Xem phim Beethoven và tranh Huỳnh Văn Thuận
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim mà nhân vật chính là Beethoven - nhạc sĩ thiên tài bị điếc, đang chỉ huy một dàn nhạc giao hưởng và triển lãm mà có tác phẩm phải mất tới 62 năm để hoàn thành. Đó là những cái đáng xem trong tuần lễ này…
1. Triển lãm Huỳnh Văn Thuận - 100 năm mùa sen nở dự tính khai mạc hồi 18/4, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Nhưng do đại dịch Covid-19, triển lãm sẽ khai mạc lúc 10h ngày 30/5 tại Chọn (63 Hàm Long, Hà Nội), giới thiệu các bức phác thảo chì, ký họa chì của ông. Triển lãm do Văn Lang Centre, Bình Minh Art Gallery phối hợp cùng Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn tổ chức.
Nhiều người biết đến Huỳnh Văn Thuận ở khía cạnh thiết kế huy hiệu Đoàn Thanh niên cứu quốc (sau này là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh). Ở khía cạnh thiết kế, ông còn có nhiều đóng góp trong việc vẽ tiền và tem thư. Ông cùng Bùi Trang Chước và Lê Phả là tác giả các tờ tiền 10 đồng đỏ (phát hành năm 1958), 10 đồng tím (1979), mẫu tiền 5 hào, và các mẫu tem năm 1965, 1967, 1970.
Song song đó, ông còn là họa sĩ tranh cổ động chuyên nghiệp và xuyên suốt từ 1945 cho đến ngày qua đời. Ngoài ra, ông còn làm đồ họa và vẽ biếm họa liên tục. Ông từng tham gia vẽ bộ tranh truyện về nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên, nổi tiếng một thời.
Huỳnh Văn Thuận (18/4/1920-18/10/2017) thi vào Trường vẽ Gia Định năm 1936, khi đang là sinh viên năm 3, ông lại ra Hà Nội thi vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - khóa 13 (1939-1944), học chung với Trần Đình Thọ, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Thị Kim... Từ đầu thập niên 1940 ông đã có những bức sơn dầu thực thụ, được đánh giá cao về tính nghệ thuật. Ông cũng là đồng tác giả bức sơn mài khổ lớn Xô Viết Nghệ Tĩnh, đứng tên chung với Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sĩ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung…
Nhưng có lẽ điểm đặc sắc nhất của Huỳnh Văn Thuận là nghệ thuật tranh sơn khắc, với nhiều dấu ấn về tìm tòi, sáng tạo. Khai thác nhịp sống đời thường với bố cục chặt chẽ, chi tiết sắc sảo, có sức hút là ưu điểm của ông. Nhiều bức sơn khắc ông làm trong 5 năm, 10 năm, thậm chỉ cả nửa thế kỷ, cho thấy sự dụng công rất đáng kể.
Ví dụ bức sơn khắc Kéo bừa thay trâu đã mất 62 năm để hoàn thành, từng triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP.HCM hồi 22/12/2016. Đây có lẽ là triển lãm cuối cùng có sự tham gia trực tiếp của Huỳnh Văn Thuận.
Ông sinh ra và mất đi tại xã Bình Hòa, huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định, nay là quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ông từng nắm giữ nhiều chức vụ trong ngành mỹ thuật, là Cục trưởng đầu tiên của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Ông được trao rất nhiều giải thưởng, tặng thưởng, tiêu biểu có Huân chương Độc lập hạng 3, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001.
Cũng xin nói thêm, TP.HCM có nhiều họa sĩ họ Huỳnh thành danh, ngoài Huỳnh Văn Thuận, còn có Huỳnh Văn Gấm (1922-1987), Huỳnh Phương Đông (1925-2015), Huỳnh Văn Mười (sinh 1950)…
2. Năm nay, thế giới kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Ludwig van Beethoven, rất nhiều tác phẩm của ông sẽ được biểu diễn, trong đó 9 bản giao hưởng được xem là thành tựu to lớn mà Beethoven góp vào di sản âm nhạc giao hưởng của nhân loại.
Vào lúc 19h30 ngày 27/5, Cà phê thứ Bảy (38 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM) sẽ chiếu phim Copying Beethoven. Phim do Agnieska Holland đạo diễn, đã ra mắt khán giả màn ảnh rộng từ tháng 11/2006. Đây là bộ phim tiểu sử, với những chi tiết đắt giá từ cuộc đời thật của Beethoven. Phim lấy bối cảnh năm 1824 tại thành phố Vienna (Áo), chủ yếu nói về khát khao của Beethoven khi ông có ý định viết Giao hưởng số 9, sau một thời gian khá dài sống trong tuyệt vọng vì điếc cả 2 tai.
Phim sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về giai đoạn khó khăn nhất của Beethoven trong sự nghiệp của ông và về bản giao hưởng cuối cùng của nhạc sĩ (Giao hưởng số 9).
Beethoven là nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức, ông có những đóng góp to lớn ở lĩnh vực nhạc giao hưởng và là người “bắc cầu” từ chủ nghĩa cổ điển sang chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc châu Âu. 9 bản giao hưởng của ông được xem là những đỉnh cao của giao hưởng cổ điển, trong đó bản Giao hưởng số 9 là kiệt tác nổi tiếng thế giới. Ngoài những cải cách táo bạo, tác phẩm này đánh dấu lần đầu tiên hợp xướng được đưa vào giao hưởng. Nội dung chủ yếu của Giao hưởng số 9 mang tính nhân văn cao cả và khát vọng của con người: Từ bóng tối ra ánh sánh, từ u tối đến ánh sáng chân lý, qua đấu tranh để cuối cùng giành thắng lợi, đem đến niềm vui và hạnh phúc cho con người.
Phim Copying Beethoven nói về một giai đoạn cuộc đời và một phần nhỏ tác phẩm của Beethoven nhưng nó đã lột tả được nét đẹp trong âm nhạc của ông và nét đẹp đáng yêu của một bi kịch - một nhạc sĩ lừng danh thế giới nhưng có giai đoạn không thể nghe được tác phẩm của mình vì bệnh điếc. Và càng kính phục hơn dù không nghe được nhưng Beethoven đã đứng ra chỉ huy dàn nhạc giao hưởng trình diễn tác phẩm của mình…
Như Hà - Bình Minh