Vĩnh Phúc tháo 'điểm nghẽn' về giải phóng mặt bằng
(Thethaovanhoa.vn)- Trong các giải pháp cấp bách để thúc đẩy tăng trưởng KT-XH năm 2020 mà tỉnh Vĩnh Phúc mới đề ra gần đây có vấn đề được đặc biệt lưu ý, đó là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), được coi như khâu đột phá bởi giải quyết được nó không chỉ ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư, mà còn đem lại niềm tin vào nỗ lực của cả hệ thống chính trị đối với người dân địa phương.
Năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra đúng thời điểm các địa phương đang đẩy mạnh tập trung cho công tác đại hội đảng bộ cơ sở nên ít nhiều có phần ảnh hưởng tới tiến độ GPMB trên địa bàn tỉnh, dẫn đến hệ quả là nhiều địa phương không đạt kế hoạch đề ra.
Nhận thấy những tác động tiêu cực khó lường nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm giải quyết các vướng mắc trong GPMB dự án như Văn bản số 3201 của UBND tỉnh về việc thống nhất quy trình di chuyển hoàn trả một số công trình trên đất phục vụ công tác GPMB các dự án theo tuyến (như di chuyển công trình điện, nước, công trình thủy lợi...) để cắt giảm thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian quyết định giá đất cụ thể trong tính bồi thường tại các dự án.
Tiếp đó, ngày 29/4/2020, UBND tỉnh lại ban hành Quyết định số 20 về việc ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh...
Hàng tháng, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đều họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh được giao theo dõi dự án thường xuyên chủ động họp đôn đốc, kiểm điểm tiến độ các dự án nhằm kịp thời chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong GPMB.
Đánh giá chung cho thấy, hiện công tác GPMB còn vướng mắc chủ yếu liên quan đến các dự án cũ phải bố trí tái định cư và các dự án phải di chuyển phần mộ; đơn giá GPMB đã được xây dựng từ năm 2014 đến nay không còn phù hợp với giá cả hiện tại...
Để tháo gỡ vướng mắc trên, tỉnh đã yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình triển khai các dự án, chủ động quy hoạch các khu tái định cư tập trung để phục vụ các dự án trên địa bàn, riêng UBND thành phố Vĩnh Yên và UBND thành phố Phúc Yên phải xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện theo quy định để đầu tư khu tái định cư tập trung ngay trong năm 2020. Trường hợp địa phương có quỹ đất ở phù hợp cho việc tái định cư thì ưu tiên xem xét điều chỉnh chuyển sang quỹ đất tái định cư...
Đối với Khu công nghiệp Chấn Hưng, UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ 7 triệu đồng/sào đất nông nghiệp cho các hộ dân bị thu hồi để làm khu đất dịch vụ Cầu Tây thuộc xã Chấn Hưng. Nhiệm vụ còn lại, UBND huyện Vĩnh Tường phải xây dựng phương án hỗ trợ đến từng hộ gia đình, cá nhân và ban hành quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ theo quy định để làm căn cứ chi hỗ trợ xong trong tháng 7/2020 và gửi quyết định đến cơ quan chức năng để làm thủ tục ứng vốn.
Đối với Khu công nghiệp Tam Dương II - Khu B, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương và Tam Đảo xây dựng kế hoạch tiếp tục GPMB; rà soát nhu cầu vốn cho GPMB các dự án trên, chủ động làm việc với Quỹ phát triển đất tỉnh để ứng vốn thực hiện công tác GPMB dự án. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Quỹ phát triển đất tỉnh ưu tiên giải quyết ứng vốn cho các huyện trên để đẩy nhanh tiến độ thực hiện BT-GPMB Khu công nghiệp Chấn Hưng và Khu công nghiệp Tam Dương II - Khu B.
Đối với dự án Trung tâm lễ hội Tây Thiên, đây là dự án kéo dài từ năm 2009, có quy mô sử dụng đất lớn với nhiều loại đất đất rừng trồng, rừng đặc dụng, đất nông nghiệp, đất ở... Đến nay nhiều cơ chế chính sách có sự thay đổi không còn phù hợp với quy định, đặc biệt là việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, số hộ phải bố trí tái định cư hàng trăm hộ.
Để tháo gỡ vướng mắc, trong tháng 4/2020, UBND tỉnh đã họp và chỉ đạo giao Sở Xây dựng rà soát lại các thành phần, vướng mắc phát sinh, đề xuất các phương án điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Hiện Sở Xây dựng đang xây dưng phương án điều chỉnh, dự kiến báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 7/2020.
Dự án Khu đào tạo vận động viên thể dục thể thao giai đoạn 1 còn 5 hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng do chưa có đất tái định cư (diện tích khoảng l,09 ha) nên chưa thể di dời. Tỉnh yêu cầu huyện Tam Dương sớm hoàn thành khu tái định cư tại xã Kim Long để giao đất tái định cư cho 5 hộ trên trong tháng 7/2020.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2B, đoạn từ Km3 lên thị trấn Tam Đảo hiện còn vướng mắc liên quan đến tái định cư cho 2 hộ dân. Để giải quyết đất tái định cư, ngày 15/4/2020, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất Cung giao thông tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo của Công ty cổ phần Quản lý và sửa chữa đường bộ Vĩnh Phúc giao UBND huyện Tam Đảo quản lý, lập quy hoạch và đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ GPMB cho các hộ dân bị thu hồi đất ở dự án. UBND huyện Tam Đảo có trách nhiệm GPMB và đầu tư khu tái định cư để sớm giao đất ở cho 2 hộ dân này.
Tại Dự án đường Vành đai 3 trong quy hoạch phát triển giao thông Vĩnh Phúc, đoạn từ thị trấn Yên Lạc đến xã Bình Dương hiện còn phải tiến hành GPMB và giao đất tái định cư cho 6 hộ dân với diện tích 540 m2, trách nhiệm thuộc UBND huyện Yên Lạc. UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Yên Lạc phải giải phóng mặt bằng và thông tuyến trước ngày 30/6/2020.
Đoạn qua huyện Tam Dương còn 12 hộ dân có đất ở phải GPMB và giao đất tái định cư. UBND tỉnh giao huyện Tam Dương phải thực hiện xong trong tháng 8 năm 2020. Đối với khu đất tái định cư đã GPMB xong, UBND tỉnh đã chuyển mục đích và giao đất xong cho UBND huyện đầu tư khu tái định cư.
Riêng đoạn qua thành phố Vĩnh Yên có nhiều vướng mắc nhất tuyến. Tỉnh yêu cầu thành phố Vĩnh Yên phải hành động quyết liệt hơn nữa để sớm hoàn thành công tác GPMB xong trong tháng 8/2020...
Với sự chỉ đạo quyết liệt và cụ thể tới từng dự án và giao trách nhiệm cho từng địa phương của tỉnh, tin rằng công tác GPMB trên địa bàn sẽ có những bước chuyển mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi thế cho quá trình phát triển của địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, tăng thu ngân sách, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đề ra năm 2020 trong điều kiện dịch Covid-19 để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Quang Nam