loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 2/8, theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, thêm 1,188 triệu liều vaccine Vaxzevria phòng COVID-19 từ Cơ chế đảm bảo công bằng vaccine COVID-19 toàn cầu (COVAX) đã về đến Việt Nam, nâng tổng số vaccine mà cơ chế này hỗ trợ cho Việt Nam lên trên 8,681 triệu liều.
Bộ Y tế cho biết, tính từ 6h đến 18h30 ngày 2/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.254 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 4.247 ca trong nước.
"Vaccine phòng COVID-19 là công cụ cứu sống con người, nhưng với nguồn cung hạn chế, biện pháp tốt nhất là ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất", Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phát biểu. "Khi số lượng các ca nhiễm tăng cao, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ và tăng cường nỗ lực tiêm vaccine cho nhân viên y tế, người già, những người có bệnh nền để bảo vệ họ khỏi bị bệnh nặng và tử vong".
Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF cho biết: "Điều quan trọng là các nhóm ưu tiên, bao gồm nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội và giáo viên được tiêm vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo rằng trẻ em có thể trở lại trường học an toàn và được sử dụng các dịch vụ y tế dự phòng cần thiết".
Trong số 8.681.300 liều vaccine do COVAX hỗ trợ Việt Nam, có 5.000.100 liều vaccine Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 3.681.200 liều AstraZeneca.
COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) đồng khởi xướng. UNICEF là đối tác thực hiện chính.
Đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm hơn 6,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 659.064 người đã được tiêm liều thứ hai. Nguồn vaccine bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022.
Nguồn cung vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu hạn chế ảnh hưởng đến việc triển khai tiêm chủng ở nhiều quốc gia. Vì vẫn còn nhiều người vẫn chưa được tiêm phòng, người dân cần tiếp tục thực hiện 5K: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập và Khai báo y tế.
Lô vaccine Vaxzevria lần này (trước đây được gọi là vaccine COVID-19 AstraZeneca) do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Lô hàng này được vận chuyển từ cơ sở sản xuất của Laboratorio Univesal Farma, Tây Ban Nha. Vaccine Vaxzevria COVID-19 đã được WHO cấp phép sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp và đã được tiến hành tiêm thành công tại Việt Nam kể từ tháng 3/2021 dưới tên cũ.
Trong nhiều tháng qua, các đối tác COVAX bao gồm CEPI, GAVI, WHO và đối tác cung ứng UNICEF, đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực sẵn sàng và triển khai vaccine COVID-19 trên toàn quốc. Các đối tác đã hỗ trợ tích cực Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tiêm chủng Quốc gia, vì Việt Nam tham gia cam kết thị trường trước (AMC). AMC là một cơ chế tài chính sáng tạo để giúp đảm bảo tiếp cận toàn cầu và công bằng với vaccine COVID-19.
TTXVN
loading...