loading...
(TT&VH) -Với 38 cửa hàng xăng dầu nằm dọc 240km đường biên giới, mỗi ngày tại Tây Ninh có hàng trăm ngàn lít xăng được vận chuyển trái phép qua Campuchia trong sự kiểm soát có vẻ đuối sức của cơ quan chức năng.
Lối mòn xăng lậu
Theo phản ánh của các đơn vị Công an, Hải quan, Quản lý thị trường... hiện trên địa bàn các xã biên giới, khu vực cửa khẩu của tỉnh Tây Ninh, nhất là 2 xã Tân Lập (huyện Tân Biên) và Tân Hà (huyện Tân Châu) hoạt động buôn lậu xăng dầu đang có chiều hướng tăng và phức tạp trở lại, do giá xăng bán tại Việt Nam và Campuchia chênh lệch nhau từ 4.000 đồng đến 4.500 đồng/lít.
Theo nguồn tin của một cán bộ quản lý về xăng dầu, hiện nay trên tuyến biên giới Tây Ninh có 38 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có nhiều cây xăng thuộc tại hai điểm nóng trên đã bán ra bình quân 15.000 lít/ngày. So với nhu cầu sử dụng của dân cư tại chỗ thì hơn 2/ 3 lượng xăng dầu kể trên đã “chảy” qua biên giới. Đối tượng vận chuyển xăng, dầu lậu vẫn là cư dân biên giới với nhiều thủ đoạn: Thiết kế lại bình chứa dầu của xe máy cày, gia cố xe gắn máy, dùng can nhựa từ 20 - 30 lít... vận chuyển bằng phương tiện xe gắn máy, theo các đường mòn biên giới chủ yếu vào ban đêm để đưa sang Campuchia.
Người ta tìm mọi cách để buôn lậu xăng dầu
Ông Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết: Khu vực cửa khẩu Xa Mát thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên và Ngã 3 Xe cháy thuộc xã Tân Hà, huyện Tân Châu là hai địa điểm nóng nhất về xăng dầu lậu. Tại hai địa điểm này thường xuyên xuất hiện một đội quân “cửu vạn” có từ vài chục đến trên 100 người chuyển xăng qua biên giới bằng các tuyến đường mòn, đường tiểu ngạch. Mỗi chuyến vận chuyển bằng xe gắn máy không biển số có sức chở từ 6 đến 10 can nhựa, mỗi can chứa từ 20 đến 30 lít xăng.
Trước đây buôn lậu còn lén lút vận chuyển vào ban đêm hoặc thứ Bảy, Chủ nhật, nhưng hiện nay hoạt động này rất công khai bất kể ngày đêm, không có quy luật, có người dò đường, thông tin bằng điện thoại di động. Để đối phó với cơ quan chức năng, các cửa hàng xăng dầu dùng chiêu “lách quy định” bằng cách che chắn phía trước mặt tiền và bơm xăng vào xô nhựa thay vì can nhựa cho lái buôn như trước đây. Sau đó hàng trăm xô xăng sẽ được chuyển đến nơi kín đáo để đổ vào can rồi chuyển lậu qua bên kia biên giới. Khi bị truy đuổi, đội quân “cửu vạn” sẵn sàng đổ xăng xuống đất để phi tang. Thậm chí, họ còn dọa sẽ châm lửa khi lực lượng chống lậu lại gần.
Máy cày mua xăng ở cửa khẩu
Chiều qua 14/5, trao đổi qua điện thoại, Bình, một tay trùm buôn lậu xăng huyện Tân Châu nói thẳng: Chủ yếu đánh lẻ, bằng cách thuê người chuyển xăng qua Campuchia bằng xe Honda. Có bị bắt thì chủ và người vận chuyển cùng chia đôi số tiền 6 triệu/xe. Nếu làm ăn lớn phải như cây xăng tại cửa khẩu Chàng Riệc, mỗi ngày xuất qua Campuchia cả một xe bồn đầy xăng. Một cán bộ Cục Hải quan Tây Ninh đã xác nhận thông tin này và nói thêm rằng lực lượng hải quan đã nhiều lần phục kích để bắt quả tang cây xăng Hoa Ngọc Diệp tại cửa khẩu Chàng Riệc nhưng khó xử lý vì người mua xăng điều hẳn 2 chiếc máy cày thay phiên nhau ra mua xăng, sau đó chạy vào một nhà dân gần đó, chiết xăng sang can nhỏ.
Một vụ án buôn lậu xăng dầu đã xét xử năm 2006
Đến đêm, xăng mới được chuyển qua biên giới. Buổi chiều hàng ngày, chiếc xe bồn biển số 57K-091... vẫn đều đặn chở xăng cho cây xăng này. Lực lượng chức năng biết hết nhưng khó xử lý vì theo quy định, khi các đối tượng mua xăng đổ vào can ngay tại cây xăng thì mới xử lý được. Hơn thế nữa, cây xăng này nằm trên vùng biên giới nên lực lượng hải quan cũng như quản lý thị trường muốn xử lý cũng khó vì vướng quy chế vùng biên. Tại cửa khẩu quốc tế Xa Mát, lực lượng cửu vạn khi nhận xăng xong sẽ lên đường, xuyên qua các vườn cao su, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát để lên biên giới.
Hoạt động này lực lượng chức năng rất khó phát hiện, vì bọn buôn lậu có người trinh sát trước, nếu bị động thì tẩu tán ngay ra rừng trốn tránh. Lý giải về tình trạng buôn lậu xăng dầu hoành hành ngày càng gia tăng trên tuyến biên giới, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Tây Ninh cho rằng: tuy ngành chức năng của tỉnh rất tích cực, nhưng lực lượng lại quá mỏng, trong khi chính quyền địa phương huyện, xã và lực lượng chốt giữ biên giới lại lơ là, có hiện tượng “xả cảng” nên công tác chống xuất lậu xăng dầu qua biên giới còn hạn chế, kém hiệu quả.
Giang Thắng
loading...