Xem người xưa luyện quân bằng cách vật cầu bùn
Lễ hội diễn ra tại sân đền Chùa Vân với sự tham gia của các tráng đinh thuộc các Giáp Thượng và Giáp Hạ.
Điều thú vị của vật cầu làng Vân ở chỗ, cũng là vật quả cầu son nhưng sân đấu được làm ướt, đặc bùn. Các tráng đinh được gọi là các “con cầu” sẽ tranh cướp cầu và nỗ lực đưa cầu vào hố của đối thủ.
Theo luật lệ, trong ngày đầu tiên, ngoài các thủ tục mang tính lễ nghi, các con cầu thi đấu biểu diễn là chính với 2 quả cầu, tức là thi đấu cho đến khi nào cầu vào lỗ 2 lần thì thôi. Đến ngày thứ 2, các con cầu sẽ tiếp tục thi đấu với 3 con cầu. Ngày cuối cùng, cầu phải vào lỗ 4 lần thì mới kết thúc hội.
Tất nhiên việc đưa cầu vào lỗ tới 4 lần thì rất khó bởi với quả cầu tròn, nặng, dính toàn bùn trơn, thi đấu trong tình trạng ngã liên tục vì lầy lội, sự cản trở của các đối thủ… thì ghi 1 bàn thôi cũng đã rất khó.
Tính đối kháng nhưng lại rất hài hước, vui vẻ của vật cầu bùn là lý do khiến đông đảo người dân và khách du lịch về đây xem hội mỗi năm.
Lịch sử môn vật cầu được cho rằng xuất phát từ việc luyện quân của các tướng lĩnh nước Việt thời xưa. Do thường xuyên phải chống lại các cuộc xâm chiếm của quân xâm lược phía Bắc, các tướng quân thường xuyên phải cho lính tập luyện võ nghệ, giỏi giáp chiến, đặc biệt phải tinh thông môn vật truyền thống. Đặc biệt, trong tập luyện còn cần phải có tính giải trí tạo hào hứng cho quân sĩ. Vì vậy mỗi nơi có một cách tập luyện riêng, nhất là khi môn này được đưa về các vùng quê có truyền thống võ nghệ, có người làm tướng.
Vì vậy, có thể thấy có vật cầu trên sân đất, trên sân bùn lầy và có nơi lại biến tấu thành dạng cướp phết, giằng cầu…
Chùm ảnh ghi nhận của phóng viên báo Thể thao & Văn hoá tại lễ hội vật cầu bùn làng Vân, một trong những lễ hội được cho là thú vị, gay cấn nhưng rất đẹp và hoà bình.