Xem huyền thoại 'Kỳ Đồng' bước lên sân khấu chèo
Đây gần như là lần đầu tiên, sân khấu chèo có một vở diễn đầy đặn về cuộc đời Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm - một danh nhân bí ẩn và gắn với hàng loạt huyền thoại trong lịch sử Việt Nam.
1.Suốt cuộc đời mình, “Kỳ Đồng” Nguyễn Văn Cẩm chỉ có hơn 10 năm sống ở quê hương, trong đó chủ yếu là khi nhỏ tuổi. Những tư liệu lịch sử hiện lưu giữ về ông không nhiều nhưng vẫn khiến hậu thế vô cùng thú vị.
Theo đó, Kỳ Đồng (đứa trẻ kỳ lạ) là cách mà người đời gọi Nguyễn Văn Cẩm, cậu bé sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo tại Hưng Hà (Thái Bình). Lên 6 tuổi ông đã học thành thạo chữ Hán và biết làm thơ, lên 8 tuổi đã đạt loại ưu khi dự kỳ khảo khóa để thi hương trường Nam Định.
Ở bối cảnh phong trào kháng Pháp bùng nổ, sự xuất hiện của một gương mặt như Kỳ Đồng đã được nhiều văn thân trông đợi để kết nối người dân vốn còn nhiều mê tin. Năm ông 12 tuổi, một số sĩ phu yêu nước đã loan tin ông là hậu thân của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và tổ chức một đám rước nhằm tạo ra biểu tượng để gây dựng một phong trào kháng Pháp ở đất Thái Bình và Nam Định. Trước điều này, người Pháp đã tìm cách tách Kỳ Đồng khỏi phong trào kháng Pháp bằng việc đưa ông sang Algeria học tập suốt 9 năm với hi vọng đào tạo ra một tay sai trong tương lai.
Dù vậy, khi trở về nước ở tuổi 21, Kỳ Đồng vẫn từ chối các chức vụ được người Pháp đề nghị để xin lập đồn điền khẩn hoang ở Yên Thế (Bắc Giang). Uy tín của ông đã thu hút hàng ngàn người tới đây. Một mặt tập hợp lực lượng để lên kế hoạch “bình Tây diệt Nguyễn”, một mặt Kỳ Đồng đã bí mật liên lạc và giúp đỡ Hoàng Hoa Thám, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Hoảng sợ trước sức hút của Kỳ Đồng, năm 1898, người Pháp đã bắt ông và đầy biệt xứ ở đảo Tahiti trong suốt 32 năm cho tới khi qua đời.
2. Với tên đầy đủ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, vở diễn được dàn dựng tại Nhà hát chèo Thái Bình có ê-kíp sáng tạo gồm tác giả kịch bản văn học là cố tác giả Hoàng Luyện - Giải thưởng Nhà nước về VHNT; tác giả kịch bản chèo: Thạc sĩ Lê Thế Song; đạo diễn - NSND Lê Hùng, thiết kế mỹ thuật - họa sĩ Đặng Tuấn Minh, âm nhạc - NSND Hạnh Nhân.
Theo tác giả Lê Thế Song, khi được đề nghị viết kịch bản chèo về danh nhân đất Thái Bình này, anh đã mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm các tư liệu. Rất trùng hợp, khi soạn các tư liệu của bố vợ (cố tác giả Hoàng Luyện) để lại, anh tìm thấy kịch bản văn học về Kỳ Đồng được ông sáng tác từ 1995. Trên cơ sở này, anh đã bổ sung thêm các thông tin cần thiết và chuyển thể thành kịch bản chèo.
Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm của Nhà hát chèo Thái Bình về cơ bản vẫn trung thành với những cứ liệu lịch sử để tạo nên những lớp kịch sinh độngvề một cậu bé Nguyễn Văn Cẩm sớm bộc lộ tư chất đặc biệt thông minh với tài sáng tác thơ phú, làm câu đối ứng khẩu, bắt bệnh cứu người, rồi được vua Tự Đức đã ban chỉ dụ khen thưởng và cấp tiền gạo ăn học cho ông với hi vọng thu dụng sau này.
