Xem 'Người vợ cuối cùng': Những nhân vật nữ đặc biệt của Victor Vũ
Trong 20 năm làm nghề với 17 phim điện ảnh, đạo diễn Victor Vũ thường quan tâm đến thân phận người phụ nữ. Để rồi, đến Người vợ cuối cùng, bộ phim cán mốc doanh thu hơn 70 tỷ đồng sau 10 ngày công chiếu, thân phận những người phụ nữ lại được thể hiện đa chiều hơn, với những mảng màu đối lập và chạm sâu đến bản năng.
Nhiều người vẫn nhớ nhận xét của vợ anh, nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp, về những bộ phim của chồng: "Các phim trước đây, hình tượng người phụ nữ rất đa dạng: Có quyết liệt, thâm sâu, bí ẩn, dịu dàng. Một điểm chung nổi bật đó là họ đều đẹp, không ai quá cam chịu hoặc ngây thơ, đều có nội tâm phong phú".
Mối duyên với phụ nữ
Nhận định trên hoàn toàn có cơ sởnếu nhìn lại gia tài của đạo diễn sinh năm 1975. Ở tác phẩm gần nhấtThiên thần hộ mệnh, khán giả thấy được cuộc chiến của những cô gái trẻ vì hào quang, danh vọng mà bất chấp tất cả. Trước đó, trong Mắt biếc, hình ảnh của Hà Lan hoặc Trà Long đều là những nhân vật nữ mang màu sắc, cá tính rất riêng. Hoặc xa hơn, trong Scandal: Bí mật thảm đỏ, cuộc chiến giành giật vị thế, địa vị trong giải trí được khắc họa với đủ các chiêu trò: Chơi bùa ngải để hại nhau, tung clip "nóng" lên mạng, người đẹp bán dâm giá nghìn đô, tố nhau trên mặt báo.
Ở bộ phim cổ trang rất thành công Thiên mệnh anh hùng, khán giả cũng không thể quên vai diễn phản diện sắc lẹm của Vân Trang. Ngay cả những phim mang màu sắc hài hước như Cô dâu đại chiến, hình tượng người phụ nữ cũng đều có cá tính nổi trội. Có thể thấy, trong từng bộ phim và từng hình tượng, Victor Vũ đều đặt để cho mỗi nhân vật cá tính riêng và từ đó tạo dấu ấn với khán giả.
Ở Người vợ cuối cùng, những gam màu đối lập trong tuyến các nhân vật nữ chính, nổi bật là 3 bà vợ của quan tri huyện càng được Victor Vũ tô đậm, đẩy lên mạnh mẽ, cao trào.
Đó là hình tượng bà cả do NSƯT Kim Oanh thể hiện, xuất thân trâm anh thế phiệt, luôn nắm thế thượng phong và vai trò làm chủ. Từng cử chỉ, hành động, lời nói của bà cả đều như hét ra lửa, thậm chí khiến quan ngài cũng có phen khiếp vía. Bà cả cũng là chủ nhân của những câu nói đúng chất "mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Bà sẵn sàng ra tay bạo hành một cách nhẫn tâm và tàn độc với mợ Ba. Đây có thể xem là nhân vật ác điển hình trong các gia đình 5 thê 7 thiếp dưới thời phong kiến xưa, tất cả nguồn cơn đến từ sự tranh sủng và việc sinh con nối dõi tông đường.
Mợ Hai của Đinh Ngọc Diệp cũng là hình tượng đầy bất ngờ. Nếu hình tượng của NSƯT Kim Oanh được ví như lửa, nhân vật này có thể xem vừa lạnh, vừa mềm mại như nước. Đinh Ngọc Diệp nói, cô không cần phải diễn nhiều, vì con người mình ngoài đời cũng tưng tửng, thích chọc người khác theo kiểu bỡn cợt. Trong phim, bất cứ phân cảnh nào có sự xuất hiện của mợ Hai đều mang đến tiếng cười, phần nào giúp làm nhẹ không khí của phim.
Và, mợ Ba Linh của Kaity Nguyễn có lẽ là một sự dụng tâm đặc biệt của VictorVũ. Đó là cô gái xuất thân bần hàn buộc phải bước chân vào cửa quan làm thiếp, chấp nhận cuộc sống tù túng, không lối thoát. Đó là người phụ nữ công dung ngôn hạnh có thừa, nhưng luôn trở thành tâm điểm để cả quan huyện lẫn mợ cả trút giận. Cái hay của nhân vật này chính là sự biến chuyển đa chiều về mặt tâm lý, từ một cô gái nghèo hồn nhiên, ngây thơ với mối tình trong sáng bước sang hình ảnh một người phụ nữ sống không bằng chết trong phủ quan - trước khi được tiếp lại sức mạnh từ tình yêu để thách thức mọi định kiến hà khắc của chế độ phong kiến. Đây là nhân vật khiến khán giả xót thương, yêu và đồng cảm.
