Xét xử sơ thẩm vụ 'Tinh hoa Bắc Bộ': Các bên đã nói gì?
(Thethaovanhoa.vn) - Như Thể thao & Văn hóa đã thông tin, chiều 14/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội và bị đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp truyền thông DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là giám đốc. Vụ kiện liên quan đến kịch bản Ngày xưa – vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam do đạo diễn Việt Tú xây dựng và Tuần Châu là chủ đầu tư.
Điểm đáng chú ý nhất của phiên sơ thẩm là khi toà công bố kết luận của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sau khi thẩm định hai vở diễn Ngày xưa và Tinh hoa Bắc Bộ theo Công văn đề nghị của TAND TP Hà Nội.
“Tinh hoa Bắc Bộ” chỉ là tác phẩm phải sinh?
Cụ thể, Công văn của Hội NSSK Việt Nam ký ngày 21/11/2018 phúc đáp Công văn của TAND TP Hà Nội đưa ra một số kết luận như:
Chương trình có nhiều điểm giống nhau cơ bản về ý tưởng là dàn dựng trình diễn thực cảnh nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc, chỉ khác nhau từng tên gọi, từng trò diễn, từng phân cảnh.
Về chất liệu: Hai bên đều sử dụng loại hình nghệ thuật múa rối nước kết hợp với những màn biểu diễn tập thể và cùng một địa điểm (chùa Thầy, Sài Sơn).
Về kết cấu câu chuyện: nội dung của các tiểu mục trong hai chương trình có nhiều điểm giống nhau, tuy nhân vật có tên gọi khác nhau (như Tễu và Mõ), hoặc thay bài hát dân ca này bằng bài dân ca khác (một bài là Người ở đừng về, một bài là Se chỉ luồn kim…)
Về một số phân cảnh: có nhiều phân cảnh giống nhau, ví dụ: Thánh tổ Từ Đạo Hạnh xuất hiện (một vở đổi tên phân cảnh thành Cõi Phật, Vinh quy bái tổ, Hội làng, một vở đổi tên thành Ngày hội…)
Chi tiết giống nhau nhất là: Hai bên đều sử dụng ngôi nhà thủy đình có gắn động cơ trên hồ cho thủy đình chuyển động, chỉ khác nhau về hướng chuyển động (một bên chuyển động từ dưới nước lên, một bên là hạ từ từ xuống), về nguyên tắc của rối nước truyền thống, nhà thủy đình tuyệt đối đứng yên, không chuyển động. Hai chương trình lại cùng diễn ra ở một cùng địa điểm chùa Thầy, Sài Sơn nên không gian nghệ thuật cũng bị lặp lại
Các diễn viên tham gia trong hai chương trình đều giống nhau ở số lượng tương đương, kể cả đạo cụ dùng biểu diễn trong chương trình cũng không khác nhau là mấy. Nếu vở Ngày xưa có trước thì việc sử dụng hình ảnh và trailer của vở diễn có sau là Tinh hoa Bắc Bộ để quảng cáo bán vé, trong thực tế chưa có trường hợp nào và cũng không có quy định nào cho phép làm như vậy!
Từ thực tế so sánh hai chương trình, Hội đồng thẩm định nhận thấy, hai chương trình nghệ thuật đều giống nhau về căn bản, từ ý tưởng, chất liệu, kết cấu, đến địa điểm, trang phục, đạo cụ…
Trả lời ý kiến thứ hai của TAND TP Hà Nội, Hội NSSK Việt Nam đưa ra ý kiến: “Trong trường hợp vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ có sau mà sử dụng toàn bộ phần diễn viên (người nông dân) trang phục, đạo cụ, thiết kế ánh sáng, âm thanh vốn được xây dựng thiết kế dành riêng cho vở diễn có trước Ngày xưa ở cùng thể loại trình diễn thực cảnh thì từ góc độ sân khấu vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ không được coi là một sáng tạo độc lập, mà chỉ có thể coi là vở diễn phái sinh, đề nghị phải đảm bảo nguyên tắc chuyên môn của sáng tác và đạo đức nghệ sỹ, cũng như những quy định của pháp luật về quyền tác giả có liên quan. Trong thực tế ngành nghệ thuật biểu diễn chưa xảy ra trường hợp nào như vậy mà được coi là sáng tạo độc lập”.
Nội dung Công văn của Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam trả lời TAND TP Hà Nội được tất cả thành viên Hội đồng thẩm định ký tên xác nhận gồm NSƯT - ĐD Lê Chức (Phó Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng) và 3 Ủy viên Hội đồng gồm: NSƯT - ĐD Trần Minh Ngọc, PGS Trần Trí Trắc và PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì ý kiến của những chuyên gia trong ngành nghề tương ứng chỉ là một trong những ý kiến dùng để tham khảo, kết luận cuối cùng vẫn thuộc về HĐXX. Và câu trả lời sẽ có trong bản án được HĐXX tuyên vào sáng 20/3.
