A+ A A- Kiểu đọc sách

Xét xử vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ” tại Tiên Lãng

14:18 02/04/2013
loading...
Sáng 2/4, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử công khai vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ” liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng đất và thu hồi đất tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, xảy ra ngày 5/1/2012.

Hội đồng xét xử gồm 5 vị do Thẩm phán Phạm Đức Tuyên, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng làm chủ tọa.

Các bị cáo: Đoàn Văn Vươn ( thứ hai từ bên trái) và Đoàn Văn Sịnh (thứ tư từ bên trái) trước vành móng ngựa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong số 6 bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa lần này, 4 bị cáo: Đoàn Văn Vươn, sinh năm 1963, Đoàn Văn Quý, sinh năm 1966 (cùng trú tại thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng); Đoàn Văn Sịnh (sinh năm 1957, trú tại thôn Thái Hưng, xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng), Đoàn Văn Vệ (sinh năm 1974, trú ở Khu 3, Thị trấn Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) cùng bị truy tố về tội danh giết người theo điểm d khoản 1, Điều 93 Bộ Luật hình sự.

Hai bị cáo Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970, trú tại thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng), Phạm Thị Báu (tức Hiền, sinh năm 1982, trú tại xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cùng bị truy tố về tội danh chống người thi hành công vụ theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 Bộ Luật hình sự.

Bốn trong số 7 bị hại của vụ án là các cán bộ, nguyên cán bộ huyện Tiên Lãng cũng đã có mặt tại phiên tòa. Ba bị hại khác vắng mặt, có lý do chính đáng.

12 luật sư bào chữa cho các bị cáo và người bị hại; trong đó, 11 luật sư bào chữa cho các bị cáo và 1 luật sư bào chữa cho người bị hại đều có mặt tại phiên tòa.

Phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước cũng đã tới dự và đưa tin về phiên tòa.

Trong buổi xét xử đầu tiên, Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm tra căn cước những người có mặt tại phiên tòa; giải thích quyền, nghĩa vụ của các bị cáo, người bị hại, người làm chứng.

Trong thủ tục bắt đầu phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vươn đã đề nghị thay đổi thành phần Hội đồng xét xử, kiểm sát viên vì cho rằng vụ án này thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử thảo luận và xem xét đề nghị của luật sư. Căn cứ vào các quy định về thẩm quyền xét xử vụ án được quy định tại Pháp lệnh Tổ chức Tòa án Quân sự, các Thông tư Liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Tổ chức tòa án quân sự, Hội đồng xét xử khẳng định, Tòa án Nhân dân Thành phố Hải Phòng thụ lý, xét xử vụ án là đúng quy định của pháp luật; đồng thời căn cứ quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự về những trường hợp thay đổi thành phần Hội đồng xét xử, kiểm sát viên tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã quyết định không chấp nhận đề nghị của luật sư và tiếp tục xét xử vụ án theo thủ tục chung.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hải Phòng thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã tuyên đọc Cáo trạng truy tố các bị cáo.

Theo Cáo trạng, sau khi được Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng giao 21ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc địa bàn xã Vinh Quang (Tiên Lãng) với thời hạn 14 năm (từ ngày 4/10/1993) để nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình đắp bờ, Đoàn Văn Vươn đã lấn chiếm ra ngoài diện tích được giao là 19,3 ha. Sau khi xử phạt hành chính, Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng đã tiếp tục giao bổ sung 19,3 ha cho Đoàn Văn Vươn để nuôi trồng thủy sản với thời hạn sử dụng đến 4/10/2007. Ngày 7/4/2009, Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng ra Quyết định 461/QĐ-UBND thu hồi 19,3 ha trên do hết thời hạn sử dụng. Không đồng ý với quyết định này, Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện lên Tòa án. Tòa án đã thụ lý và tuyên giữ nguyên Quyết định 461 nói trên của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng.

Ngày 24/11/2011, Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 3307/QĐ-UBND về việc cưỡng chế để thi hành Quyết định 461 trước đây và tổ chức thực hiện. Ủy ban Nhân dân huyện cùng lực lượng chức năng đã thông báo, giải thích vận động Đoàn Văn Vươn trước khi cưỡng chế nhưng Đoàn Văn Vươn không chấp hành.

Cáo trạng nêu rõ, căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, vật chứng của vụ án, biên bản thực nghiệm điều tra, biên bản nhận dạng đồ vật, bản kết luận giám định, lời khai của các bị cáo, có đủ cơ sở để xác định: Với mục đích chống đối để không phải giao lại đất, chuyển từ vụ việc dân sự hành chính sang vụ án hình sự, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Thoại, Đoàn Văn Vệ, Phạm Thái đã bàn bạc làm hàng rào, trải rơm, làm mìn tự tạo, chuẩn bị súng bắn đạn hoa cải và đã sử dụng mìn, súng bắn vào những người làm nhiệm vụ bảo vệ và rà phá bom mìn theo sự phân công của Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, hậu quả làm 7 người đang thực thi công vụ bị thương.

Các bị cáo nhận thức rõ việc sử dụng mìn tự tạo, súng bắn đạn hoa cải là vũ khí, vật liệu nổ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người khác, nhưng để đạt được mục đích các bị cáo đã cố ý thực hiện hành vi giết những người thi hành công vụ... Như vậy có đủ cơ sở xác định các bị cáo đã có hành vi đồng phạm tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự.

Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu đã tiếp nhận ý chí của Vươn, Quý, Sịnh về việc chống lại những người thi hành công vụ và có hành vi trực tiếp tham gia làm hàng rào, trải rơm, mua xăng, mua mũ len để tạo điều kiện cho các bị cáo khác thực hiện hành vi chống đối những người thi hành công vụ, do vậy đủ cơ sở xác định các Thương và Báu đã có hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 Bộ luật hình sự.

Đối với Đoàn Văn Thoại và Phạm Thái sau khi gây án bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ lập hồ sơ xử lý sau.

Ngay sau đó, Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi, thẩm vấn để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 2 đến 5/4.

Theo TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...