Xem 'Diên Hy Công Lược' nhìn lại 5 phi tần làm thay đổi lịch sử Trung Quốc
(Thethaovanhoa.vn) - Loạt phim truyền hình bom tấn Diên Hy Công Lược (The Story of Yanxi Palace) đã làm tăng thêm "gia vị" cho các câu chuyện về phi tần trong cung cấm và những mưu đồ của họ. Phim vừa kết thúc nhưng khán giả vẫn đang bàn tán nhiều về những phi tần trong phim, về cuộc chiến của họ nhằm giành được sự sủng ái của hoàng đế và tranh giành quyền lực.
- Ngắm dàn sao của 'DIên Hy Công Lược' trong tạp chí thời trang
- Không có gương mặt ngôi sao, ‘Diên Hy Công Lược’ thành công nhờ đâu?
Diên Hy Công Lược là phim truyền hình cổ trang kể về các phi tần đầy mưu đồ trong đời Thanh. Phim đã hút khán giả ở mức kỷ lục, có ngày lên tới 530 triệu người theo dõi.
Nhân đây xin giới thiệu sơ lược về 5 phi tần trong thời Trung Hoa cổ đại, những người mà các hành động và sức lôi cuốn của họ đã có những tác động quyết định tới đế chế trong thời của họ như thế nào.
1. “Người hòa giải” Vương Chiêu Quân (đời Hán, năm 206 trước Công nguyên – năm thứ 8 sau Công nguyên).
Vương Chiêu Quân (năm 51 trước Công nguyên- năm 15 trước Công nguyên) đi vào lịch sử Trung Quốc như một người đẹp hòa bình, trở thành hình ảnh tiêu biểu cho nền chính trị Hòa thân.
Vương Chiêu Quân là người có sắc đẹp được ví như "trầm ngư lạc nhạn". Năm 38 trước Công nguyên, do thông thạo "cầm, kỳ, thi, họa", Vương Chiêu Quân được tuyển vào nội cung, đời Hán Nguyên Đế.
Năm 33 trước Công nguyên, Hung Nô phía Bắc đã thống nhất được Nam Bắc sau thời kỳ chia cắt, thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà đến kinh đô Trường An để tỏ lòng thần phục nhà Hán. Thiền vu nắm lấy cơ hội để đề nghị được trở thành con rể của Nguyên Đế. Thay vì gả một Công chúa cho thiền vu thì Hô Hàn Tà đã được ban cho cung nữ Vương Chiêu Quân.
Vương Chiêu Quân trở thành sủng phi của Hô Hàn Tà và được phong là Ninh Hồ Yên Chi. Vương Chiêu Quân được sử dụng như một "công cụ" để duy trì hòa bình giữa Hung Nô và triều đình nhà Hán.
Vương Chiêu Quân đã sinh được hai con trai và một con gái với Hô Hàn Tà. Sử gia và nhiều nhà thơ ca ngợi Vương Chiêu Quân với vai trò giữ được mối quan hệ hòa hảo giữa triều đình Hán và Hung Nô trong nhiều thập kỷ.
2. “Hoàng đế” Võ Tắc Thiên (đời Đường, 624-705).
Võ Tắc Thiên đi vào lịch sử là nữ "Hoàng đế" duy nhất từng thống trị Trung Quốc.
Võ Tắc Thiên vào cung năm 14 tuổi, là phi tần của Đường Thái Tông, vị hoàng đế thứ hai trong đời Đường.
Năm 643, Đường Thái Tông phế truất Thái tử Lý Thừa Càn, lập Tấn vương Lý Trị làm Thái tử. Từ đây, Võ Tài nhân thường ở bên cạnh phụng dưỡng, hầu thuốc cho Thái Tông, Thái tử trông thấy mà say mê.
Đường Thái Tông băng hà khi Võ Tắc Thiên mới 25 tuổi. Thái tử Lý Trị lên ngôi, tức Đường Cao Tông.
