Xét xử vụ án tại CDC Hà Nội: Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm bị đề nghị mức án từ 10-11 năm tù
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 11/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với các bị cáo: Nguyễn Nhật Cảm (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội) từ 10 - 11 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh (sinh năm 1979, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội) và Đào Thế Vinh (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam – MST) từ 7 - 8 năm tù.
Hai bị cáo Nguyễn Trần Duy (sinh năm 1980, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành) và Nguyễn Ngọc Nhất (sinh năm 1986, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển khoa học Vitech) bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù.
Các bị cáo Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1973, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội), Nguyễn Thanh Tuyền (sinh năm 1985, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết bị y tế Phương Đông) cùng bị đề nghị mức án từ 5 - 6 năm tù.
Viện Kiểm sát cũng đề nghị xử phạt bị cáo Lê Xuân Tuấn (sinh năm 1982, cán bộ CDC Hà Nội), Hoàng Kim Thư (sinh năm 1987, nguyên Kế toán trưởng, Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC Hà Nội) từ 2 - 3 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị trả lại cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội số tiền đang tạm giữ là hơn 5,4 tỷ đồng, tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền hơn 25 triệu đồng.
Bản luận tội nêu rõ, ngày 14/2/2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định về việc bổ sung kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, bổ sung dự toán cho Sở Y tế Hà Nội. Ngày 15/2/2020, Sở Y tế Hà Nội ban hành Quyết định giao CDC Hà Nội nguồn kinh phí bổ sung hơn 31 tỷ đồng, trong đó có danh mục mua các thiết bị của gói thầu số 15 gồm: 1 hệ thống Realtime PCR tự động; 1 máy tách chiết DNA/RNA tự động; 01 tủ lạnh âm -86 độ C, 01 tủ lạnh âm -20 độ đến -30 độ C và 01 tủ mát từ 02 đến 14 độC; giao CDC Hà Nội làm chủ đầu tư gói thầu số 15 trên.
Quá trình thực hiện quy trình mua sắm hàng hóa theo hình thức chỉ định thầu thông thường, lợi dụng tình trạng dịch bệnh và vì động cơ vụ lợi, Nguyễn Nhật Cảm đã không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu mà đã thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu. Cảm đã chủ động gặp, bàn bạc, thống nhất giá mua hàng hóa và xác định giá gói thầu là hơn 9,5 tỷ đồng với các bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh thuộc các công ty tư nhân kinh doanh, trước khi thực hiện quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường; câu kết với bị cáo Nguyễn Trần Duy (Tổng Giám đốc, Thẩm định viên về giá Công ty Nhân Thành) gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định giá gói thầu trên theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu; chỉ đạo và giao cho các nhân viên dưới quyền là Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Hoàng Kim Thư, Lê Xuân Tuấn hợp thức toàn bộ quy trình chỉ định thầu thông thường để Công ty MST trúng thầu theo giá thỏa thuận từ trước, vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu năm 2003.
Đại diện Viện Kiểm sát xác định, hành vi phạm tội của các bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Ngọc Nhất, Đào Thế Vinh, Nguyễn Trần Duy, Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Hoàng Kim Thư, Lê Xuân Tuấn đã gây thiệt hại hơn 5,4 tỷ đồng cho Nhà nước. Bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền tham gia thực hiện tội phạm trong việc thỏa thuận, gian lận về giá mua bán hệ thống Realtime PCR với Nguyễn Nhật Cảm nên chịu trách nhiệm về số thiệt hại gây ra là hơn 3,8 tỷ đồng. Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá bị cáo Nguyễn Nhật Cảm là chủ mưu trong vụ việc.
Qua các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra và kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa, công tố viên khẳng định Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, cụ thể trong vụ án này là xâm phạm công tác quản lý hoạt động đấu thầu dự án mua bán thiết bị y tế, phòng chống dịch của Nhà nước.
- Truy tố 10 bị can trong vụ CDC Hà Nội: Cáo trạng xác định nguyên Nguyễn Nhật Cảm giữ vai trò chủ mưu
- Đề nghị truy tố nguyên Giám đốc Trung tâm CDC Hà Nội trong vụ nâng giá thiết bị y tế
Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội đã nỗ lực và tập trung các nguồn lực để phòng chống dịch với với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, chấp nhận “hy sinh” lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân. Song, các bị cáo lại gian lận, thông đồng với các đối tượng bên ngoài nâng khống giá trị gói thầu thiết bị y tế phục vụ chống dịch gây thiệt hại cho Nhà nước hàng tỷ đồng. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của các lực lượng y bác sỹ và các cá nhân, đơn vị đang trực tiếp phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Sau khi đại diện Viện Kiểm sát trình bày bản luận tội và đề nghị mức án, các luật sư bào chữa, các bị cáo đã tham gia tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa.
TTXVN