loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 23/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật An ninh mạng, các đại biểu Quốc hội còn ý kiến khác nhau về sự cần thiết của việc đảm bảo an toàn thông tin mạng và việc thực thi cam kết quốc tế đối với nhà mạng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Lo ngại chồng chéo
Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật An ninh mạng, sau lần thảo luận tại tổ ngày 13/11. Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn bởi có những quy định tại dự án Luật này khá tương đồng với Luật An toàn thông tin mạng năm 2015.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), nên cân nhắc kỹ xem có cần thiết ban hành luật riêng này không, hay chỉ cần bổ sung các quy định còn thiếu vào các Luật hiện hành như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh quốc gia...
Đại biểu Thúy dẫn chứng các điều trong dự luật cho thấy, cùng lúc có nhiều cơ quan quản lý vấn đề an ninh mạng như Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… Điều này sẽ tạo thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn như điều 16 của dự thảo quy định về việc đánh giá hợp chuẩn, hợp quy với hệ thống an toàn thông tin quốc gia, nhưng điều này đã được quy định tại điều 39 của Luật An toàn thông tin mạng. Như vậy, cùng một việc nhưng phải đánh giá 2 lần theo 2 Luật, gây khó khăn.
Trong khi đó, các đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) và Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) khẳng định tính cần thiết của dự án luật này, trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng quan trọng và thực tế, nhiều vụ việc tấn công mạng, gây mất an ninh quốc gia đã xảy ra tại Việt Nam.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, nếu không có Luật An ninh mạng, nhiều vụ việc điều tra dở chừng phải dừng lại vì doanh nghiệp nước ngoài không hợp tác và cũng không có quy định xử lý được. "Có luật này thì có cơ sở để ban hành các Nghị định xử lý vi phạm", đại biểu Cầu nêu ý kiến.
Đăng ký tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) không đồng ý với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. Đại biểu Hiếu cho rằng, dự luật này có nhiều quy định giống với Luật An toàn thông tin mạng. "Nên dùng biện pháp khác như tăng nặng mức phạt, công khai thông tin người vi phạm an ninh mạng như các nước đã làm, thay vì ban hành hẳn một luật mới", đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) nêu quan điểm: Ban hành Luật là cần thiết nhưng phải nghiên cứu thật kĩ, xây dựng Luật chuẩn, lấy lợi ích dân tộc quốc gia trên hết. Tránh chồng chéo vì sau này Bộ Quốc phòng có thể xây dựng Luật Tác chiến không gian mạng. Không để nhiều cơ quan cùng quản lý một lĩnh vực.
Có nên yêu cầu nhà mạng ngoại phải đặt máy chủ tại Việt Nam?
Một quy định trong dự thảo luật được các đại biểu quan tâm thảo luận và tranh luận là khoản 4, điều 34: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam...".
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc bắt buộc phải đặt máy chủ tại Việt Nam sẽ khó khả thi và không thiết thực với đặc thù dịch vụ trên không gian mạng. Các dịch vụ xuyên biên giới của Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Yahoo, YouTube, Twitter... có nguy cơ trở thành bất hợp pháp ở Việt Nam nếu như quy định này được đưa ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định với EU, hay Hiệp định TPP, dịch vụ viễn thông qua biên giới không yêu cầu phải đặt máy chủ tại tất cả các nước. Quy định này trái với cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đồng tình: "Không thể quản lý cứng nhắc, bắt các công ty nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam. Cần xem xét kĩ trước khi ban hành, điều này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trên thế giới".
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng Luật này là cần thiết. Nhưng ông cũng cho rằng quy định yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ là chưa hợp lý.
"Cần thanh kiểm tra đột xuất về dữ liệu và truyền tải để quản lý tốt hơn và không đi ngược với tiến trình hội nhập. Doanh nghiệp ngoại phải giải trình khả năng truyền tải thông tin mật quốc gia thông qua các báo cáo định kì", đại biểu Bình đề xuất.
Các đại biểu cho rằng, việc đặt máy chủ dữ liệu ở đâu không quan trọng bằng việc quản lý sử dụng dữ liệu đó ra sao. Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đề nghị: Cân nhắc kĩ việc yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ vì điều này không phù hợp cam kết quốc tế, các điều khoản thỏa thuận của Việt Nam với thế giới.
"Nếu các nhà mạng tính toán kinh tế và lợi ích, từ chối đặt máy chủ tại Việt Nam như trường hợp Ấn Độ thì ta làm thế nào. Chúng ta không có môi trường mạng thay thế, mà nếu có thì liệu có khả dụng không, có thay thế được không. Đặt máy chủ ở đâu không quan trọng mà quan trọng là quản lý thông tin mạng ra sao”, đại biểu Hà nói.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tiếp thu ý kiến các đại biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ yêu cầu cơ quan soạn thảo luật tiếp tục rà soát các quy định, không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như những cam kết của Việt Nam với quốc tế, không đặt thêm những thủ tục hành chính không cần thiết.
Dự kiến, dự án Luật An ninh mạng sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kì họp thứ 5 vào năm 2018.
Có hiệu lực thi hành trên toàn quốc từ 6/2016,bộ Luật này quy định rõ các biện pháp ngăn chặn hoạt động lợi dụng mạng internet cho mục đích khủng bố
Theo Hoàng Dương/Báo Tin tức
loading...