứng) có thể lên đến 2.203 USD/tháng (hơn 51 triệu đồng) năm 2021.
Tất nhiên, mức lương này có thể nhiều hơn hoặc ít hơn hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của bạn và đặc thù của công ty mà bạn làm việc cũng như diễn biến trên thị trường tuyển dụng tại thời điểm làm việc.