loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 10/9, hãng sản xuất ô tô Volkswagen (VW) của Đức đã lần đầu tiên ra tòa tại nước này để đối mặt với yêu cầu bồi thường 9,2 tỷ euro (khoảng 10,6 tỷ USD) của các nhà đầu tư, liên quan tới vụ bê bối gian lận khí thải từng làm rung chuyển ngành sản xuất ô tô hồi năm 2015.
Phiên tòa tại tòa án khu vực Brunswick (Brun-xơ-uých) bắt đầu vào 10h sáng 10/9 (giờ địa phương) với sự tham gia của khoảng 50 luật sư đại diện cho VW, các cổ đông của VW cùng hàng chục nguyên đơn và người quan tâm tới vụ việc. Các nhà đầu tư đưa ra 1.670 yêu cầu bồi thường đối với việc cổ phiếu VW trượt giá 40% chỉ trong 2 ngày của tháng 9/2015, vài ngày sau khi chính quyền Mỹ tố cáo VW gian lận khí thải, gây tổn thất lên tới hàng tỷ USD cho các nhà đầu tư. Theo lập luận của bên nguyên, thiệt hại này đáng lẽ có thể tránh được nếu các lãnh đạo của VW thông báo sớm cho bên đầu tư về vụ gian lận. Theo đó, VW đã vi phạm trách nhiệm pháp lý phải chia sẻ thông tin có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu sớm nhất có thể cho các nhà đầu tư.
Trong khi đó, VW quy kết trách nhiệm cho một nhóm kỹ sư đã tự ý hành động và cài đặt thiết bị gian lận khí thải mà không thông báo tới lãnh đạo. Ngoài ra, VW cho biết những thông tin mà ban lãnh đạo có trong tay trước những tố cáo của Mỹ là "không đầy đủ" để đưa ra cảnh báo cho các thị trường vốn. Phán quyết của tòa đối với vụ việc này dự kiến sẽ có vào năm sau.
Vụ bê bối gian lận khí thải của VW bị phanh phui từ tháng 9/2015, theo đó VW đã sử dụng thiết bị điều chỉnh thông số thải khí cho 11 triệu xe chạy động cơ diesel trên toàn thế giới để các xe này có thể thuận lợi vượt qua các bài kiểm tra khí thải. Cho đến nay, VW tốn khoảng 27 tỷ euro để xử lý hậu quả của vụ việc nghiêm trọng này. Tuy nhiên, cho đến nay, các cuộc điều tra đối với bê bối khí thải của VW vẫn chưa thể đi đến hồi kết và đang tiếp tục mở rộng. Rupert Stadler (Ru-pớt Stắt-lơ), Giám đốc điều hành của Audi, một công ty con của VW, đang bị bắt giam do tình nghi gian lận và làm giả giấy tờ chứng nhận cho các xe của hãng. Trong khi đó, Daimler, nhà sản xuất Porsche và Mercedes-Benz trực thuộc VW, cùng công ty cung cấp linh kiện ô tô Bosch đang nằm trong diện theo dõi của cơ quan chức năng.
Vụ gian lận của VW cũng đã thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) thắt chặt hơn các cuộc kiểm tra khí thải ô tô với những quy định mới bắt đầu có hiệu lực trong tháng này. Bên cạnh đó, nhiều tòa án của Đức cũng yêu cầu nhiều thành phố trong nước đẩy mạnh làm sạch bầu không khí.
TTXVN
Ngày 4/8, Giám đốc điều hành hãng sản xuất ôtô Volkswagen (VW) Oliver Schmidt đã nhận tội tại tòa án khu vực Detroit, Mỹ, trong vụ bê bối gian lận khí thải liên quan tới hãng này.
loading...