loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2017, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác môi trường khu vực Đông Nam Á (ASEAN), thực hiện được nhiều sáng kiến đóng góp tích cực vào các hoạt động này của khu vực.
Năm 2017 cũng là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Đề án Xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/1/2016.
Tổng cục Môi trường đã tổ chức thành công các đoàn tham dự các hội nghị cấp cao như Hội nghị Quan chức ASEAN về môi trường lần thứ 28 tại Philippines; Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 14, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN +3 lần thứ 15 và các Hội nghị liên quan tại Brunei. Thành phố Đà Lạt vinh dự được nhận Giải thưởng thành phố bền vững về môi trường. Thành phố Cần Thơ được nhận Chứng chỉ cho các thành phố tiềm năng.
Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN đã có sáng kiến và cùng quốc gia thành viên ASEAN tổ chức bình chọn các tấm gương có những đóng góp lớn lao cho công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Việt Nam có Giáo sư -Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh nhận danh hiệu “Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN”.
Việt Nam cùng các quốc gia ASEAN đã thông qua Dự thảo Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 phê duyệt. Một số nội dung được thông qua, như Báo cáo hiện trạng môi trường ASEAN lần thứ 5, dự thảo Kế hoạch Chiến lược ASEAN về môi trường 2016-2020; phê duyệt Kế hoạch hành động ASEAN-Trung Quốc về môi trường giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch hành động ASEAN-Liên hợp quốc về Môi trường và Biến đổi khí hậu 2017-2020.
Triển khai các hoạt động trong 7 lĩnh vực môi trường
Năm 2017, hòa nhập và tham gia tích cực vào các hoạt động của khu vực, các nhóm công tác của Việt Nam đã triển khai các hoạt động trong 7 lĩnh vực môi trường. Chủ động tham gia, đóng góp xây dựng Chương trình hợp tác ASEAN về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công trong dự án hợp tác ASEAN- Ấn Độ về đánh giá tác động biến đổi khí hậu tới ASEANT, xây dựng Tuyên bố chung của Lãnh đạo ASEAN về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cũng trong năm 2017, Cục Biến đổi khí hậu đã chủ trì, làm việc với Đoàn công tác của Myanma sang Việt Nam trao đổi, học tập kinh nghiệm về xây dựng chính sách, huy động nguồn lực và thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã cập nhật thông tin, đề xuất các chỉ tiêu đánh giá thuộc kế hoạch hành động hỗ trợ thực hiện các Kế hoạch quản lý khu bảo tồn; thành lập các khu bảo tồn xuyên biên giới đối với các khu vực có giá trị bảo tồn tại các vùng lân cận các nước khác nhau; các biện pháp quản lý và kiểm soát các sinh vật ngoại lai xâm hại tại khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Việt Nam đề xuất các nội dung về bồi hoàn đa dạng sinh học; chi trả dịch vụ hệ sinh thái; các đánh giá về tình trạng phục hồi các hệ sinh thái trong khu vực, kinh nghiệm quốc tế về phục hồi các hệ sinh thái đặc trưng; các nghiên cứu thực tiễn về mối quan hệ giữa sức khỏe con người với đa dạng sinh học; lượng hóa số lượng các vườn di sản mới đề cử giai đoạn 2016-2020, nâng cao nhận thức về chi trả dịch môi trường liên quan đến đa dạng sinh học, bảo vệ và quản lý bền vững các hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực ASEAN góp phần vào cải thiện sinh kế của cộng đồng dân cư địa phương.
Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc), Việt Nam đã đề xuất Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm và duy trì dòng chảy môi trường tại các vùng biển Đông Á thông qua việc triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại 8 nước thành viên ASEAN”. Việt Nam cũng đề xuất việc cải thiện các chỉ số ASEAN về không khí sạch, đất sạch và nước sạch nhằm sửa đổi bộ các chỉ số mới, làm cơ sở cho việc đánh giá toàn diện các tiêu chí về Chương trình thành phố bền vững môi trường.
