Trung Quốc chưa tắt tham vọng đường sắt cao tốc
(TT&VH) - Giới chức Trung Quốc vừa quyết định tạm đình chỉ mọi kế hoạch xây mới đường sắt cao tốc, theo sau vụ tai nạn giữa 2 đoàn tàu cao tốc làm hàng chục người thiệt mạng. Giới phân tích cho rằng đây là một bước lùi của Trung Quốc, nhưng sẽ không thể dập tắt tham vọng xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao ra nước ngoài, trong đó tàu cao tốc đang là mũi nhọn tiên phong.
6 tháng trước, chương trình đường sắt cao tốc được xem là biểu tượng thành công và nền tảng cho một ngành công nghiệp xuất khẩu công nghệ cao đang manh nha tại Trung Quốc. Nhưng sau vụ đụng tàu diễn ra hồi tháng 7 vừa qua làm 40 người thiệt mạng, cơn sốt đường sắt cao tốc ở Trung Quốc dường như đã lắng xuống.
Khi tàu cao tốc bị "chê"
Mới đây Bắc Kinh đã yêu cầu đình chỉ việc xây dựng toàn bộ các tuyến đường sắt cao tốc mới. “Chúng tôi sẽ tạm thời dừng việc thẩm tra và cấp phép thực hiện các dự án xây dựng đường sắt mới”, tuyên bố của Quốc vụ viện Trung Quốc có đoạn viết. Cùng với việc dừng xây mới, các tuyến đường sắt cao tốc cũng buộc phải tiến hành đồng bộ những biện pháp kiểm tra an toàn.
Đây có thể xem là bước tụt lùi rất lớn với một dự án từng được đánh giá là niềm tự hào quốc gia, ngang với chương trình chinh phục vũ trụ. Xianfang Ren, kinh tế gia trưởng tại công ty IHS Global Insight cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện đang quyết định xem có cần "chỉnh sửa lại" việc phát triển quá nhanh, mạnh của đường sắt cao tốc hay không. "Rõ ràng trong lúc này việc hãm phanh dường như là lựa chọn tốt nhất" - ông nói.
Sự ủng hộ tàu cao tốc đã bắt đầu giảm đi từ tháng 2 năm nay, sau khi Bộ trưởng Đường sắt Liu Zhijun mất ghế vì bê bối tham nhũng. Báo chí Trung Quốc sau đó bắt đầu đưa tin về các chi phí vượt quá ngưỡng, như một dấu hiệu cho thấy quan điểm chính thức đang nghiêng về phía chống lại tàu cao tốc.
Gần đây nhất, vào cuối tuần trước, kênh truyền hình CCTV đã phát đi các hình ảnh về một chung cư nằm gần một cầu cạn của đường tàu cao tốc tại tỉnh An Huy. Trong phóng sự, cư dân đã than phiền về tiếng ồn mỗi khi tàu chạy qua và những hư hại nó gây ra cho tài sản của họ.
Lỗi một phần từ chính sách
Vụ tai nạn đâm tàu là một bằng chứng cho thấy phần nào điểm yếu trong những dự án phát triển nhận được sự đỡ đầu của chính phủ. Tại Trung Quốc, chính phủ lên kế hoạch phát triển cho nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp tới năng lượng sạch, máy tính và cam kết sẽ đổ tiền vào các hoạt động nghiên cứu và những hình thức hỗ trợ khác.
Điều này dẫn tới những phàn nàn rằng hoạt động ra quyết định phát triển đất nước đã bị chính trị hóa, thường bỏ qua các yếu tố môi trường, chi phí và gây lãng phí nguồn tài chính công. Tỉ dụ như Trung Quốc từng đề xuất phát triển về một chuẩn điện thoại di động của riêng nước này và kết quả là chỉ thu hút rất ít người dùng quốc tế sử dụng.
Trước khi vụ tai nạn xảy ra, tàu cao tốc cũng là mục tiêu bị chỉ trích. Người ta nói rằng các con tàu này chạy quá nhanh, vượt cả ngưỡng an toàn, quá đắt tiền trong một xã hội nơi đại đa số người nghèo vẫn cần các phương tiện giao thông có giá rẻ, chứ không phải tốc độ ghi kỷ lục thế giới.
Các cảnh báo do giới chuyên gia đã khiến Trung Quốc phải giảm bớt tốc độ hoạt động của tàu cao tốc hồi tháng 4 vừa qua, từ 350km/h xuống còn 300km/h. Tuần này chính phủ tiếp tục giảm tốc độ các con tàu cao tốc vẫn hoạt động ở mức 250km/h xuống còn 200km/h.
Trong ngày 12/8, công ty sản xuất tàu cao tốc lớn thứ hai Trung Quốc, China CNR, cũng thông báo thu hồi 54 tàu cao tốc trên tuyến đường sắt Bắc Kinh – Thượng Hải. Các con tàu này thuộc mẫu CRH380BL, đã thường xuyên tới bến chậm giờ vì hư hỏng thiết bị. Việc thu hồi để giới chuyên gia kiểm tra xem các cảm biến trên tàu có bị hư hỏng hay đã hoạt động quá nhạy, dẫn tới hiện tượng cả đoàn tàu thường dừng lại một cách không cần thiết.
Sẽ không có gì thay đổi?
Zhao Jian, một chuyên gia đường sắt tại Đại học Giao thông Trung Quốc nói rằng những thay đổi này có thể lập tức giải quyết các vấn đề của đường sắt cao tốc, nhưng không thay đổi được tư duy phát triển ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
"Tôi không thấy dấu hiệu nào về việc Chính phủ sẽ mở rộng việc kiểm tra sang các lĩnh vực khác ngoài đường sắt cao tốc và xa xôi hơn là thay đổi mô hình phát triển đất nước" - ông nói.
Nhưng ngay cả việc xem xét đánh giá lại chương trình đường sắt cao tốc cũng có thể không mang tới thay đổi gì đáng kể. Trung Quốc đang có 13 tuyến đường sắt cao tốc đang hoạt động và 26 tuyến đang được xây dựng. Người ta cũng lên kế hoạch xây thêm 23 tuyến nữa trong tương lai. Các kế hoạch ban đầu kêu gọi việc mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc lên 16.000km trong năm 2020.
Bắc Kinh hiện còn đẩy mạnh việc tiếp thị công nghệ đường sắt cao tốc ra nước ngoài. Họ đã bán tàu cho Malaysia và đang tham gia đấu thầu xây đường sắt cao tốc ở Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi cũng như tại Mỹ.
Ren nói rằng những kế hoạch đầy tham vọng này khó có thể bị đảo ngược chỉ bởi một vụ tai nạn. "Tôi tin rằng cuối cùng Chính phủ sẽ vẫn giữ quan điểm thúc đẩy việc xuất khẩu các mặt hàng tiên tiến như hệ thống đường sắt cao tốc" - bà đánh giá.
Tường Linh