Trong hơn 10 năm làm Tài nhân, Võ Mỵ Nương không hề sinh được một người con nào, vì thế theo di mệnh của Tiên hoàng đế, bà và tất cả các phi tần không con khác phải cạo tóc, xuất gia làm ni cô, vào tu ở Cảm Nghiệp tự. Tuy nhiên, bà không chấp nhận việc này và vẫn hy vọng có ngày được trở về cung. Trước kia Cao Tông còn làm Hoàng thái tử đã thầm thương yêu bà, nhưng không thổ lộ ra ngoài.
Năm 650, tháng 5, nhân ngày giỗ của Đường Thái Tông, Cao Tông đến Cảm Nghiệp tự và tình cờ gặp lại Võ Mỵ Nương, hai người ôm nhau mà khóc. Võ Mỵ Nương lúc đó đã cạo đầu song nhan sắc vẫn diễm lệ, nói năng êm tai nên tình cũ trỗi dậy, Đường Cao Tông nảy ý rước bà về cung.
Năm 651, Đường Cao Tông mãn tang, lệnh Võ thị hoàn tục, chính thức đưa Võ thị trở lại hậu cung. Vào lúc này, Võ thị đang mang thai đứa con đầu lòng. Từ đó, Võ Tắc Thiên bắt đầu hành trình dài nắm quyền lực và tự ra chiếu chỉ phong mình là nữ Hoàng đế tiên của Trung Quốc ở tuổi 66. Bà cai trị đất nước trong 15 năm, cho đến khi qua đời.
Võ Tắc Thiên được mô tả là người phụ nữ tàn nhẫn. Những âm mưu như mưu hại hoàng hậu, giết công chúa đã nhiều lần được mô tả trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình Trung Quốc.
3. Dương Quý Phi (đời Đường, 719-756).
Dương Quý Phi là sủng phi của Đường Minh Hoàng Lý Long Cơ. Trong văn hóa Trung Hoa, bà được xếp vào một trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc, có sắc đẹp được ví là tu hoa khiến hoa thu mình lại vì hổ thẹn.
Câu chuyện về tình duyên giữa Dương Quý phi và Đường Minh Hoàng thường được nhắc đến với khung cảnh xa hoa tột đỉnh của giai đoạn nhà Đường đang thịnh thế. Sự yêu chiều một cách thái quá của Minh Hoàng đối với Dương Quý Phi là nguyên nhân khiến người đời cho rằng nhà Đường đều do Quý phi mà suy vong.
Hoàng đế say đắm Dương Quý Phi, chiều chuộng nàng hết mực. Sau thời thịnh trị Khai Nguyên, Đường Minh Hoàng cao tuổi, sa vào hưởng lạc, không còn nhiệt tình với chính sự, lại thích theo đuổi thuật trường sinh bất lão. Ông giao toàn quyền triều chính cho tể tướng Lý Lâm Phủ, hưởng lạc cùng Dương Quý Phi trong cung cấm.
Hoàng đế còn trao những trọng trách trong cung cho người nhà của Dương Quý Phi và đây chính là nguyên nhân gây nên cuộc nổi loạn An Lộc Sơn.
Trước tình thế nguy cấp, Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi phải bỏ kinh thành vào đất Thục.
Trong quá trình chạy trốn, các tướng sĩ đã bức Minh Hoàng đem thắt cổ Dương Quý Phi thì họ mới chịu phò trợ nhà Đường. Không có sức kháng cự, nhà vua không còn cách nào, đành ban cho Quý Phi một dải lụa trắng, cho Cao Lực Sĩ thắt cổ Quý Phi dưới cây lê trong Phật đường. Minh Hoàng đau xót quay đi, không dám chứng kiến cảnh ái phi bị xử tử. Lúc chết Dương Quý phi 38 tuổi. Sau khi chết, xác Quý Phi chôn vội ven đường, sau đó binh lính hành quân tiếp. Đây là sự bắt đầu cho thời kỳ kết thúc triều Đường.
4. Trần Viên Viên (đời Minh, 1624-1681)
Sinh ra trong thời kỳ bất ổn, Trần Viên Viên mồ côi từ nhỏ, Trần Viên Viên là một kỹ nữ nổi danh trong lịch sử Trung Quốc có tự Uyển Phân, vợ lẽ của danh tướng Sơn Hải quan Ngô Tam Quế. Đồng thời cũng bị quy cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Ngô Tam Quế dẫn quân Thanh chiếm Trung Nguyên.