Nhóm công tác về môi trường ngày càng mở rộng các hoạt động, triển khai nhiều sang kiến có hiệu quả và thiết thực. Một số nội dung hoạt động hợp tác được đánh giá cao như đề xuất đánh giá cơ bản về giáo dục môi trường, giáo dục cho phát triển bền vững trong chương trình quốc gia các nước ASEAN và nâng cao năng lực của các nhà giáo dục, chương trình giáo dục đại học xanh ASEAN, chương trình Giải thưởng trường học sinh thái ASEAN.
Năm 2017, nhóm công tác môi trường ASEAN Việt Nam về chất thải và hóa chất đã hoạt động tích cực, tham gia đầy đủ các chương trình hoạt động của Khu vực. Việt Nam đã thực hiện các trách nhiệm tham mưu, phối hợp với cơ quan nhằm điều phối các hoạt động hợp tác theo phân công trong lĩnh vực về quản lý chất thải và hóa chất, bảo vệ môi trường nói chung, hỗ trợ xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường ASEAN.
Các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng bền vững, ô nhiễm khói mù xuyên biên giới được triển khai mạnh mẽ, như Chương trình các nhà lãnh đạo ASEAN + 3 về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Hội nghị Bộ trưởng các bên tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Đẩy mạnh hợp tác
Hợp tác ASEAN, ASEAN+3 về môi trường ngày càng phát triển toàn diện. Các hoạt động hợp tác về môi trường mang lại cho các quốc gia ASEAN không chỉ các lợi ích vật chất mà còn cả về chính trị, nhất là khi thế giới và khu vực đang diễn ra những biến động chính trị phức tạp.
Năm 2018, Việt Nam tiếp tục tham gia các hoạt động của Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu, xem xét đề xuất đề cương tổ chức khoá đào tạo cho cán bộ đàm phán biến đổi khí hậu trẻ của ASEAN để tìm hỗ trợ từ châu Âu, tăng cường hiểu biết, thống nhất quan điểm giữa các nước thành viên, chia sẻ thông tin, dữ liệu, kinh nghiệm trong việc phát triển dịch vụ thời tiết, khí hậu; ứng dụng mô hình dự báo khi xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu. Các biện pháp thích ứng, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao nhận thức cộng đồng, nhằm tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm và duy trì dòng chảy môi trường tại các vùng biển Đông Á thông qua việc triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại 8 nước thành viên ASEAN” tiếp tục được hoàn thiện, cập nhật dữ liệu về tài nguyên nước định kỳ trên Hệ thống báo cáo và quản lý dữ liệu nước của ASEAN lên trang tin điện tử. Các hoạt động của Công ước về hóa chất và chất thải tiếp tục được triển khai, đặc biệt là việc triển khai các quyết định của các Hội nghị các bên; tham gia mạng lưới chuyên gia hoặc các hoạt động của mạng lưới chuyên gia đối với chất thải điện tử, chất thải hộ gia đình…
Ông Nguyễn Minh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Môi trường cho rằng, năm 2018, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị nhóm công tác về giáo dục môi trường ASEAN lần thứ 10. Để cho công tác chuẩn bị tổ chức được chu đáo và hiệu quả, Việt Nam cần sớm xây dựng kế hoạch tổ chức trình các cấp lãnh đạo xem xét nhằm thông báo cho các nước ASEAN trước tháng 3/2018.
Các hoạt động đối ứng của Việt Nam cần được ưu tiên, tăng cường cả về nhân lực lẫn tài chính trong thời gian tới. Việt Nam cần chủ động, tích cực thực hiện các hoạt động thường niên về môi trường theo kế hoạch của ASEAN, đề xuất các sáng kiến của Việt Nam tại các hội nghị nhằm đạt được hiệu quả trong quan hệ hợp tác ASEAN về môi trường. Việt Nam cần có đại diện tham gia và có tiếng nói trong các hội nghị, diễn đàn khu vực, các nhóm công tác kỹ thuật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên phân bổ đủ kinh phí hàng năm cho việc tham gia các hội nghị, hoạt động của các nhóm công tác ASEAN theo cam kết, bổ sung cán bộ chuyên trách hoạt động hợp tác ASEAN trong 7 lĩnh vực môi trường thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN.
Sáng 16/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam- Phát triển và hội nhập.
Minh Nguyệt
loading...