Xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang: Bài học về năng lực cán bộ
Sau ba ngày xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 8 bị cáo trong vụ án thiếu trách nhiệm gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A (H5N1) xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty Cổ phần Dược phẩm (CPDP) Cửu Long.
Các bị cáo đã lĩnh mức án tương xứng hành vi của mình về các tội: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Mức án này là hình phạt nghiêm minh với các bị cáo, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh đối với nhiều cán bộ, viên chức, đảng viên trong những trường hợp tương tự. Đây cũng là bài học sâu sắc trong công tác sử dụng cán bộ phù hợp với năng lực, nhận thức, trình độ chuyên môn.
Dũng cảm từ chối nếu không đủ năng lực
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, ngày 11/11/2008, Thứ trưởng Bộ Y tế khi đó là Cao Minh Quang đã ký Quyết định số 92/QĐ-BYT thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài chính - Bộ Y tế kiểm tra tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir và phân công Nguyễn Việt Hùng (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) làm Trưởng đoàn để kiểm tra tại các đơn vị liên quan. Điều 2 Quyết định nêu rõ: "Đoàn kiểm tra liên ngành có nhiệm vụ kiểm tra tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir phosphat và sản xuất thuốc Oseltamivir dự trữ, đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả số thuốc và nguyên liệu dự trữ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2008".
Trong vụ án này, Nguyễn Việt Hùng bị cáo buộc với tư cách Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài chính - Bộ Y tế, kiểm tra việc mua, sản xuất và việc thanh lý hợp đồng giữa Bộ Y tế và Dược Cửu Long nhưng không chỉ đạo kiểm tra trực tiếp sổ sách, kế toán, báo cáo tài chính và hạch toán số tiền hơn 3,8 triệu USD; không tổng hợp lấy ý kiến liên ngành để làm rõ số tiền 3,8 triệu USD mà chỉ dựa vào báo cáo của Công ty CPDP Cửu Long.
Bào chữa cho bị cáo Hùng, luật sư Vũ Tuấn Nghĩa cho rằng, bị cáo Hùng là cán bộ ngành Dược nhưng lại được bị cáo Quang phân công làm Trưởng Đoàn kiểm tra các vấn đề tài chính là không đúng chuyên môn nên đương nhiên "không thể phát hiện sai phạm về tài chính của doanh nghiệp". Do vậy luật sư Nghĩa đề nghị đại diện Viện Kiểm sát rút truy tố đối với bị cáo Hùng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Đối đáp lại luận điểm này, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa phân tích, bị cáo Hùng không tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành với tư cách kiểm tra viên mà tham gia với tư cách là Trưởng đoàn - tức là có trách nhiệm quán xuyến, bao quát, nắm được nguyên tắc, quy trình và kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, cuộc kiểm tra "hoàn toàn không rà soát các hợp đồng, tuyệt nhiên không rà soát các điều khoản về giảm giá và do đó đã báo cáo sai". Khi các thành viên của Đoàn kiểm tra, thuộc Bộ Tài chính, gửi văn văn bản đề nghị Bộ Y tế kiểm tra lại khoản tiền hơn 3,8 triệu USD Cửu Long được nợ, bị cáo Quang tiếp nhận văn bản này và giao trách nhiệm xử lý cho bị cáo Hùng nhưng bị cáo Hùng vẫn không thực hiện.
Đại diện Viện Kiểm sát đặt câu hỏi đối với bị cáo Hùng: "Bị cáo đã đọc văn bản kiến nghị của Bộ Tài chính về số tiền hơn 3,8 triệu USD đó chưa? Tại sao là cấp tham mưu lại không đề xuất cấp trên biện pháp xử lý? Nếu bị cáo đề xuất mà cấp trên nói không cần, thì đó mới gọi là tròn trách nhiệm". Từ đó, công tố viên khẳng định việc luật sư đề nghị rút quyết định truy tố với bị cáo Hùng là không có căn cứ.
Tương tự bị cáo Hùng, bị cáo Phạm Thị Minh Nga (cựu Kế toán trưởng Ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế) khai thời điểm tham gia vào Đoàn kiểm tra liên ngành, bị cáo chưa có nhiều kinh nghiệm nên khi tiến hành kiểm tra bị cáo không biết kiểm tra như thế nào, nội dung gì.
Trước biện minh này của luật sư bào chữa và các bị cáo, kiểm sát viên Nguyễn Thanh Lâm (Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) nêu rõ quan điểm: "Các bị cáo được giao trách nhiệm kiểm tra mà thấy bản thân không đủ năng lực thì phải dũng cảm xin từ chối nhiệm vụ, đó mới là có trách nhiệm. Đã nhận nhiệm vụ thì phải hoàn thành, không làm được thì đứng sang một bên, để người có đủ năng lực làm".
Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long là bị đơn dân sự
Theo bản án sơ thẩm, 5 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc Bộ Y tế đã không xem xét, kiểm tra việc thực hiện điều khoản đàm phán, giảm giá mua nguyên liệu được quy định trong hợp đồng (không kiểm tra chứng từ thanh toán mua nguyên liệu; không yêu cầu báo cáo việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá); không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không làm rõ số tiền hơn 3,8 triệu USD mà Công ty CPDP Cửu Long chưa thanh toán cho nhà cung cấp nguyên liệu nên đã không phát hiện được Công ty CPDP Cửu Long đã giữ số tiền trên lại gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Tám bị cáo trong vụ án đã tự nguyện nộp hơn 3 tỷ đồng để bồi thường, khắc phục hậu quả trong vụ án.