Ngô Tam Quế đã gây nên sự sụp đổ của triều đại nhà Minh. Ông đã mở Sơn Hải Quan, cổng chiến lược của Vạn Lý Trường Thành, ngăn quân Mãn Châu hay Thanh ở phía Bắc. Ngô Tam Quế đã "tiếp tay" cho quân Thanh xâm chiếm kinh thành.
Sau cuộc chiến này, kết cục của Trần Viên Viên không rõ ràng. Theo một số tài liệu được ghi lại thì sau khi chiến thắng và thành lập nhà Thanh, Trần Viên Viên đã được đoàn tụ với Ngô Tam Quế. Cũng có tài liệu ghi rằng nàng đã bị giết trong loạn binh khi Bắc Kinh thất thủ...
Cuối đời, nàng kỹ nữ nổi tiếng nhất đời Minh – Thanh trở thành một vị đạo cô, nàng sống ẩn dật và chết một cách âm thầm trong cô quạnh. Mỗi lời truyền miệng mang sắc thái khác nhau nhưng lại được phổ biến trong văn hóa dân gian.
Với một bút pháp kể chuyện có xen mô tả khá tinh tế, nhà văn Kim Dung đã xây dựng một Trần Viên Viên trở thành đệ nhất đại mỹ nhân trong hàng ngàn nhân vật nữ trong tiểu thuyết của mình.
Trong tác phẩm Lộc Đỉnh ký, Kim Dung đã mô tả 1 đoạn nhân vật chính Vi Tiểu Bảo gặp Trần Viên Viên tại một ngôi chùa nhỏ ở ngoại ô thành Côn Minh. Dù ít học và thô lậu, lại quen biết nhiều người đẹp, trong đó có con gái của Viên Viên, nhưng Vi Tiểu Bảo vẫn xiêu lòng trước tài sắc của người phụ nữ gấp đôi tuổi mình.
5. Từ Hy Thái Hậu (đời Thanh, 1835-1908).
Từ Hy Thái Hậu là một nhân vật "khét tiếng" trong lịch sử Trung Quốc hiện đại với 50 năm cai trị đất nước.
Năm 1862, Na Lạp Thị nhập cung năm 16 tuổi, trong triều đại của Vua Hàm Phong, được sắc phong thành Quý nhân, gọi là Lan Quý nhân và trở thành một phi tần được sủng ái.
Năm Hàm Phong thứ 6 (1856), ngày 23 tháng 3 (tức ngày 27 tháng 4 dương lịch), sinh hạ Hoàng trưởng tử Tải Thuần, con trai duy nhất của Hàm Phong Đế, tức Thanh Mục Tông Đồng Trị hoàng đế sau này. Sau đó, bà được sắc phong thành Ý Phi.
Theo truyền thuyết kể lại, không như những người phụ nữ khác, Từ Hi Thái hậu khi còn là Ý Quý phi nổi tiếng với trí thông minh và khả năng đọc viết thông thạo tiếng Hán. Nhờ vậy, bà có nhiều cơ hội tham gia chính sự khi sức khỏe của Hàm Phong không được tốt. Trong nhiều trường hợp, Hoàng đế để Từ Hi đọc tấu chương và ghi lời phê cho mình, điều này khiến các đại thần đối với Ý Quý phi đã sớm bất mãn.
Trong thời đại cai trị của Từ Hy Thái Hậu, Trung Quốc đã trải qua nhiều biến động xã hội và sự can thiệp của nước ngoài, như cuộc chiến tranh bạch phiến lần thứ 2. Từ Hy Thái Hậu được chuẩn bị đầy đủ để đối diện với những htách thức này và vẫn tiếp tục lối sống xa hoa của mình.
Khi bà qua đời (năm 1908 ở tuổi 72), đất nước trong tình trạng hỗn loạn đã "lát đường" cho nhà cách mạng như Tôn Dật Tiên lập nên một Trung Quốc mới.
Việt Lâm
Tổng hợp