(Thethaovanhoa.vn) - Huy động 350 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng cụm đền thờ, tháp Hùng Vương tại Trường Sa và Phú Quốc là kế hoạch được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương công bố và thu hút sự quan tâm của dư luận.
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hữu Hỗ, Phó giám đốc Trung tâm.
Ông Hỗ cho biết: Chúng ta đều hiểu vai trò đặc biệt của quần đảo Trường Sa đối với Việt Nam hiện nay. Và khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành Di sản Thế giới, sẽ vô cùng có ý nghĩa nếu một điểm thờ Quốc tổ, cũng như các danh nhân trong lịch sử, được đặt tại không gian này. Đó vừa là công trình khẳng định chủ quyền biển đảo và không gian sinh tồn của Việt Nam, vừa là điểm phục vụ nhu cầu thờ cúng tổ tiên của chiến sĩ, nhân dân và du khách tới đảo.
Tương tự, Phú Quốc cũng là một vị trí đặc biệt về kinh tế và du lịch trong tương lai. Thậm chí, ở góc độ xác lập chủ quyền, Phú Quốc cũng có giá trị quan trọng tại vùng lãnh hải Tây Nam của tổ quốc. Do vậy, bên cạnh Trường Sa phía Trung tâm cũng có kế hoạch vận động nguồn lực để dựng một cụm đền thờ Hùng Vương tại đây.
* Bên cạnh ý nghĩa của công trình này, dư luận còn quan tâm với vấn đề kinh phí. Bởi, dù triển khai bằng nguồn lực xã hội hóa, 2 dự án này vẫn thu hút một nguồn tiền không nhỏ là 350 tỷ đồng cho mỗi công trình. Theo ông, chúng ta có thể nghiên cứu thêm những phương án khác, với nguồn kinh phí nhỏ hơn không?
- Tôi cũng muốn được chia sẻ thêm: đây là những dự án mở và hoàn toàn có thể điều chỉnh quy mô, thiết kế trong tương lai. Từ ý nghĩa và vị trí đặc biệt của công trình, chúng tôi tất nhiên có nguyện vọng được xây dựng với quy mô chất lượng nghệ thuật xứng tầm. Bởi thế bản quy hoạch ban đầu được phác ra trên giả thiết “lý tưởng” về mọi phương diện.
Chẳng hạn, 3 trên tổng số 5 hécta của công trình sẽ được dùng làm khuôn viên xây 2 ngôi đền thờ Quốc tổ, cũng như thờ các danh nhân đã được thừa nhận suốt chiều dài lịch sử. Rồi hệ thống tượng danh nhân đúc bằng đồng đỏ. Rồi tháp Hùng Vương với chiều cao 18 tầng với thiết kế đủ bền vững để trụ được ở vùng gió biển. Rồi một lá cờ Việt Nam khổng lồ bằng hợp kim sẽ được dựng trên đỉnh tháp và có điện chiếu sáng ban đêm để nhìn thấy từ ngoài xa...
Nguyện vọng là vậy, còn việc hiện thực hóa lại phụ thuộc vào thực tế. Nếu chưa đủ điều kiện, dự án có thể triển khai trước từng hạng mục và hoàn thiện dần trong tương lai. Ngược lại, nếu gặp những vấn đề khó khả thi, dự án có thể thay đổi về quy mô, có thể sẽ chỉ có một ngôi đền thờ vua Hùng và các danh nhân Việt Nam trên diện tích 5.000 mét vuông chẳng hạn. Khi ấy mức kinh phí đầu tư sẽ nhỏ hơn nhiều.
Phối cảnh ban đầu của cụm công trình
* Trường Sa và Phú Quốc, đâu sẽ là địa điểm triển khai ý tưởng này trước?
- Hiện tại, chúng tôi đang tiếp xúc với lãnh đạo của 2 địa phương này để bàn thảo thêm. Tùy theo phần diện tích được xác định cho công trình, các thiết kế và thông số chi tiết sẽ được chuẩn bị cho phù hợp.
Phần nào, ở góc độ này, Phú Quốc là địa điểm có nhiều thuận lợi hơn. Bởi, đây là hòn đảo có diện tích lớn. Trong khi đó, tại quần đảo Trường Sa, diện tích các đảo nổi bị giới hạn, đồng thời lại có những yêu cầu đặc thù riêng.
Việc lựa chọn một điểm đảo phù hợp, rồi lên phương án xây dựng trên diện tích hiện có hay phải tôn tạo phần bãi ngầm… là những vấn đề sẽ được trao đổi kỹ và xin ý kiến từ phía Bộ Quốc phòng.
Những bước tiếp theo của dự án sẽ được công bố trong tương lai. Và nhân đây, tôi cũng xin được khẳng định: tất cả các nguồn đóng góp từ xã hội, cũng như việc đầu tư xây dựng từng hạng mục công trình sẽ được minh bạch tuyệt đối và đặt dưới sự giám sát của dư luận.
* Xin cảm ơn ông!
Theo ý tưởng ban đầu, mỗi cụm đền, tháp Hùng Vương tại Trường Sa và Phú Quốc sẽ có diện tích 5 hécta, trong đó 2 hécta dành cho các công trình phụ trợ. Đền thờ có chiều cao 25 mét, dài 50 mét, rộng 30 mét, sử dụng kết cấu đình chùa truyền thống. Trong đền thờ vua Hùng có tượng 18 đời vua Hùng (mỗi tượng cao 3-5 mét) và tượng Quốc tổ, Quốc mẫu Âu Cơ.
|
Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa