Xây dựng thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam: Đầu tiên, vẫn phải là chất lượng phim Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Để xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam, điều kiện tiên quyết vẫn là việc phải xây dựng được nền điện ảnh đa dạng, đặc biệt phải có tác phẩm hay.
Đó là điểm chung từ những ý kiến của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh... tại Hội thảo Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan Phim Việt Nam, diễn ra sáng 29/7 tại Hà Nội.
Cần một thương hiệu quốc gia
Liên hoan Phim Việt Nam (LHPVN) đã trải qua 21 lần tổ chức thành công và đã trở thành sự kiện điện ảnh mang tầm quốc gia được nhiều nghệ sĩ, những người làm công tác điện ảnh và khán giả khắp mọi miền mong đợi. Và theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, nhu cầu và xu hướng phát triển của điện ảnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi LHPVN cần phải có thương hiệu mang tầm quốc giađược xây dựng một cách bài bản, khoa học và mang tính chuyên nghiệp cao.
Về điều này, Bộ VH,TT&DL đã chỉ đạo Cục Điện ảnh cùng các đơn vị liên quan xây dựng đề án quảng bá thương hiệu quốc gia LHPVN, qua đó thu hút công chúng trong nước và bạn bè quốc tế đến với nghệ thuật điện ảnh nói riêng và đất nước, con người Việt Nam nói chung. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng thúc đẩy công nghiệp điện ảnh trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, việc quảng bá thương hiệu quốc gia LHPVN là một lựa chọn hàng đầu cho nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Theo đó, thông qua tác phẩm điện ảnh được chiếu tại LHP, những thông tin về địa lý, lịch sử, những sắc màu văn hóa và tập tục truyền thống của Việt Nam sẽ được thể hiện sinh động, ấn tượng, dễ đi vào lòng người.
Cũng theo bà Hà, sự tăng trưởng mạnh mẽ của điện ảnh Việt Nam trong những năm qua đang tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường vị thế của LHPVN, khi chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng và có thể tận dụngsự phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Hãy để người Việt mang hơi thở Việt ra quốc tế
Tại hội thảo, nhiều ý kiến khẳng định: Điều quan trọng nhất để xây dựng thương hiệu quốc gia LHPVN là nâng cao chất lượng liên hoan phim, trong đó việc có phim hay là cốt lõi. Như ý kiến của đạo diễn, nhà sản xuất phim Lương Đình Dũng, trong thời kỳ nền kinh tế hình ảnh được chú trọng như hiện nay, ngoài việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người quốc gia, điện ảnh còn có thể mang lại lợi nhuận rất lớn. Dẫn chứng về doanh thu "khủng" phim Ký sinh trùng của Hàn Quốc, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, chúng ta nên đặt mục tiêu xuất khẩu phim Việt Nam ra nước ngoài.
Về thương hiệu LHPVN, đạo diễn Cha cõng con nhấn mạnh: cần có ban giám đốc chịu trách nhiệm tổ chức cũng như xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đối với LHP thì phim là cốt lõi của vấn đề, bởi nếu không có phim hay thì việc quảng bá cũng không có nhiều hiệu quả. Thêm vào đó, chúng ta cũng nên mời những nhà làm phim lớn tham dự và việc công chiếu phim của họ cũng sẽ khiến LHP thuận lợi hơn trong việc quảng bá.
Ở góc độ nhà làm phim, theo đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ, chúng ta còn có nhiều hạn chế trong việc quảng bá LHPVN. Theo anh, vấn đề lớn nhất là việc quảng bá của LHP chưa đủ rầm rộ, thời gian quảng bá cho sự kiện ngắn khiến công chúng chưa đủ để tiếp nhận và tò mò về những sự kiện thú vị của LHP.
“LHPVN cần phải là sự kiện được đông đảo công chúng quan tâm chứ không phải chỉ là sự kiện của những người làm nghề như hiện tại. Để làm được điều này, chúng ta cần có chiến lược, tận dụng tối đa thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0" - Tuấn nói.
"Trong những năm gần đây, những bộ phim truyền hình của VTV rất hot, không chỉ bởi nội dung hay, chiếu giờ vàng, mà đó còn là chiến dịch truyền thông lớn, toàn diện, táo bạo mà họ đã thực hiện. Đó là Facebook, Youtube, app... để khán giả xem trên thiết bị di động...” - anh chia sẻ thêm - “Thành công của VFC chính là bài học gần gũi để LHPVN có thể học hỏi trong vấn đề quảng bá".
Ở góc độ phát hành, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Nguyễn Danh Dương nhận định: Lượng phim Việt Nam sản xuất hiện nay tương đối lớn nhưng lượng phim phát hành thì chủ yếu là quốc tế, lên tới 70-90%. Muốn giới thiệu hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam, hơn bao giờ hết, chúng ta phải tạo điều kiện đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước đủ mạnh để có sự cạnh tranh.
“Chỉ có người Việt Nam mới mang đầy đủ hơi thở cuộc sống Việt giới thiệu với bạn bè quốc tế. Chỉ có những tác phẩm tốt, hay mới có sức lay động khán giả, tác động tới mọi người và có sức quảng bá rộng rãi. Thế nên tôi cho rằng, điều kiện tiên quyết đó chính là phải xây dựng được nền điện ảnh đa dạng" - anh nói.
Cùng với vấn đề nổi bật là chất lượng LHPVN và chất lượng phim Việt, tại hội thảo, các nghệ sĩ, nhà chuyên môn cũng đóng góp các ý kiếnvề việc tổ chức LHP thật chuyên nghiệp, quảng bá như thế nào, địa điểm tổ chức ở đâu, vấn đề hợp tác điện ảnh với ngành du lịch, hợp tác quốc tế...
NSND Như Quỳnh: "Nghệ sĩ sẵn sàng theo đoàn quảng bá phim" "Với nghệ sĩ chúng tôi, điều quan trọng là hóa thân vào các nhân vật trong bộ phim, góp phần tạo nên tác phẩm điện ảnh có giá trị. Phim đến được với quần chúng là điều khiến người làm nghề cảm thấy hạnh phúc. Ở một số quốc gia, các nghệ sĩ có thể tới các vùng miền đi quảng bá phim nhưng ở Việt Nam thì ít khi có chuyện như vậy. Nếu được đi theo đoàn phim quảng bá phim mình tham dự thì chúng tôi luôn sẵn sàng đóng góp. LHPVN của chúng ta đã là thương hiệu tốt, và điều chúng ta cần làm là xây dựng quảng bá để có tiếng vang quốc tế. Tôi cũng cho rằng, LHPVN nên tổ chức ở một thành phố cố định sẽ chuyên nghiệp hơn. Ta nên chọn địa điểm nào có quần chúng khán giả yêu điện ảnh và nhiều địa điểm du lịch" –ý kiến của NSND Như Quỳnh. |
Tiểu Phong