- Đạo diễn Việt Tú tiếp tục 'tố' đơn vị đầu tư 'Tinh hoa Bắc Bộ' vi phạm bản quyền
- Đơn vị đầu tư Tinh hoa Bắc Bộ lên tiếng về các phát ngôn của đạo diễn Việt Tú
- Đạo diễn Việt Tú trả lời về tranh cãi quanh vở diễn 'Tinh hoa Bắc Bộ': Hãy nói sự thật
Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài) không phải tên vở diễn?
Theo TCBC gửi đến gửi tới các cơ quan báo chí có mặt tại phiên sơ thẩm, từ năm 2007, nhằm thực hiện ý tưởng đưa chương trình biểu diễn thực cảnh thế giới về Việt Nam của lãnh đạo Tập đoàn Tuần Châu, Công ty TCHN đã triển khai dự án đầu tư “Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu”, trong đó có hạng mục “biểu diễn rối nước, biểu diễn thực cảnh”.
Sau khi làm việc với một số đạo diễn, Công ty TCHN thấy rằng Đạo diễn Việt Tú với sức trẻ, hy vọng sẽ có thể thực hiện được ý tưởng và sự đầu tư rất lớn cho nghệ thuật của chủ đầu tư. Tổng kinh phí ước tính cho chương trình lên tới hàng trăm tỷ đồng gồm: kinh phí bồi thường GPMB, thuê đất, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, hệ thống sân khấu, khán đài, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, quảng cáo, chi phí lương cho hơn 300 diễn viên, v.v…
Thông cáo BC của Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội còn nêu rõ: Ngày 16/11/2015, “Công ty TCHN” và “Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS”(Công ty DS), do ông Nguyễn Việt Tú làm Tổng giám đốc, đã ký hợp đồng nguyên tắc số 0111/2015/HĐNT/DS với nội dung “Công ty DS” nhận tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình dự án trình diễn thực cảnh Ngày xưa (được tạm hiểu là Thuở ấy xứ Đoài - thực ra đó là tên của sân khấu thực cảnh, không phải tên vở diễn) cho “Công ty TCHN”.
Công ty TCHN xin khẳng định ý tưởng đưa chương trình thực cảnh trên thế giới về Việt Nam đầu tiên và ý tưởng vở diễn thực cảnh tại dự án “Khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu” tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội là của Tuần Châu và Công ty DS chỉ là đơn vị được thuê để thực hiện ý tưởng này. Về bản chất, đây là hoạt động sáng tác tác phẩm sân khấu dựa trên ý tưởng và theo yêu cầu của Chủ đầu tư - “Công ty TCHN”. Do đó, theo quy định tại khoản 2 điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ “Công ty TCHN” mới là Chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm sân khấu này.
Ông Nguyễn Việt Tú đã tự ý đăng ký bản quyền chủ sở hữu chương trình“Ngày xưa” (đang được hiểu là “Thuở ấy xứ Đoài”) cho cá nhân ông Tú trên nền tảng đầu tư của “Công ty TCHN”. Đồng thời, “Công ty DS” cùng cá nhân ông Việt Tú đã đơn phương tiến hành công bố tác phẩm mà không xin ý kiến của “Công ty TCHN”. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền tài sản của “Công ty TCHN”.
Với các lý do nêu trên, Công ty TCHN đã đề nghị Tòa án:
- Buộc Công ty DS phải chuyển trả công ty TCHN chủ sở hữu quyền tác giả với “Kịch bản vở diễn thực cảnh Ngày xưa đồng thời chấm dứt việc quảng cáo, giới thiệu và thực hiện các quyền sở hữu trí tuệ khác với vở kịch này.
- Buộc Công ty DS phải bồi thường cho Công ty TCHN hơn 6,2 tỷ đồng cho việc Công ty TCHN phải bỏ tiền xây dựng vở Tinh hoa Bắc Bộ để thay thế vở Ngày xưa (hơn 5,9 tỷ đồng) và tiền thuê luật sư hỗ trợ giải quyết vụ án.
“Ngày xưa” có trước “Tinh hoa Bắc Bộ”?
Trình bày tại phiên tòa với tư cách bị đơn, đạo diễn Việt Tú cùng luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình đã bác bỏ toàn bộ cáo buộc của Công ty TCHN, đồng thời giữ nguyên yêu cầu phản tố đối với đơn vị này.
