A+ A A- Kiểu đọc sách

Xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2 

11:06 08/01/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 8/1, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB – nay là CB) ra xét xử sơ thẩm. 

Đây là giai đoạn hai của vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho VNCB. Ở vụ án này, Phạm Công Danh và đồng phạm bị cáo buộc làm thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng. 

Chú thích ảnh
Dẫn giải bị cáo Phạm Công Danh ra xét xử tại phiên tòa 8/1/2018. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập 29 hồ sơ khống đứng tên vay vốn tại 3 Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV. Số tiền vay được này, ông Danh đem sử dụng mục đích cá nhân, không có khả năng chi trả. 

Chú thích ảnh
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" đối với bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm bắt đầu làm việc (sáng 8/1/2018). Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Ngoài ra, ông Danh cùng đồng phạm dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay nhưng sau đó bị 3 ngân hàng trên thu hồi nợ từ chính số tiền gửi này. Những sai phạm này của Phạm Công Danh và các đồng phạm khiến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng. 

Cũng bị truy tố trong vụ án này, ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sacombank) bị cáo buộc là người đã bàn bạc và thống nhất với Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) cho Phạm Công Danh vay tiền qua các công ty của Danh số tiền 1.800 tỷ đồng. Từ đó, Phan Huy Khang đã chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân cho vay. Hành vi của Trầm Bê và Phan Huy Khang đã giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh phạm tội, gây thiệt hại cho VNCB. 

Chú thích ảnh
Dẫn giải bị cáo Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Sacombank tại phiên tòa ngày 8/1/2018. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Tại phiên tòa này, ngoài 46 bị cáo, Hội đồng xét xử đã triệu tập 127 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong đó đáng chú ý có ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín, tiền thân của VNCB), ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV)… Hơn 70 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và những người liên quan. 

Phiên tòa này được bố trí phòng xử án theo thông tư mới của Tòa án nhân dân Tối cao, với một số điểm đáng chú ý là không có “vành móng ngựa”, luật sư và kiểm sát viên ngồi ngang hàng. 

Phiên tòa dự kiến xét xử đến ngày 7/2.

Nguyễn Chung - TTXVN

Hành trình rút ruột hơn 9.000 tỷ đồng của Phạm Công Danh

Hành trình rút ruột hơn 9.000 tỷ đồng của Phạm Công Danh

Đây là thiệt hại lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch VNCB bị tuyên phạt 30 năm tù.

Đại án OceanBank: Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh 'đùn đẩy' trách nhiệm khoản vay 500 tỷ

Đại án OceanBank: Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh 'đùn đẩy' trách nhiệm khoản vay 500 tỷ

Sau hơn 1 ngày kiểm tra căn cước và đọc cáo trạng, chiều 29/8, phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương - OceanBank) cùng các đồng phạm chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo.

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...