(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, việc chính thức đệ trình hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt" lên UNESCO đã đặt ra một loạt vấn đề về thực trạng quản lý hầu đồng – diễn xướng hạt nhân của tín ngưỡng này.
Nếu thành công, vào tháng 11/2015 tới, tín ngưỡng này sẽ chính thức trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. Đó là một bước tiến rất dài, khi chỉ cách đây 4 năm, ý tưởng tương tự về việc đưa Hầu đồng – diễn xướng chủ yếu của tín ngưỡng thờ Mẫu - đi "ứng thí" đã gặp sự phản ứng rất mạnh của các chuyên gia và ngành quản lý.
Vì sao phải đổi tên ba lần?
Ở thời điểm đó, các ý kiến phản đối đều cho rằng: Hầu đồng tại VN mới chỉ tái hoạt động sau một thời gian dài bị cấm vì các biến tướng liên quan tới dị đoan. Bởi vậy, hồ sơ khó đạt chất lượng khi thiếu những nghiên cứu và kiến giải tốt từ giới chuyên gia, đặc biệt là về yếu tố tâm linh trong diễn xướng này. Thậm chí, trong trường hợp được danh hiệu di sản thế giới (DSTG) đi nữa, cơ quan quản lý sẽ càng gặp khó khăn trong việc ngăn chặn những mặt tiêu cực của hầu đồng.
Diễn xướng hầu đồng tại Liên hoan Nghi lễ Chầu Văn Hà Nội 2013
Ngay trong năm 2011, khái niệm "nghi lễ chầu văn" được tiếp tục đưa ra cũng với ý tưởng làm hồ sơ gửi lên UNESCO. Như giải thích của người trong cuộc, chầu văn (loại âm nhạc sử dụng khi hầu đồng) với các "nghi lễ" đi kèm, là trung tâm của việc lập hồ sơ. Nói cách khác, đây là di sản nhìn từ yếu tố âm nhạc là chính, chứ không phải tín ngưỡng. Thậm chí, tới cuối năm 2013, "nghi lễ chầu văn" đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia.
Tuy nhiên, một số ý kiến đã chỉ rõ: Cách tiếp cận di sản theo hướng này sẽ bỏ qua rất nhiều yếu tố giá trị văn hóa đặc thù của người Việt cổ về tục thờ Mẫu. "Tôi từng giải thích trong hội thảo tại Mỹ về tín ngưỡng này. Khi biết tục thờ Mẫu đề cao bà mẹ thiên nhiên, coi người mẹ là yếu tố sinh ra vạn vật, các đồng nghiệp người Mỹ rất thích và nói rằng chúng ta còn đi trước họ về quan niệm " – GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian, kể - "Bỏ đi hệ giá trị ấy, chầu văn rơi vào cảnh... xác mất hồn và bỗng trở thành những diễn xướng rất mờ nhạt."
Trong vai trò cố vấn cho quá trình chuẩn bị hồ sơ, GS Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa VN), thẳng thắn thừa nhận: "Khái niệm nghi lễ chầu văn được sử dụng khi đó một phần cũng bởi sự e dè của các chuyên gia. Còn bây giờ, khi nhận thức xã hội được nâng cao, việc sử dụng cái tên Tín ngưỡng thờ mẫu để làm hồ sơ là hợp lý và khái quát hơn cả".
Vắn tắt, như giải thích của GS Thịnh, Tín ngưỡng thờ Mẫu (với diễn xướng cụ thể là hầu đồng) đã hình thành tại VN từ rất lâu và gắn với hàng chục hình tượng người phụ nữ là nhân vật lịch sử, hoặc được lịch sử hóa như Thánh mẫu Liễu Hạnh, Quốc mẫu Âu Cơ, Vương Mẫu (tương truyền là người mẹ của Thánh Gióng), Linh Sơn Thánh Mẫu...
Nỗi lo "lệch chuẩn"
Nhưng, dù ở khái niệm nào và cách tổ chức thế nào, không thể phủ nhận: Hầu đồng mới là câu chuyện đang được xã hội quan tâm và… háo hức nhất. Trong dăm năm qua, dư luận rất nhiều lần nhắc tới hầu đồng với sự phức tạp và rắc rối của những vấn nạn dị đoan liên quan tới nó. Và, nếu một di sản liên quan tới hầu đồng được tôn vinh, liệu những biến tướng này có vì thế mà tiếp tục nở rộ theo cấp số nhân?
"Thẳng thắn mà nói, tín ngưỡng thờ Mẫu đang rơi vào tình trạng lệch chuẩn mạnh. Theo quan điểm của cá nhân tôi, có tới 80% các ông đồng, bà đồng hiện nay không hiểu biết đầy đủ về hệ thống giá trị của đạo Mẫu mà chỉ say sưa với... lên đồng. Còn khán giả hào hứng với hầu đồng thế nào thì... khỏi bàn " – GS Ngô Đức Thịnh nhận xét - "Đây là điều dễ hiểu, khi trong nhịp sống của xã hội hiện đại, con người ta dễ vội vã tìm tới với những vấn đề về tín ngưỡng hay đức tin để tạo sự cân bằng, nhưng lại không được chuẩn bị vốn kiến thức đầy đủ".
Nhưng, cũng theo GS Thịnh, việc xin danh hiệu di sản cho tín ngưỡng thờ Mẫu lại là một động thái cần thiết để hầu đồng được "lập lại trật tự". Với quan điểm của ông, trong trường hợp được dư luận quan tâm tối đa, việc phổ biến các kiến thức khoa học về đạo Mẫu sẽ khiến cộng đồng hiểu rõ hơn về di sản này- chứ không chỉ "chăm chú" vào hầu đồng. Ngoài ra, ở góc độ sở hữu một di sản, ngành quản lý cũng sẽ phải nghiên cứu lại các phương án tổ chức và quản lý để nghi lễ thờ Mẫu được vận hành hiệu quả.
"Càng cấm đoán, chúng ta lại càng có tâm lý háo hức tò mò. Bây giờ, khi hầu đồng và tục thờ Mẫu trở thành di sản, được tôn trọng đúng mức và giải thích đầy đủ, cộng đồng sẽ tự rút ra những lựa chọn hợp lý cho mình" – GS Thịnh nói. "Bởi thế, ở một góc độ nào đó, danh hiệu DSTG cũng cần thiết cho đạo Mẫu không kém gì những di sản đang bị mai một nghiêm trọng như ca trù, hát xoan".
Như lời GS Thịnh, trong những đợt hội thảo hoặc phổ biến kiến thức về tín ngưỡng thờ Mẫu thời gian qua, chính những ông đồng, bà đồng lại là lực lượng hợp tác tích cực nhất với ngành văn hóa. "Có một thời gian dài, họ bị xã hội coi thường, chế giễu. Nên giờ đây, khi được nhìn nhận công bằng, những ông đồng bà đồng ấy rất muốn được cùng với ngành văn hóa khắc phục lại sự lộn xộn bát nháo trong lĩnh vực của mình" – GS nói thêm.
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa