Xe tải điện vừa giao đã hỏng, cánh cửa thị trường mới phải chăng đã đóng sập trước mặt Elon Musk
Những chiếc Tesla Semi được phát hiện bị hỏng trên đường đang để lại nhiều câu hỏi cho tương lai tương sáng mà Elon Musk từng vẽ ra.
Hãng xe điện Tesla đã bắt đầu giao những chiếc xe tải điện Semi của mình đến tay các đối tác quan trọng là Pepsi và Frito-Lay hồi cuối năm ngoái. Theo báo cáo sản xuất cuối năm của Tesla, hãng xe Mỹ đã giao tổng cộng hơn 30 xe tải điện từ khi sản phẩm mới bắt đầu được sản xuất.
Elon Musk từng tuyên bố ông rất tự tin vào bộ truyền động của những phương tiện này, tin tưởng chúng có thể đi được cả triệu dặm (khoảng 1,61 triệu km) mà không gặp sự cố nghiêm trọng. Thậm chí, chúng có thể tự phát hiện khi nào cần bảo trì và thông báo trước cho người lái xe.
Tuy nhiên, khi những chiếc xe này chính thức lưu thông trên đường, các sự cố đã dần lộ diện. Được phát hiện bởi một người dùng Twitter mới đây, một chiếc xe tải Semi đã bị hỏng vào khoảng hôm 1/1 tại một ngã tư ngay phía tây Silver Springs, bang Nevada, Mỹ.
Không ai rõ lý do tại sao nó bị hỏng. Trong video, người ta thấy chiếc Semi dừng lại, bật đèn nháy và sau đó đợi vài giờ trước khi một xe cẩu đến để đưa nó đi.
Theo các đồn đoán, Tesla đã phải tự mình xử lý vấn đề vì những công ty lai dắt tại địa phương hoặc không biết về sự cố khi được hỏi, hoặc nói rằng họ không có khả năng kéo một phương tiện lớn đến như vậy.
Vì xe điện thường có rất ít điểm hỏng hóc nên nhiều người đã nhanh chóng đưa ra dự đoán về nguyên nhân khiến xe tải phải dừng lại. Một số người cho rằng do không có sạc nên chiếc xe tải buộc phải dừng lại vì hết pin. Tuy nhiên, điều này đã gây tranh cãi vì bang Nevada có một hệ thống trạm sạc điện khá lớn. Hơn nữa, nếu chiếc xe tải chỉ đơn giản là hết pin, nó có thể đã được sạc nhanh sau đó tiếp tục hành trình.
Một số người cho là vấn đề liên quan tới sự cố của động cơ hay pin, vì đây là một vài trong số ít các bộ phận của Semi có thể khiến chiếc xe không thể vận hành. Nhưng đèn flash của xe tải cho thấy rằng ít nhất nó vẫn còn một điện. Và bởi vì chiếc xe tải sau đó được kéo đi mà không cần giá đỡ hỗ trợ, nên khó có khả năng xảy ra sự cố đáng kể về bộ truyền động.
Sự việc tưởng chừng như đã kết thúc nhưng chỉ vài ngày sau, hôm 5/1, một sự cố khác với xe tải điện Semi đã xảy ra ở Sacramento, bang California.
Lần này, trên thùng xe có logo của PepsiCo, cho thấy nó là một trong những chiếc đã được Tesla giao cho đối tác cách đây một tháng. PepsiCo cho biết họ đã triển khai 36 xe tải điện của Tesla trên đường, và có lẽ đây là một trong số đó.
Liên quan đến hai vụ tai nạn này, cộng đồng mạng đã tranh luận và bàn tán khá nhiều. Trong đó không ít người đã đặt câu hỏi về độ tin cậy của xe tải điện của Tesla. Một số người thậm chí chế giễu việc Elon Musk từng nói ngành giao thông vận tải sẽ đạt được mức "phát thải bằng 0”, nhưng khi một chiếc xe điện bị hỏng lại cần tới nhiều xe chạy nhiên liệu tới để kéo đi.
Một số chuyên gia cũng đứng lên bày tỏ quan điểm cá nhân. Trong đó nổi bật là ý kiến từ một người là kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm sửa chữa và vận hành cho các dòng xe tải hạng nặng.
