Xôn xao cô gái 28 tuổi xin mua đôi giày 700k nhưng bố mẹ không cho liền quỳ xuống dập đầu, khóc lóc: "Bố mẹ giữ hết tiền của con rồi còn đâu!"
Kể từ lúc sinh ra đến khi đi học, tốt nghiệp, đi làm, lập gia đình…, mỗi bước trưởng thành của con cái dường như đều không thể tách rời với công lao của cha mẹ. Dưới sự dìu dắt, bao bọc và định hướng của cha mẹ, những đứa trẻ mới có thể thuận lợi lớn lên, khỏe mạnh và có tương lai tươi sáng.
Tuy nhiên, không phải ông bố bà mẹ nào cũng có cách giáo dục con cái đúng đắn và không phải lúc nào mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng hòa hợp. Giống như câu chuyện mới xảy ra cách đây vài ngày tại Trung Quốc chẳng hạn, sự việc đã gióng lên hồi chuông về một cách dạy con sai lầm mà nhiều bậc phụ huynh mắc phải.
Theo đó, sự việc xảy ra tại một cửa hàng giày nằm trong trung tâm mua sắm ở thành phố Thiệu Hưng (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Một gia đình 3 người đang chọn mua giày cho cô con gái, thoạt nhìn cảnh tượng này trông vô cùng vui vẻ đầm ấm nhưng ngay sau đó, cô con gái bất ngờ gục xuống khóc, thậm chí còn quỳ sụp xuống đất và dập đầu, khiến nhiều người sợ hãi.
Cô gái quỳ sụp xuống đất khóc lóc, liên tục dập đầu van xin bố mẹ mua cho mình đôi giày 700k nhưng không được
Hóa ra, người con gái này năm nay đã 28 tuổi. Cô rất thích một đôi giày có giá 200 tệ (khoảng hơn 700k đồng). Thế nhưng bố mẹ cô gái vừa nhìn thấy giá tiền đã vội vàng bắt cô gái đặt đôi giày xuống, họ cho rằng đôi giày quá đắt nên không cho cô mua. Dù cô gái có năn nỉ thế nào, bố mẹ cô cũng nhất quyết không đồng ý. Cuối cùng, mặc kệ ánh nhìn của mọi người xung quanh, cô gái đã ngồi sụp xuống đất và khóc lóc thảm thiết, liên tục dập đầu van xin bố mẹ mua giày cho mình.
Và trong khi cô gái gục xuống quỳ lạy, người ta còn có thể nghe thấy tiếng cô gái hét đến khản cả cổ: "Con không có tiền", "Bố mẹ giữ hết tiền của con rồi", "Chân con chẳng lẽ rẻ mạt đến thế sao?", "Con chỉ muốn mua một đôi giày tốt hơn thôi mà, sao bố mẹ tàn nhẫn với con như thế?"…
Bất chấp phản ứng của con gái, bố mẹ cô lạnh lùng quay lưng bước ra khỏi cửa hàng. Bố cô còn không quên ném lại một câu: "Con có thể bình thường một chút được không?".
Nếu sự việc này xảy ra với một học sinh cấp 2, có lẽ ai cũng nghĩ trẻ con ngày càng hư đốn và ngỗ ngược, không biết thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ mà chỉ biết vòi vĩnh, đòi mua giày khiến bố mẹ phật lòng. Nhưng cô gái trong câu chuyện đã 28 tuổi, qua tiếng hét khản đặc của cô ấy, cũng có thể hiểu rằng cô gái này có lẽ đã đi làm nhưng tiền lương cô ấy kiếm được đều giao hết cho bố mẹ.
Sau khi clip về sự việc được đăng tải lên MXH, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra. Nhiều cư dân mạng cho rằng bố mẹ cô gái quá ích kỷ, một số lại không đồng tình với hành động của cô gái vì đã 28 tuổi nhưng cô không biết kiềm chế cảm xúc.
- Sao lại có ông bố bà mẹ như thế nhỉ? Cô con gái còn trẻ như vậy, tại sao không cho cô ấy được ăn diện hơn? 200 tệ cũng đâu phải khoản tiền quá lớn. Con tôi sắp vào đại học, tôi thường nói với con bé rằng: Là con gái thì phải biết chăm chút ăn mặc một chút, không sẽ mất điểm trong mắt người đối diện. Tôi sẵn sàng mua cho con bé cả đống áo khoác, váy vóc giá 1.600 tệ (khoảng 5,4 triệu đồng), đôi giày con bé đi cũng phải hơn 1.000 tệ (khoảng 3,4 triệu đồng). Gia đình tôi cũng không giàu có khá giả gì nhưng tôi không muốn con tôi phải sống khổ sống sở ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của nó.
- Chúng ta không phải người trong cuộc nên cũng không nên phán xét người khác quá. Nhưng rõ ràng nhìn từ bề ngoài thì gia đình này cứ… sai sai thế nào ấy nhỉ? Cô con gái 28 tuổi rồi ồn ào như một đứa trẻ, và người bố người mẹ kia thì quản tiền quá chặt, thấy con mình như vậy mà chỉ biết quay lưng rời đi chẳng ngăn cản hay gì…
- Tôi đồng cảm với bạn nữ này vì tôi cũng phải nộp hết tiền lương của mình cho bố mẹ, tôi hoàn toàn không có quyền kiểm soát với chính đồng tiền mà tôi làm ra.
- Mọi người đừng trách cô gái vì sao 28 tuổi rồi mà đến mua đôi giày cũng phải xin phụ huynh. Nếu cô ấy lớn lên trong gia đình như vậy, 28 năm trời chịu áp lực và cách giáo dục như vậy thì suy nghĩ của cô ấy đương nhiên sẽ không có những từ như "phản kháng" hay "tự lập/ tự do tài chính" rồi.
- Gần 30 tuổi đầu mà không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình à? Thảo nào mà bố bạn này phải nói, "con có thể bình thường một chút được không".
Từ câu chuyện kể trên, nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ ra vấn đề ở đây là do phương pháp giáo dục kiểu kìm kẹp đến từ phía bố mẹ cô gái. Rõ ràng, giáo dục cũng như kiểm soát đều phải có mức độ, bậc làm cha mẹ không thể nhân danh tình yêu mà tổn thương con cái mình, đến lúc cần buông tay thì hãy buông tay để con cái có thể tự lập và có không gian riêng, cuộc sống riêng.
Cha mẹ cần nắm được cái gọi là "mức độ" và "giới hạn" trong giáo dục, dạy dỗ con cái. Con cái ở các độ tuổi khác nhau cần được giáo dục theo những cách khác nhau, một đứa con 8 tuổi hoàn toàn khác với một đứa con đã 28 tuổi nên chúng cũng cần được đối xử theo cách khác nhau. Một mối quan hệ gia đình chỉ tốt đẹp khi nó là hành trình hai chiều giữa phụ huynh và con cái.
Cha mẹ không được dùng cái mác yêu thương để làm tổn thương con, đến lúc phải buông thì hãy buông, có như vậy con cái mới có thể bay cao, bay xa hơn. Về phần mình, con cái cần báo đáp công ơn của cha mẹ, nhưng đồng thời, cũng cần biết tự lập và có ý thức cá nhân.
Nguồn: Sohu