Tỷ giá USD/VND biến động mạnh
Trong hơn một tuần trở lại đây, tỷ giá USD/VND trên thị trường ngân hàng liên tục biến động mạnh.
Mức thay đổi với “biên độ” lên tới trên 100 VND trong khoảng 10 ngày qua của tỷ giá USD/VND là một khác biệt so với sự ổn định tương đối trong hơn một tháng trước đó.
Theo mức niêm yết của các ngân hàng thương mại, giá bán ra của đồng USD trong thời gian trên có thời điểm tăng trên 130 VND so với đầu tháng, nhưng cũng nhanh chóng giảm khoảng 110 VND chỉ sau hai ngày giao dịch.
Cụ thể, tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường ngân hàng, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong ngày 12/9 chỉ ở mức 16.610 VND/USD (giá bán ra). Liên tiếp trong tuần vừa qua, mức giá này tăng mạnh và khá cao so với thời điểm cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Cụ thể, trong ngày 18/9, giá bán ra là 16.650 VND/USD; ngày 19/9 lên mức cao nhất trong hơn một tháng qua và có xu hướng về gần mức cuối tháng 7 với 16.740 VND/USD. Đáng chú ý là mức tăng gần 100 VND qua một ngày được xem là một “hiện tượng” trong diễn biến khá ổn định trước đó.
Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, mức tăng của tỷ giá trong ngày 19/9 là “do ảnh hưởng từ biến động trên thị trường quốc tế”. Đây cũng là thời điểm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính từ Mỹ thể hiện rõ. Tuy nhiên, ảnh hưởng đó chưa gây xáo trộn lớn trên thị trường tiền tệ Việt Nam và mức độ ảnh hưởng còn có những đánh giá khác nhau.
Nguyên nhân cụ thể của đợt tăng nói trên trước hết là từ tín hiệu nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Nếu đầu tháng 9, tỷ giá này theo công bố của Ngân hàng Nhà nước chỉ ở mức 16.495 VND/USD thì đến trung tuần tháng 9 liên tiếp được điều chỉnh lên, đến ngày 22/9 là 16.516 VND/USD. Với cơ chế thực hiện theo biên độ (+/-2%), tỷ giá của các ngân hàng thương mại cũng “bắt” theo tín hiệu này.
Ngoài ra, trong thời điểm đó, thông tin Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua vào ngoại tệ điều tiết cung – cầu trên thị trường cũng đã có tác động nhất định.
Tuy nhiên, trong hai ngày giao dịch vừa qua, bên cạnh tín hiệu giảm nhẹ của tỷ giá bình quân liên ngân hàng, giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại đã đột ngột giảm mạnh, từ mốc 16.740 VND xuống chỉ còn 16.630 VND/USD trong ngày 24/9, về gần mức sàn cho phép (16.183 VND). Một lần nữa tỷ giá cho thấy khả năng có thể thay đổi lớn.
Về diễn biến sụt giảm của hai ngày qua, có thể xét đến một tác động đáng chú ý là tốc độ của nhập siêu trong tháng 9 đã giảm mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, ước tính nhập siêu trong tháng 9 chỉ ở mức 500 triệu USD, chỉ bằng khoảng 1/3 so với những tháng đỉnh điểm đầu năm và là tháng thứ tư liên tiếp nhập siêu chỉ ở dưới mức 1 tỷ USD. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng nhập siêu chỉ ở khoảng 15,8 tỷ USD; mục tiêu kiềm chế dưới 20 tỷ USD năm nay đang ở trong khả năng hiện thực.
Diễn biến giá USD bán ra của ngân hàng thương mại từ đầu tháng 9/2008 (Đơn vị: VND)
Trên thị trường, một số nguồn tin gần đây phản ánh lượng cung ngoại tệ có dấu hiệu dư thừa. Một “kênh” tham khảo là tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do vẫn thấp hơn tỷ giá của các ngân hàng thương mại. Trong tuần qua, theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trên thị trường tự do chỉ ở quanh mức 16.600 - 16.630 VND/USD.
Về tính thời điểm, đây là mùa các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu để chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cuối năm, cầu ngoài tệ có thể tăng lên. Nhưng đây cũng là thời điểm thị trường bắt đầu bước vào mùa kiều hối (một số dự báo gần đây đề cập đến khả năng đạt 8 tỷ USD trong năm nay), cung ngoại tệ dự báo tiếp tục thuận lợi.
Trước những diễn biến trên, tỷ giá USD/VND đang cho thấy khả năng có thể tạo biến động mạnh, ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Và với biên độ tỷ giá đã được nới rộng (lên +/-2% từ ngày 27/6 vừa qua), dự báo sẽ tiếp tục nới rộng trong tương lai, ảnh hưởng đó sẽ càng lớn hơn. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm tới vấn đề bảo hiểm rủi ro tỷ giá.
Theo phân tích của một chuyên gia ngân hàng, hiện tỷ giá USD/VND và các loại ngoại tệ khác liên tục biến đổi khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị thiệt hại trong thanh toán. Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều ý thức được những rủi ro mà họ có thể gặp phải. Thực tế, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp chấp nhận sử dụng các biện pháp bảo hiểm rủi ro tỷ giá.