loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều nay (15/6), Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã chủ trì cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc.
Ngày 15/6, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất phê duyệt việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân TP Hồ Chí Minh để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cùng lãnh đạo các Tổng Cục/ Cục/Vụ/Viện liên quan của Bộ Y tế/Bộ Quốc phòng/Bộ Công an/ Bộ Thông tin truyền thông/ Bộ Giao thông vận tải…
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lần này có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta.
“Thời gian qua, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để có các nguồn vaccine phòng COVID-19 nhập khẩu và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vaccine từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vaccine như Nghị quyết 21 của Chính phủ”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, khác với những lần trước, chiến dịch tiêm chủng này có quy mô lớn hơn nhiều nên đòi hỏi có sự tham gia của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, để vận chuyển, bảo quản, phân phối vaccine và tiêm chủng cũng rất cần sự tham gia của nhiều lực lượng.
“Chúng ta sẽ thiết lập 8 kho bảo quản, trong đó 1 kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và 7 kho tại 7 quân khu trong toàn quốc để khi vaccine về sân bay là ngay lập tức vận chuyển về các kho này bảo quản. Các kho đều phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP), từ đó các xe lạnh vận chuyển vaccine toả đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin thêm.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tất cả các điểm tiêm chủng lần này hình thành mạng lưới tiêm chủng trực tuyến, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai các thông tin về số lượng người tiêm, số lượng liều vaccine được sử dụng.
Để làm điều này, theo Bộ trưởng phải đẩy nhanh áp dụng sổ sức khoẻ điện tử, đăng ký tiêm chủng qua app và qua tin nhắn. Mỗi người dân khi nhận được nhắn tin mời đăng ký tiêm thì có tin nhắn phản hồi, để làm sao khi vaccine về thì sẽ có tin nhắn mời người dân đi tiêm. Điều này có nghĩa là mọi thông tin về tiêm chủng phải thể hiện trên hệ thống điều hành tiêm chủng online.
Khi đến tiêm, người dân sẽ check mã QR code và qua khám sàng lọc sẽ điền thông tin vào trường ứng dụng có sẵn. Khi đạt yêu cầu về sức khoẻ thì tiêm và điền vào mục đã tiêm chủng. Như vậy sẽ tiến đến quản lý hồ sơ “hộ chiếu vaccine” dễ dàng...
Liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, hiện các đơn vị trực thuộc bộ cùng các doanh nghiệp công nghệ đang nỗ lực để hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng.
“Sau khi có bản kế hoạch chi tiết, 3 ngày sau sẽ có bản chạy thử, sau đó Bộ Y tế góp ý và sau 3 ngày nữa sẽ hoàn thiện bản cuối để có thể hoạt động. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng Bộ Y tế và các bộ ngành trong chiến dịch tiêm chủng lần này” - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Theo các chuyên gia, tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ - cũng khẳng định 4 tác dụng của việc tiêm các loại vaccine phòng Covid-19. Đó là làm giảm số người nhiễm SARS-CoV-2; làm giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh; giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ và giảm nguy cơ tử vong.
Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh phân tích: Cũng giống như các loại vaccine giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vaccine phòng Covid-19 giúp cơ thể con người phát triển khả năng miễn dịch, chống lại SARS-CoV-2 mà không cần mắc bệnh. Do đó, có thể có trường hợp một người nhiễm virus gây bệnh Covid-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccine rồi bị bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng đạt từ 70-85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
|
Thanh Thanh
loading...