Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Bùi Quang Huy cầm đầu đường dây buôn lậu có quy mô đặc biệt lớn
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) tiếp tục với phần tranh luận.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, các bị cáo nhằm làm rõ tính chất, mức độ, hành vi vi phạm của các bị cáo.
Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) đã tổ chức, điều hành Công ty Nhật Cường thành một đường dây buôn lậu điện thoại, hàng điện tử… có quy mô đặc biệt lớn trong một thời gian rất dài, từ đầu năm 2014 đến tháng 5/2019.
Để điều hành đường dây buôn lậu, Bùi Quang Huy đã tổ chức chỉ đạo các nhân viên Công ty Nhật Cường, từ Phó Tổng Giám đốc đến các nhân viên khác như: giám đốc bán hàng, giám đốc ngành hàng, giám đốc tài chính cho đến nhân viên kho, giao nhận hàng lậu, thanh toán tiền…, mỗi đối tượng tham gia đều được giao một việc, một nhiệm vụ cụ thể để vận hành đường dây buôn lậu. Đặc biệt, Bùi Quang Huy còn thành lập Chi nhánh Quảng Châu tại Trung Quốc, cử 2 bị cáo là Trần Tất Khoa và Lê Hoài Phương sang Quảng Châu làm nhiệm vụ trung chuyển, tiếp nhận hàng hóa từ nhà cung cấp, đóng gói giao cho các đường dây vận chuyển thuê về Việt Nam.
Hầu hết các bị cáo trong nhóm bị truy tố về tội “Buôn lậu” đều thừa nhận hành vi phạm tội, các luật sư đều đồng tình quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát về tội danh và khung hình phạt. Song, cũng có ý kiến của luật sư cho rằng cần đánh giá vai trò của bị cáo Đỗ Quốc Huy (Giám đốc bán hàng của Công ty Nhật Cường) tham gia đồng phạm với vai trò mờ nhạt, chỉ quản lý kho xuất nhập hàng, trong đó có hàng hóa nhập khẩu không có VAT…
Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ, lời khai của bị cáo Đỗ Quốc Huy và các bị cáo khác thể hiện Đỗ Quốc Huy được Bùi Quang Huy giao cho làm Giám đốc bán hàng, phân phối tiêu thụ hàng trên thị trường, trong đó có hàng nhập lậu. Đỗ Quốc Huy biết rõ Công ty Nhật Cường đang buôn lậu vì bị cáo có tham gia các nhóm chat, tư vấn giá mua hàng không VAT, trực tiếp tạo 90 đơn hàng nhập khẩu không VAT, mua của 10 nhà cung cấp hơn 7.200 chiếc điện thoại trị giá hơn 80 tỷ đồng. Điều này khẳng định Đỗ Quốc Huy là một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn lậu do Bùi Quang Huy điều hành.
Trong quá trình tranh luận, nhiều luật sư đề nghị giảm trừ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo tương đương với số hàng hóa, số tiền liên quan đến 4 nhà cung cấp… Về nội dung này, quan điểm của Viện Kiểm sát cho rằng thông tin các nhà cung cấp này được trích xuất từ phần mềm ERP do các bị cáo trình xuất. Đồng thời, các bị cáo cũng thừa nhận có nhận hàng, thanh toán tiền cho các nhà cung cấp này. Công tố viên cho rằng khi giao nhận hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ thì bản thân các bị cáo phải nhận thức rõ đó là hàng hóa bất hợp pháp.
Đến nay, do chưa xác định được đối tượng cung cấp hàng nên cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý.
Đánh giá về hành vi buôn lậu tại Công ty Nhật Cường, công tố viên nhấn mạnh, đây là đường dây buôn lậu có tổ chức hết sức chặt chẽ, tinh vi, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên tham gia. Để che giấu hành vi buôn lậu, Bùi Quang Huy đã chỉ đạo Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính thiết lập 2 hệ thống quản lý, theo dõi hoạt động kế toán là ERP và MISA, nhằm đối phó với cơ quan chức năng.
Khai tại Tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính của Công ty Nhật Cường) nhiều lần không thừa nhận hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Ngọc cho rằng bị cáo chỉ quản lý phần mềm ERP để nhập đơn hàng và quản lý thu chi của công ty. Bị cáo không biết và không liên quan đến phần mềm MISA - do bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng của Công ty Nhật Cường) quản lý, lập hồ sơ, sổ sách kê khai tài chính, báo cáo thuế.
Về điểm này, đại diện Viện Kiểm sát đã trích dẫn lời khai của Ngọc về việc Bùi Quang Huy chỉ đạo Ngọc thực hiện lập, ghi chép số lượng hàng, giá trị tiền thanh toán hàng nhập khẩu không VAT, có VAT trên phân hệ kế toán, theo dõi thanh toán tiền hàng… Bị cáo Hằng ghi chép kế toán theo hàng hóa có hóa đơn, chứng từ trên phần mềm MISA.
- Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Ánh bị đề nghị từ 15-16 năm tù
- Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội
- Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: 14 bị cáo ra hầu tòa, đình chỉ xét xử 1 bị cáo
Đại diện Viện Kiểm sát cũng phân tích rõ về sự tương tác giữa bị cáo Ngọc và bị cáo Hằng. Cụ thể, bị cáo Ngọc yêu cầu Hằng gửi tờ khai thuế, báo cáo tài chính năm của Công ty Nhật Cường để Ngọc cung cấp cho các ngân hàng để vay vốn.
Còn bị cáo Hằng được Ngọc cung cấp sao kê các tài khoản đứng tên Công ty Nhật Cường để hạch toán sổ sách kế toán. Ngọc khai, Ngọc là người trực tiếp thanh toán toàn bộ tiền hàng trong đó có hàng nhập lậu không có VAT nên không có hợp đồng để phòng kế toán hạch toán vào sổ sách. Vì vậy, số liệu trên ERP lớn hơn rất nhiều trên phần mềm MISA.
Sau khi kết thúc phần tranh luận, các bị cáo đã nói lời sau cùng tại phiên tòa. Phần lớn các bị cáo đều cho rằng mình không cố ý phạm tội. Chỉ đến khi vụ án bị khởi tố, điều tra, các bị cáo mới nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
Các bị cáo cũng nêu thêm một số tình tiết giảm nhẹ của mình như: thành khẩn khai nhận tội, nhận thức pháp luật hạn chế, phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải, hợp tác giúp đỡ các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, hoàn cảnh gia đình khó khăn... và bày tỏ mong muốn được Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo ở mức thấp nhất của khung hình phạt, cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật, sớm quay trở lại làm người có ích cho xã hội.
Chiều 10/5, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.
Kim Anh/TTXVN