Xét xử vụ án cố ý gây thương tích tại 109 phố Huế (Hà Nội)
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 1 tuần xét xử và nghị án, chiều 25/9, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tuyên án phạt 2 bị cáo trong vụ án cố ý gây thương tích tại địa chỉ 109 phố Huế (phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Đây là vụ án thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận bởi vụ án kéo dài tới hơn 9 năm với nhiều lần Tòa án trả hồ sơ để tiến hành điều tra bổ sung.
Tòa đã tuyên án phạt 2 bị cáo gồm: Lưu Minh Khôi (sinh năm 1980, trú tại 111 phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm) 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng; Lưu Tùng Lâm (sinh năm 1982, em trai bị cáo Khôi) 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng về cùng tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 104, khoản 1 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Nội dung vụ án như sau: Khoảng 6h30 ngày 22/8/2010, ông Phạm Tiến Dũng (sinh năm 1936, trú tại 109 phố Huế) tháo công tơ điện của gia đình nhà Lưu Minh Khôi được treo ở ngõ 109 phố Huế, dẫn đến việc Khôi chạy ra tranh cãi với ông Dũng. Sau đó, Khôi dùng tay phải đấm vào mặt làm ông Dũng bị chảy máu mũi. Thấy ông Dũng chạy ra cầm nửa viên gạch lát vỉa hè, Khôi bỏ chạy về hướng Hòa Mã.
Đuổi theo Khôi nhưng được mọi người can ngăn, ông Dũng vứt gạch đi thì Lâm từ trong nhà chạy ra, tay phải cầm máng đèn tuýp bằng kim loại, vụt trúng vào khuỷu tay phải ông Dũng. Bà Nguyễn Minh Châu (vợ ông Dũng) kéo ông Dũng vào nhà, khi vào đến cổng thì Khôi chạy đến cầm một vật dài khoảng 20cm giống bình xịt hơi cay xịt vào vợ chồng ông Dũng, vợ chồng ông Dũng liền chạy vào trong nhà. Sau khi sự việc xảy ra, ông Dũng ra Công an phường trình báo và được cấp giấy đi khám thương tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Sau khi khám thương ở Bệnh viện Thanh Nhàn, ông Dũng đã tự vào Bệnh viện Hữu Nghị khám, điều trị.
- Vụ chống người thi hành công vụ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố
- Cháy lớn cửa hàng thời trang Moschino trên đường Hai Bà Trưng
Trước đó, ngày 11/10/2012, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã mở phiên tòa xét xử vụ án này và quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ một số nội dung trong vụ án. Tòa cấp sơ thẩm xác định đây là vụ án phức tạp, hoàn trả cơ quan điều tra nhiều lần để điều tra bổ sung theo yêu cầu của bị cáo, người bị hại, cũng như cần làm sáng tỏ một số vấn đề về chứng cứ. Đó là những nguyên nhân khách quan khiến cho vụ án bị kéo dài tới 9 năm.
Trước khi diễn ra phiên tòa, kết luận giám định xác định thương tích của bị hại là 16%, vì vậy Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng đã truy tố 2 bị cáo theo quy định của Điều 104, khoản 2 – Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, căn cứ kết quả xét hỏi tại phiên tòa, Viện Kiểm sát cho rằng chưa đủ cơ sở kết luận người bị hại bị rạn xương quay tay 8%, nên thương tích của người bị hại chỉ còn 9% theo phương pháp cộng lùi (3% phần mềm + 6% thần kinh). Vì vậy, Viện Kiểm sát đã rút quyết định truy tố 2 bị cáo từ khoản 2 xuống khoản 1, Điều 104 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Hội đồng xét xử xét thấy, căn cứ vào các kết luận giám định của cơ quan chuyên môn thì chưa đủ cơ sở để kết luận người bị hại bị gãy rạn xương do các bị cáo gây ra, nên không buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm về việc gãy rạn xương quay tay của người bị hại. Do vậy, Tòa chấp nhận việc rút quyết định truy tố của Viện Kiểm sát từ khoản 2 xuống khoản 1, Điều 104 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Bản án sơ thẩm kết luận, hành vi phạm tội của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của người khác, gây mất trật tự trị an, an toàn xã hội, cần có mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo mới có tác dụng cải tạo các bị cáo và đấu tranh phòng ngừa chung. Căn cứ vào tính chất hành vi phạm tội và hậu quả của vụ án, Hội đồng xét xử đã áp dụng các tình tiết: Dùng hung khí nguy hiểm, phạm tội đối với người già để quyết định hình phạt đối với các bị cáo.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã cân nhắc nhân thân các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, có thái độ ăn năn, hối hận, tự nguyện bồi thường 50 triệu đồng cho bị hại; tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận thương tích của ông Dũng là do các bị cáo gây ra; các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp ít nghiệm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, gia đình được trao tặng nhiều Huân chương, Huy chương… Bản thân người bị hại cũng có một phần lỗi, giật công tơ điện của gia đình các bị cáo do Công ty Điện lực lắp đặt, dẫn đến việc các bị cáo bức xúc, thực hiện hành vi vi phạm. Do vậy, Hội đồng xét xử quyết định cho các bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự và quyết định áp dụng hình phạt tù treo đối với các bị cáo.
Về bồi thường dân sự, ông Phạm Tiến Dũng yêu cầu các bị cáo bồi thường thương tích số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ vào các biên lai thu tiền, chi phí khám chữa bệnh thực tế… Tòa quyết định 2 bị cáo phải bồi thường hơn 55 triệu đồng cho người bị hại.
Kim Anh - TTXVN