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử xác định, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, người của pháp nhân gây thiệt hại thì pháp nhân đó phải bồi thường. Số tiền hơn 3,8 triệu USD (tương đương hơn 61 tỷ đồng) được hạch toán vào các hoạt động kinh doanh của Công ty CPDP Cửu Long. Vì thế, Hội đồng xét xử xác định Công ty CPDP Cửu Long là bị đơn dân sự và buộc công ty phải bồi thường số tiền này cho Bộ Y tế. Sau khi trừ đi 3 tỷ đồng do các bị cáo tự nguyện khắc phục, Công ty CPDP Cửu Long còn phải bồi thường hơn 58 tỷ đồng.
Tòa nêu rõ, công ty có quyền yêu cầu các bị cáo Hóa, Hải, Nghĩa và người thừa kế của ông Nguyễn Thanh Tòng (63 tuổi, cựu Phó Tổng giám đốc Dược Cửu Long, là bị cáo trong vụ án này song đã chết trước ngày mở phiên tòa) bồi hoàn, nếu các bên có tranh chấp, sẽ xem xét giải quyết bằng một vụ kiện dân sự khác.
Chuyển hóa nhận thức cho bị cáo
Tại Cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, chỉ có bị cáo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất, nhập khẩu thuộc Công ty CPDP Cửu Long) không thừa nhận việc Công ty Mambo cho giảm giá mua nguyên liệu, không nhận là người tham mưu để lãnh đạo Công ty CPDP Cửu Long ký Hợp đồng, phụ lục hợp đồng với Công ty ZPT nhằm hợp thức hồ sơ che giấu Bộ Y tế về việc được giảm giá mua nguyên liệu.
Theo nhận định của Hội đồng xét xử, với chức trách, vị trí Giám đốc Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Giám đốc điều hành Phòng xuất nhập khẩu Công ty CPDP Cửu Long, bị cáo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa có nhiệm vụ tham mưu cho Tổng Giám đốc trong việc ký kết và thực hiện các hợp đồng mua bán nguyên liệu; lập các hợp đồng kinh tế về nhập khẩu nguyên liệu, theo dõi thực hiện hợp đồng, kiểm tra thanh lý các hợp đồng đã hoàn tất; thực hiện đầy đủ những quy định của Nhà nước, của Công ty trong việc quản lý tiền hàng… Mặc dù biết việc Công ty Mambo đồng ý giảm giá mua nguyên liệu nhưng theo chỉ đạo của Lương Văn Hóa, Ngô Hữu Hiếu Nghĩa đã lập thư giãn nợ ngày 25/8/2006, lập hợp đồng, phụ lục hợp đồng với Công ty ZPT để hợp thức hồ sơ thanh toán che giấu Bộ Y tế việc được giảm giá mua nguyên liệu số tiền hơn 3,8 triệu USD để sử dụng tại Công ty, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Quá trình tranh tụng tại phiên tòa, bị cáo Nghĩa đã nhận thức đầy đủ hơn về hành vi của bị cáo, thừa nhận một phần trách nhiệm trong vụ án này, thừa nhận việc soạn thư giãn nợ của bị cáo là sai. Đồng thời, bị cáo Nghĩa xác nhận bị cáo không bị truy tố oan, bị cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị được nộp tiền để khắc phục một phần hậu quả vụ án.
Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều đề nghị đại diện Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử xem xét mức độ, bối cảnh xảy ra sai phạm, các tình tiết giảm nhẹ để giảm hình phạt cho các bị cáo.
Xét các bị cáo thành khẩn khai nhận tội, có sự chuyển biến trong nhận thức sai phạm… đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử đã cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, đề nghị mức án và tuyên phạt các bị cáo ở mức án dưới khung hình phạt, vừa đảm bảo sự nghiêm minh, vừa thể hiện tính nhân văn của pháp luật.
Nhận thức rõ điều này, các bị cáo: Lương Văn Hóa (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long), Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế), Phạm Thị Minh Nga… và nhiều bị cáo khác bày tỏ sự cảm ơn đến các điều tra viên đã điều tra khách quan, ghi chép đầy đủ, chuẩn xác lời khai của các bị cáo trong giai đoạn điều tra vụ án; cảm ơn các kiểm sát viên đã ghi nhận và cân nhắc giảm mức án đề nghị cho các bị cáo; cảm ơn Hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa một cách khách quan, công tâm.
Tranh tụng tại phiên xử, phần lớn các luật sư bào chữa đều đồng ý với cáo trạng và tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố, ghi nhận phiên tòa đã được Hội đồng xét xử điều hành theo tinh thần cải cách tư pháp, tôn trọng ý kiến và đảm bảo thời gian tranh luận cho các luật sư…
Công tác xét xử luôn hướng tới một bản án công tâm, khách quan, giúp các bị cáo thay đổi nhận thức, các luật sư bào chữa và những người tham gia tố tụng ghi nhận, đánh giá cao. Sự cố gắng, nỗ lực này của các cơ quan tố tụng là những bước tiến cơ bản nhằm đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật, từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.