Nhưng, gạt bỏ lớp vỏ huyền thoại, vở diễn cho thấy một ý tưởng xuyên suốt: Từ nhỏ, khi nhận rõ sự thống khổ của người dân thuộc địa, lòng yêu nước đã luôn được nung nấu trong trái tim Kỳ Đồng. Luôn đau đáu hướng về quê hương và tìm cơ hội đóng góp vào sự nghiệp cứu nước ông mãi trung thành với lý tưởng, kể cả khi du học, trở về nước, mưu nghiệp lớn rồi bị người Pháp bắt phải tiếp tục ly hương. Dù vận hội không thành, lòng yêu nước và ý chí của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm vẫn khiến hậu thế mãi trân trọng và khâm phục.
- Vĩnh biệt họa sĩ Đỗ Quang Em - người từng 'chèo ghe đến Paris'
- NSƯT Trịnh Quang Tùng - 'Một mình em sắm cả 2 vai chèo'
- NSND Tự Long - Nhìn từ chiếu chèo Kinh Bắc
3. Dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn NSND Lê Hùng, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm của Nhà hát chèo Thái Bình có mạch diễn chân thực và rõ ràng. Vở diễn có tiết tấu nhanh với các lớp diễn nối tiếp nhau bám sát từng tinh tiết. Ở góc độ đặc trưng của nghệ thuật chèo, lối diễn ước lệ cũng như việc sử dụng dàn đế truyền thống để dẫn chuyện đã tạo ra sức hút suốt thời gian của vở diễn.
Đặc biệt, khá nhiều lớp diễn sinh động về tài ứng đối lúc nhỏ, cũng như những suy nghĩ hướng về đất nước, dân tộc đã giúp vở diễn khắc họa hình ảnh một Kỳ Đồng không mang màu sắc thần bí, huyễn hoặc mà rất gần gũi với người xem. Thậm chí, trong vở diễn có cả những lớp mang đậm chất điện ảnh, như khi cậu bé Cẩm khoe ba quả trứng để trong túi đã nở thành chim, cậu đưa tay tung những chú chim bay lên, dõi mắt nhìn theo như hướng về tự do. Hoặc, đó là cảnh cô Trai (người yêu Kỳ Đồng) cầm đèn dầu đưa mắt về nơi viễn xứ, bấc lụi dầu hao, ngọn đèn tàn dần để rồi lại vụt sáng khi Cẩm trở về.
Ở phần cao trào, những cảnh về sự chia ly của Nguyễn Văn Cẩm khi phải rời xa quê hương, hay cảnh Kỳ Đồng hướng về cố quốc với niềm tin mai này sẽ được độc lập là những lớp diễn bi tráng nhưng vẫn đầy trữ tình.Tại đó, trong vai Kỳ Đồng, gương mặt trẻ Mạnh Khởi đã bước đầu cho thấy sự thành công khi thể hiện một vai diễn khó, đa màu sắc trong nhiều khoảng không gian, thời gian, từ lúc thơ bé đến trưởng thành.
Ngoài ra, đóng góp vào thành công của vở diễn còn phải kể tới NSƯT Văn Bằng vai dàn đế, NSƯT Ánh Điện trong vai cụ Đồ Tỵ (bố Kỳ Đồng), Thu Hà trong vai cô Trai... Đặc biệt, không thể bỏ qua khả năng dàn dựng của đạo diễn NSND Lê Hùng cũng như những sáng tạo của tác giả Lê Thế Song - một cây viết đa năng và đang độ tuổi sung sức của sân khấu hiện nay.
Sau những vở diễn lịch sử về Nguyễn Thị Lộ, Bùi Viện từng giành giải cao trong các Liên hoan gần đây, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm của Nhà hát chèo Thái Bình được trông đợi sẽ gây ấn tượng tại Liên hoan Chèo toàn quốc vào tháng 9 tới.
Cúc Đường