“Ngay cả các công ty vận tải có kinh nghiệm cũng có thể gặp sự cố trong quá trình vận hành. Với sự thiếu kinh nghiệm của Tesla, không có gì lạ khi sản phẩm đầu tiên của họ gặp sự cố”, người này cho biết. “Bài kiểm tra thực sự đối với Tesla là họ giải quyết những vấn đề này tốt như thế nào. Các công ty mua xe tải Semi sẽ không kiên nhẫn như người tiêu dùng bình thường khi mua xe du lịch. Bởi xét cho cùng, chỉ cần xe tải không lưu thông trên đường, đồng nghĩa với việc họ đang mất tiền.”
Và cũng theo các nhà chuyên môn, thử thách mà Tesla phải đối mặt cũng đang là thử thách của cả ngành công nghiệp, với tiền cược chính là tương lai của những chiếc xe tải hạng nặng chạy hoàn toàn bằng điện.
Khá trùng hợp bởi trước khi Tesla bắt đầu giao hàng, một sự cố tương tự đã xảy ra. Thời gian là vào tháng 10 năm 2022, một số người đã chụp được cảnh một chiếc Tesla Semi bị mắc kẹt trên đoạn đường cao tốc với một chiếc xe tải khác đậu bên cạnh. Ngoài ra, còn có cảnh sát giao thông đứng cạnh để hỗ trợ giải quyết vấn đề, cùng một chiếc xe dịch vụ Tesla màu trắng ở phía sau.
Việc xảy ra các sự cố kể trên đang cho thấy các hãng xe tải hạng nặng thuần điện, trong đó có Tesla, vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Ngoài việc hỏng hóc bất ngờ, vấn đề hiệu quả tải trọng của chúng cũng đang được soi xét. Một báo cáo bên lề trước đó cũng đã cho thấy tuyên bố của Tesla về việc xe tải điện Semi có thể chở được 37 tấn hàng trong hành trình thử nghiệm là không phù hợp. Bởi dựa trên các tính toán về trọng lượng hàng và thể tích thùng xe, mức tải trọng thực tế dường như thấp hơn khá nhiều.
Một vấn đề khác là chi phí và giá cả, bởi hiện tại giá lithium vẫn ở mức cao, khiến giá thành pin cao sẽ dẫn đến việc giá xe tải hạng nặng thuần điện vô cùng lớn. Mức chi phí này sẽ gây áp lực cho đơn vị sử dụng khi sử dụng nó như một công cụ sản xuất, bởi sẽ khó hình thành khả năng cạnh tranh so với xe tải dùng động cơ diesel.
Hơn nữa, việc xây dựng các cơ sở sạc cần phải được cải thiện. Xe tải hạng nặng thường yêu cầu hoạt động liên tục và tính hiệu quả phải đặt lên trước tiên. Điều này đưa ra các yêu cầu cao hơn về sự hoàn thiện của cơ sở vật chất trạm sạc và tốc độ sạc nói chung so với xe điện thông thường.
Do đó, nhiều nhà sản xuất pin nhiên liệu hydro tin rằng các giải pháp kỹ thuật của họ khả thi hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực xe tải thương mại. Theo quan điểm của họ, do xe tải thương mại có tải trọng lớn nên nếu sử dụng ắc quy điện sẽ không có lợi thế về tuổi thọ của ắc quy. Vì vậy pin nhiên liệu hydro mới chính là tương lai khử cacbon của xe tải hạng nặng.
Nhưng đối với Elon Musk, ông có rất ít lạc quan về phương tiện chạy bằng năng lượng hydro, bởi trong suy nghĩ của vị tỷ phú này thì mọi thứ đều có thể được "điện hóa".
Musk từng nói rằng: "Pin nhiên liệu chỉ được bán bởi những kẻ ngốc".
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái, ông thậm chí còn thẳng thừng tuyên bố rằng năng lượng hydro là “cách lưu trữ năng lượng ngu ngốc nhất mà tôi có thể nghĩ ra”.
Tham khảo Teslarati, iFeng