loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/11, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2020.
Khoảng 1,5 triệu người dân Philippines sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca sản xuất sau khi Chính phủ Philippines đạt được một thỏa thuận mua vaccine của hãng này vào đầu tuần trước.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Tính đến nay, dịch COVID-19 đã lây lan ra 218 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 50 triệu người mắc; trên 1,4 triệu người tử vong. Nhiều nước đã phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch sau khi thực hiện mở cửa phục vụ phát triển kinh tế. Tổ chức Y tế thế giới nhận định dịch COVID-19 còn kéo dài đến hết năm 2021 và tiếp tục có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Việt Nam đã trải qua 89 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng nhưng vẫn ghi nhận các ca mắc nhập cảnh về nước và được cách ly ngay. Hoạt động kinh tế - xã hội cơ bản đã quay trở lại như trước thời điểm dịch bùng phát lần thứ 2. Cả nước đang khẩn trương thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Việt Nam bước đầu đã thành công trong việc ngăn chặn dịch COVID-19, không để lây lan ra cộng đồng và cần tiếp tục phát huy, tập trung cao độ ứng phó với tình hình mới trong phòng, chống dịch COVID-19. Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu lớn người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, đặc biệt là công dân Việt Nam ở nước ngoài về quê đón Tết nên các ngành chức năng cần phải nỗ lực rất lớn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho hay, Bộ Y tế đã có chỉ đạo bằng chỉ thị về công tác phòng, chống dịch mùa Đông và mùa Xuân, không chỉ đối với dịch COVID-19 mà đối với cả các dịch bệnh khác.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết, một trong những biện pháp giúp Việt Nam chống dịch COVID-19 nhanh chóng là thực hiện cách ly một cách triệt để, bài bản để cô lập nguồn lây, không cho nguồn lây có cơ hội lây lan ra cộng đồng. Đối với bệnh nhân, ngành y tế đã tổ chức cách ly nghiêm ngặt tại bệnh viện. Riêng đối với các trường hợp F1, khi truy vết đều được nhanh chóng đưa ngay ra khỏi cộng đồng, kiên quyết không cho cách ly tại nhà.
Ông Trần Như Dương cho rằng, một trong những yếu tố thành công của Đà Nẵng trong đợt chống dịch COVID-19 vừa qua là việc chính quyền cương quyết và thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế trong việc thực hiện cách ly tập trung bắt buộc F1. Trong một tháng chống dịch, Đà Nẵng đã huy động, tận dụng mọi nguồn lực cả ở thành phố cũng như các quận, huyện để thực hiện cách ly tập trung 11.621 trường hợp F1; trong đó, đã phát hiện được hàng trăm ca bệnh dương tính từ những trường hợp F1.
“Chúng ta coi chống dịch COVID-19 như chống giặc nên đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng của ngành y tế hay của chính quyền. Cuộc chiến này cần có sự chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng là một minh chứng cho điều đó”, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương khẳng định.
Võ Văn Dũng - TTXVN
loading...