Vé tàu xe Tết tăng kịch trần
Tăng kịch trần
Ông Lý Trường Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Công ty quản lý bến xe Hà Nội cho biết, đến chiều 29-1, công ty đã nhận được thông báo tăng giá cước đi lại 10 ngày trước và 10 ngày sau Tết Nguyên đán của 15 doanh nghiệp vận tải. Trong đó, mức tăng mạnh nhất thuộc về các tuyến đường dài như công ty TNHH vận tải hành khách Cao Nguyên chạy tuyến Hà Nội- Buôn Mê Thuột tăng từ 730.000 đồng/vé lên mức 1,170 triệu đồng/vé, tức tăng 60,3%; công ty CP vận tải ô tô Lâm Đồng tuyến Hà Nội - Đà Lạt tăng từ 650.000 đồng/vé nằm lên mức 1,040 triệu đồng/vé, tăng 60%...
|
Lý giải về việc tăng giá vé dịp Tết, một chủ doanh nghiệp vận tải cho biết: Để đáp ứng kịp thời nhu cầu của hành khách trong các đợt cao điểm nhất là dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp vận tải phải tăng quay vòng và bổ sung thêm nhiều xe... Nhưng do khách thường chỉ tập trung đông ở một chiều trong khi chiều còn lại đa phần xe phải chạy rỗng, vì vậy doanh nghiệp phải tăng giá vé chiều đông để bù lỗ cho chiều vắng. Số tiền tăng lên được gọi là phí phụ thu. Phí này chỉ phát sinh trong đợt cao điểm và sau Tết sẽ trở về theo giá ban đầu. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành vận tải, thực tế hành khách đi lại dịp Tết năm nay cũng không đông hơn nhiều so với ngày thường. Hầu hết các doanh nghiệp viện vào lý do này để kiếm thêm, bù lỗ cho tháng thấp điểm trước đó mà thôi.
Không tăng giá vé không huy động xe?
Trước đó, theo Thông tư liên tịch số 129 ban hành năm 2010 giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính nêu rõ: Doanh nghiệp được tăng giá cước sau khi đã kê khai với Sở Tài chính và Sở GTVT. Sau 3 ngày, cơ quan chức năng không có phản hồi, thì doanh nghiệp được quyền áp dụng giá cước mới. Tuy nhiên, Thông tư lại không nêu rõ doanh nghiệp được tăng tối đa bao nhiêu phần trăm so với giá vé hiện tại, vô tình đã tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp vận tải tăng giá vé mỗi dịp lễ, Tết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, theo quy định chung của Nhà nước, trong dịp Tết, doanh nghiệp vận tải được phép tăng giá cước không quá 60% so với ngày bình thường đã được thực hiện nhiều năm nay để bù đắp cho các đơn vị vận tải khi họ phải chạy rỗng, trong dịp lễ dịp Tết hành khách đi lại lệch chiều rất lớn. Do vậy, các đơn vị vận tải tăng giá cước thì chỉ được tăng trong mức cho phép.
Ông Quyền lấy dẫn chứng, trước Tết chiều từ Nam ra Bắc rất nhiều nhưng chiều ngược lại thì ít. “Nếu không cho phép tăng giá như vậy thì các doanh nghiệp vận tải cũng không chịu tăng cường phương tiện, không tăng chuyến thì sẽ khó đáp ứng được nhu cầu hành khách lớn”!, ông Quyền chia sẻ. Thực tế, doanh nghiệp tăng giá vé cũng phải tính toán vì tăng đến một mức nhất định hành khách có thể chấp nhận được, còn nếu tăng quá cao thì hành khách sẽ không nghe. Song, không biết cơ quan chức năng, quản lý cố tình hay vô tình không hiểu, đi lại dịp Tết Nguyên đán gần như hành khách không có sự lựa chọn. Cả năm chỉ có một dịp sum họp gia đình, ai cũng phải về quê, vậy nên dù đắt hay rẻ, chất lượng không tương xứng với giá vé thì họ vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận. Đó còn chưa kể tình trạng tăng giá vé, nhồi nhét hành khách vô tội vạ dọc đường.
Theo Ngân Tuyềt
An ninh thủ đô