Theo trình bày của đạo diễn Việt Tú, anh đã có ý tưởng về việc tổ chức biểu diễn vở thực cảnh tại Việt Nam từ năm 2009 có tên gọi Mặt nước hồn người, có người làm chứng là nghệ sĩ Đinh Công Đạt và nghệ sĩ Chu Lượng. Khi Công ty TCHN có nhu cầu thì đạo diễn Việt Tú có cơ hội thực hiện ý tưởng này nên anh khẳng định tại tòa đã có ý tưởng dựng vở thực cảnh Ngày xưa từ trước khi Công ty TCHN tìm đến anh và hai bên bắt tay hợp tác.
Cùng với đó, luật sư đại diện cho Công ty DS đã cáo buộc Công ty TCHN xâm phạm quyền tác giả thông qua việc sao chép và thực hiện tác phẩm phái sinh khi chưa được sự cho phép của Công ty DS; đơn phương chấm dứt hợp đồng và ký kết hợp đồng với một đơn vị khác để tạo nên tác phẩm phái sinh này. Đại diện Công ty DS đưa ra yêu cầu trước tòa buộc Công ty TCHN phải thừa nhận vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh từ vở Ngày xưa. Đồng thời, phía đạo diễn Việt Tú yêu cầu Công ty TCHN bồi thường số tiền hơn 6,3 tỷ đồng bao gồm: tiền còn nợ để chi trả các khoản phát sinh từ tháng 1 đến tháng 5-2017; 10% doanh thu từ vở diễn thực cảnh phái sinh; chi phí pháp lý phát sinh…
Còn việc phía chủ động đi đăng ký quyền sở hữu tại Cục Bản quyền, theo đạo diễn Việt Tú trình bày là vì lý do để tránh những rắc rối cho cả hai bên. Cụ thể, trong hợp đồng mà hai bên ký kết có điều khoản bất lợi cho Công ty DS khi quy định: Công ty DS sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính pháp lý của kịch bản vở diễn.
Vì thế nếu như trong trường hợp có một bên thứ 3 đứng ra đăng ký trước quyền tác giả với một kịch bản tương tự thì đồng nghĩa với việc Việt Tú có thể bị nghi là “đạo, nhái” và việc đưa vở diễn vào hoạt động sẽ gặp khó khăn, gây thiệt hại cho cá nhân anh nói riêng và Công ty DS nói chung.
- Vở diễn thực cảnh 'Tinh hoa Bắc bộ' nhận 2 kỷ lục Guinness Việt Nam
- Lùm xùm bản quyền nghệ thuật (Kỳ 2): Rắc rối như 'Thủa ấy. Xứ Đoài' và 'Tinh hoa Bắc Bộ'
Thể thao & Văn hóa sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc kể trên trong những tin, bài tiếp theo! Mời quý độc giả chú ý đón đọc.
Tóm tắt vụ việc Tháng 6/2017, đạo diễn Việt Tú đã công bố vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên Thuở ấy xứ Đoài tại chùa Thầy, Sài Sơn. Đây là vở diễn được Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội (Công ty TCHN) đầu tư. Dẫu vậy, chỉ sau chưa đầy 10 buổi công diễn, vở diễn này bất ngờ bị huỷ bỏ. Tháng 10/2017, Công ty TCHN công bố vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ và gọi rằng đây là "sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam" trên cùng một không gian sâu khấu và địa điểm Sài Sơn. Tháng 3/2018, đại diện Công ty TCHN cho biết Tòa Án nhân dân Hà Nội đã thụ lý đơn kiện đạo diễn Việt Tú, đòi bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng. Luật sư của Công ty TCHN cáo buộc đạo diễn Việt Tú đã cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu của phía tập đoàn khi tự ý đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn. Đạo diễn Việt Tú đã phủ nhận những cáo buộc này. Tháng 4/2018, đạo diễn vở Tinh hoa Bắc Bộ Hoàng Nhật Nam quyết định gửi đơn kiện đạo diễn Việt Tú khi đồng nghiệp phát ngôn trên báo chí cho rằng vở diễn do anh dàn dựng là một tác phẩm “phái sinh”, “đạo nhái”. Tháng 5/2018, TAND TP Hà Nội thụ lý đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS (Công ty DS) do đạo diễn Việt Tú làm đại diện, trong đó yêu cầu Công ty TCHN chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn Ngày xưa. Tháng 8/2018, TAND TP HN tiếp tục thụ lý đơn phản tố của Công ty DS, trong đó bác bỏ toàn bộ các yêu cầu của Công ty TCHN và đưa ra yêu cầu đối với TCHN về việc thừa nhận việc xây dựng tác phẩm trên nền tảng vở diễn Ngày xưa và bồi thường thiệt hại. |
Phạm Huy