A+ A A- Kiểu đọc sách

Vụ 'Cố ý làm trái' tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Không có Thư bảo lãnh, vẫn cho vay hàng trăm tỷ đồng

08:26 06/09/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Công ty cho thuê tài chính II (viết tắt là ALC II, trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank) sắp được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử vào ngày 18/9 tới, các bị cáo bị xác định là đã cấu kết làm thất thoát gần 1.700 tỷ đồng của Nhà nước.

Ngày 18/9, xét xử nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đồng phạm

Ngày 18/9, xét xử nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đồng phạm

Ngày 18/9 tới, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Công ty cho thuê tài chính II (viết tắt là ALC II, trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank). Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 1 tuần, từ ngày 18 đến ngày 24/9.

Để thực hiện được hành vi này, bất chấp các quy định pháp luật, các bị cáo đã cố ý làm trái, cho vay khi pháp luật không cho phép; không có Thư bảo lãnh, không đủ thủ tục nhưng vẫn ký quyết định cho vay hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước…

Cho vay 530 tỷ đồng không cần Thư bảo lãnh

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được sử dụng nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi của Quỹ bảo hiểm xã hội để đầu tư, tăng trưởng. Việc đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội phải được thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và các quy định khác.

Ngày 1/1/2007, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực, theo quy định tại Điều 79 của luật này và các quy định khác thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ được cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại nhà nước vay vốn. ALC II là tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Pháp luật không cho phép ALC II vay vốn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cũng không cho phép Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho ALC II vay vốn.

Chú thích ảnh
Ông Lê Bạch Hồng thời làm thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, vào tháng 2 và 3/2008, do có nhu cầu về vốn kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê tài chính, ông Vũ Quốc Hảo (khi đó là Tổng Giám đốc ALC II) đã gặp Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) và Nguyễn Phước Tường (sinh năm 1951, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư, kiêm Kế toán trưởng Bảo hiểm xã hội Việt Nam) để đặt vấn đề vay vốn. Hai bên đi đến thống nhất rằng để được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho vay vốn, ALC II phải có sự bảo lãnh của Agribank. Tháng 3 và 4/2008, ông Hảo ký hai công văn gửi Tổng Giám đốc Agribank đề nghị được vay tiền của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Căn cứ vào đề nghị của ALC II, ông Nguyễn Thế Bình (khi đó là Tổng Giám đốc Agribank) đã ký phát hành ba Thư bảo lãnh thanh toán để ALC II được nhận vốn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Việc cho vay vốn này bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định là không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội, trái với Điều 96, Điều 97 – Luật Bảo hiểm xã hội 2006…

Cụ thể, ông Nguyễn Thế Bình đã ký phát hành ba Thư bảo lãnh gồm: ngày 13/3/2008, phát hành Thư bảo lãnh thanh toán số 800 với nội dung bảo lãnh cho ALC II nhận 500 tỷ đồng; ngày 22/4/2008, phát hành Thư bảo lãnh thanh toán số 1441 với tổng số tiền 800 tỷ đồng; ngày 22/10/2008, phát hành Thư bảo lãnh thanh toán số 4407 với nội dung bảo lãnh cho ALC II nhận 400 tỷ đồng. Thư bảo lãnh thanh toán số 4407 thay thế cho hai Thư bảo lãnh thanh toán số 800 và số 1441. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cho ALC II vay tổng cộng 480 tỷ đồng, vượt 80 tỷ đồng so với nội dung Thư bảo lãnh số 4407 nêu trên.

Ngày 27/10/2008, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận được Thư bảo lãnh số 4407 của Agribank theo đường bưu điện. Bộ phận Văn thư thuộc Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận văn bản, vào sổ Văn thư đến số 3214. Cùng ngày, 27/10/2008, Trần Thị Thanh Thủy (nguyên là chuyên viên, sau là Phó Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp thuộc Ban Kế hoạch - Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã nhận Thư bảo lãnh này và ký nhận tại sổ chuyển giao công văn. Nhưng sau đó, Thủy đã làm thất lạc Thư bảo lãnh và không trình lên lãnh đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xử lý. Tuy nhiên, sau đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn tiếp tục cho ALC II vay 530 tỷ đồng.

Năm 2010, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an yêu cầu) thì Thủy đã tìm thấy Thư bảo lãnh số 4407 này được lưu tại cặp công văn ngân hàng đến.

Thất thoát gần 1.700 tỷ đồng của Nhà nước

Theo Viện Kiểm sát, từ tháng 4/2008 đến tháng 8/2009, các cán bộ Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã lập 14 tờ trình đề nghị Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho ALC II vay vốn từ Quỹ bảo hiểm xã hội. Sau khi được Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng bút phê "đồng ý", Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký 14 hợp đồng cho ALC II vay vốn từ Quỹ bảo hiểm xã hội trái quy định với tổng số tiền là 1.010 tỷ đồng.

Tính đến khi ALCII bị phá sản, Công ty này mới thanh toán cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam một phần tiền gốc và một phần tiền lãi; còn nợ Bảo hiểm xã hội Việt Nam số tiền tổng cộng là hơn 1.697 tỷ đồng (bao gồm hơn 769 tỷ đồng tiền gốc và hơn 928 tỷ đồng tiền lãi). Số tiền còn nợ này, ALC II không có khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.697 tỷ đồng.

Trong vụ án này, nguyên đơn dân sự là Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị Agribank có trách nhiệm bảo lãnh và bồi thường thiệt hại dân sự cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhưng không ghi rõ số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vấn đề này hiện có tranh chấp giữa ALC II, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Agribank trong quá trình giải quyết theo thủ tục phá sản đối với ALC II.

Theo quy định tại Điều 30 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự”. Do vậy, việc xác định bồi thường thiệt hại dân sự cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết trong phiên tòa tới.

Trong quá trình điều tra vụ án Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tài sản cùa Nhà nước. Trong đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng bị kê biên thửa đất có diện tích 65,9m2 và nhà ở gắn liền với đất tại phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), thửa đất có diện tích 130m2 và nhà ở gắn liền với đất ở phường Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) và bị Cơ quan điều tra phong tỏa hơn 178 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.

Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) bị kê biên thửa đất có diện tích 55,5 m2 và tài sản gắn liền với đất tại phố Hai Bà Trưng (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Kim Anh/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...