loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 10/2, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Xanh Greenline DP đã chính thức khai trương tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy từ trung tâm Tp. Hồ Chí Minh, bến Bạch Đằng (Quận 1) đi huyện Cần Giờ và Tp. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Bùi Xuân Cường- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, việc đưa vào khai thác tàu cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Cần Giờ - Vũng Tàu là điểm đến du lịch đường thủy kết hợp công viên Bạch Đằng, góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, khuyến khích phát triển du lịch, đồng thời góp phần giảm tình trạng quá tải của giao thông đường bộ hiệu quả.
Cùng với các phương tiện vận tải khác như xe buýt, du lịch, taxi, xe hợp đồng, trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có nhiều sản phẩm du lịch đường sông được đưa vào sử dụng khai thác hiệu quả, thu hút du khách trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng sống của nhân dân thành phố.
Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, thời gian tới lãnh đạo thành phố quyết tâm, tập trung dồn sức khai thông các tuyến đường thủy rất nhiều tiềm năng, đẩy mạnh phát triển vận tải hàng hóa, vận tải hành khách; trong đó có du lịch đường thủy, thêm sự lựa chọn mới ngoài loại hình đường bộ.
Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung liên kết vùng giao thông ngoài kết nối hệ thống giao thông đường bộ như vành đai 3, vành đai 4, cao tốc đường bộ với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và thông qua các luồng tuyến đường thủy sẽ kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tương lai là kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh cũng kêu gọi, xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng giao thông phương tiện vận tải, đặc biệt là hệ thống giao thông đường thủy nhằm giảm ngân sách nhà nước đầu tư cho loại hình này.
Ông Trần Song Hải- Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Xanh Greenline DP (chủ đầu tư dự án) cho hay, trên tuyến có 10 phương tiện; trong đó gồm 3 tàu loại có sức chở 50 khách; 2 tàu sức loại 96 khách và 3 tàu loại 151 khách.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, số chuyến cùng các phương tiện vẫn hoạt động bình thường và các chính sách khuyến mãi cho từng đối tượng cụ thể cũng sẽ được áp dụng.
Toàn tuyến có cự ly 85 km và lộ trình là trên các đoạn sông rộng, sâu, đảm bảo khả năng khai thác. Theo lộ trình tuyến, điểm đầu từ bến Bạch Đằng đi qua các sông Sài Gòn, Nhà Bè, Long Tàu, Ngã Bảy rồi đến bến Tắc Xuất (huyện Cần Giờ) dự kiến là 90 phút. Sau đó, từ vị trí này sẽ tiếp tục di chuyển qua mũi Gành Rái để tới bến Khu Du lịch cáp treo Hồ Mây (thành phố Vũng Tàu) với thời gian dự kiến là 30 phút.
Khi đưa vào khai thác, giá vé từ bến Bạch Đằng đi bến Tắc Xuất và ngược lại như sau: Người lớn: 200.000 đồng/lượt. Cán bộ, công chức công tác tại huyện Cần Giờ, người dân có hộ khẩu thường trú tại Cần Giờ, trẻ em từ 6-11 tuổi có người lớn đi kèm, người già trên 62 tuổi được giảm 50% giá vé (100.000 đồng).
Riêng những hành khách là Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người tàn tật, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được miễn vé. Còn giá vé đi từ bến Tắc Xuất (huyện Cần Giờ) đi đến Hồ Mây (thành phố Vũng Tàu) và ngược là 100.000 đồng.
Đến sáng 6/2, tàu cao tốc Savanna tuyến Phú Quý-Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận bị sóng đánh chìm vào ngày 3/1 đã được kéo vào neo đậu an toàn tại cảng Phan Thiết.
TTXVN/Hoàng Hải
loading...