Một Victor Vũ quen mà lạ
Cũng ở Người vợ cuối cùng, Victor Vũ tiếp tục thể hiện rất rõ phong cách làm phim của mình nhưng đồng thời đã bước xa hơn ranh giới vốn có của bản thân, đặc biệt trong việc khắc họa hình tượng người phụ nữ. Cái đẹp vẫn bao trùm trong phim, từ bối cảnh với từng khung hình được trau chuốt đậm chất duy mỹ, âm nhạc giống như chất xúc tác về cảm xúc tuyệt vời cho đến khâu thiết kế phục trang được đặc biệt chú ý.
Phục trang, nhất là cho bộ 3 nhân vật nữ chính, có thể xem cũng là một nhân vật.
Cụ thể, khi nhìn vào phục sức của người vợ cả, nổi trội là tông màu nóng, thường là đỏ hoặc nâu đậm trên nền vải đơn giản, kiệm hoa văn. Điều này thể hiện cá tính nghiêm khắc và có phần nóng nảy của nhân vật khi đây là "nữ chủ" của gia đình, suốt ngày phải bận tâm lo liệu việc trong việc ngoài hơn là dành thời gian điệu đà váy áo.
Mợ Hai lại được chọn những bộ trang phục mang nhiều tông màu nóng lạnh xen lẫn như xanh, hồng… nhưng không quá đậm, tạo cảm giác dễ chịu. Trên thân vải có nhiều hoa văn cầu kỳ, trang sức đi kèm như nhẫn, trâm, vòng tay đa dạng và lộng lẫy. Điều này thể hiện cá tính thẳng thắn, vô tư, có thể nói đây là nhân vật đại diện cho tính trào phúng để cân bằng lại không khí ngột ngạt của câu chuyện.
Nhân vật mợ Ba chủ yếu chỉ diện trang phục màu nhã nhặn, từ áo ngũ thân đến chiếc trâm cài, đôi bông tai. Khi đặt cô đứng gần 2 người vợ trước, sự chênh lệch về màu sắc này sẽ tạo cảm giác đây là một người vợ lẽ nhạt nhòa, xuất thân thấp kém, luôn mang tâm trạng trầm buồn và u uất.
Sự dụng tâm ấy, rõ ràng đã phát huy tác dụng để nhân vật thăng hoa hơn về mặt diễn xuất.
Cũng phải nhắc tới một khía cạnh khác: Ngôn ngữ, lời thoại cho từng nhân vật. Rõ ràng, với các tuyến nữ chính, tính cách được định hình qua lời thoại và cách họ thoại. Nhưng, sự phá cách đặc biệt được đưa vào những ngôn ngữ khá hiện đại trong tuyến nhân vật của mợ Ba với người tình "thanh mai trúc mã" Nhân (Thuận Nguyễn thủ vai). Đây cũng là điều tạo ra những tranh cãi nhất định, đặc biệt khi bộ phim lấy bối cảnh thế kỷ 19, dù không gian diễn ra sự việc là giả tưởng.
Nhưng, có lẽ sự phá cách lớn nhất chính là trong những cảnh nóng. Từ trước đến nay, Victor Vũ thường khá kiệm cảnh nóng cho các nhân vật nữ. "Có thể nói đây là lần đầu tôi thấy những cảnh này thật sự cần thiết trong phim của tôi"- đạo diễn chia sẻ. Đồng thời, anh nhấn mạnh về việc muốn giữ đầy đủ nội dung của phân cảnh này, không cắt, không giảm nhẹ, để khán giả có thể trải nghiệm những cung bậc cảm xúc một cách trọn vẹn nhất.
Trong phim, những phân cảnh ấy rất nóng, tả thực, dễ liên tưởng, nhưng không dung tục. Những cảnh ái ân giữa mợ Ba với Nhân hay với quan huyện được khắc họa hoàn toàn đối lập, để cho thấy một người phụ nữ khi được yêu sẽ được nâng niu, chiều chuộng; khác hẳn với khi họ "bị yêu" chỉ với mục đích duy trì nòi giống.
Hiển nhiên, sẽ còn rất nhiều ý kiến gây tranh cãi ở Người vợ cuối cùng về việc thời lượng phim đôi khi còn khá lê thê, đôi khi nặng về giải thích; sự kết hợp ngôn ngữ vùng miền tạo cảm giác chênh vênh về cảm xúc cho khán giả, bối cảnh làng quê sơ sài, việc chưa đẩy lên đến tận cùng động cơ của các nhân vật… Tuy nhiên, nếu xét riêng ở khía cạnh khắc họa thân phận người phụ nữ, Victor Vũ đã hoàn thành tốt vai trò của mình.
"Tất cả cảnh ân ái trong phim là để xây dựng tình cảm sâu đậm của nhân vật Linh và Nhân, khi họ sống trong một xã hội mà vấn đề tình yêu không được xem trọng hàng đầu, con người gần như phải chôn giấu, dồn nén mọi cảm xúc và khát vọng hạnh phúc phía sau những định kiến về đạo đức" - đạo diễn Victor Vũ.