Xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên tòa
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 6/5, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mở phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (sinh năm 1985, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị kết án tử hình về tội "Giết người" và "Cướp tài sản" vào năm 2008, liên quan đến án mạng 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa phiên xét xử giám đốc thẩm.
Bị án Hồ Duy Hải không có mặt tại phiên xét xử. Phiên tòa theo thủ tục giám đốc thẩm mời đại diện của Tòa án, Viện Kiểm sát, các cơ quan tố tụng các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử của tỉnh Long an, Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan Trung ương và các luật sư tham gia bào chữa vụ án.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến được Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ủy quyền đến tham dự phiên tòa.
Đến dự có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; đại diện Ban Nội chính Trung ương; Cục C01, Bộ Công an. Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ủy quyền đến dự phiên tòa.
Các điều tra viên tham gia điều tra vụ án là ông Lê Thành Trung (hiện là Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An); Nguyễn Văn Linh (hiện là Phó Trưởng phòng PC06, Công an Long An) có mặt tại phiên tòa. Ông Nguyễn Thanh Phong (hiện là Phó Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản, quyết định lệnh tạm giam đối với Hồ Duy Hải) vắng mặt. Các cán bộ giám định hiện trường, bác sỹ khám nghiệm tử thi được Tòa mời đến đều có mặt. Ông Lê Quang Hùng, Thẩm phán phiên tòa sơ thẩm có mặt tại phiên tòa.
Luật sư Nguyễn Văn Đạt và luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) vắng mặt. Người có nghĩa vụ liên quan, cung cấp chứng cứ vụ án là Luật sư Trần Hồng Phong có mặt tại phiên xét xử.
Sau khi thư ký điểm danh các đại điện được mời đến phiên tòa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ông rất tiếc khi một số luật sư, kiểm sát viên... tham gia trong quá trình giải quyết vụ án đã vắng mặt, bởi đây là phiên tòa quan trọng, là dịp cùng nhau trách nhiệm để làm rõ, xem xét lại vụ án.
Mở đầu phiên xét xử giám đốc thẩm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra từ tháng 1/2008, khiến 2 nhân viên Bưu điện Cầu Voi tử vong, gây bức xúc dư luận. Vụ án đã qua 2 cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Sau đó, đã có báo cáo về vụ án đến Văn phòng Chủ tịch nước và có quyết định tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Đến cuối năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mở phiên xét xử giám đốc thẩm để xem xét lại vụ án này.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, nhiệm vụ của phiên giám đốc thẩm là kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính hợp pháp, có căn cứ của các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án và chủ yếu làm rõ những nội dung trong kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Khi cần thiết, những nội dung khác không bị kháng nghị cũng nêu ra để làm rõ tổng quan của vụ án. Ngoài ra, Hội đồng cũng xem xét, làm rõ các chứng cứ, tài liệu mới gửi tới Hội đồng thẩm phán. Nếu những nội dung kháng nghị chưa làm rõ hết thì phiên tòa có thể kéo dài quá 3 ngày.
"Yêu cầu đặt ra với phiên tòa là phải xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện, đúng thủ tục pháp luật trên cơ sở phán quyết chặt chẽ, thận trọng, công tâm, không cho phép sai, oan người có tội, không được làm oan người phạm tội, hoặc bỏ lọt tội phạm" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.
Dự kiến, phiên tòa tiếp tục diễn ra đến ngày 8/5/2020.
Xuân Tùng/TTXVN