Tranh cãi gay gắt quanh dự án khôi phục đấu trường Colosseum
Theo người quản lý khu di tích Rossella Rea, việc khôi phục khu di tích không chỉ giúp Rome lấy lại không khí của những khoảnh khắc nghẹt thở trước khi các trận đấu bắt đầu, mà còn cho phép Bộ Văn hóa và Di sản tài trợ và tổ chức nhiều sự kiện tại đấu trường Colosseum, cũng như giúp các chuyến du lịch ở khu vực dưới lòng đất có nhiều gợi nhớ về không khí nguyên thủy hơn.
Nhà khảo cổ học, lịch sử nghệ thuật và là cựu quản lý khu di tích cổ của Rome Adriano La Regina cũng ủng hộ ý tưởng trên, nhưng cảnh báo cần cân nhắc kỹ đến chi phí cho việc khôi phục và duy trì.
Trong khi đó, chuyên gia lịch sử nghệ thuật Tomaso Montanari cho rằng đây là một ý tưởng hoàn toàn "không bình thường” và "nghèo nàn" về giá trị văn hóa.
Du khách tới đấu trường Colosseum. Ảnh: BBC
Theo ông Montanari, hiện Italy có rất nhiều việc phải làm với các di tích đang có nguy cơ bị tàn phá, Bộ Văn hóa và Di sản không cần quá tập trung vào đấu trường Colosseum mà hãy "cứu" các di sản đang bị lãng quên hoặc xuống cấp.
Chuyên gia khảo cổ học và lịch sử nghệ thuật Salvatore Settis cũng cho rằng việc ưu tiên khôi phục đấu trường Colosseum là không hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay.
Colosseum với gần 2.000 năm tuổi là biểu tượng của thành Rome, đã tăng sức hấp dẫn sau khi cho phép du khách được tiếp cận với đường ngầm ở dưới mặt đất, nơi mà các võ sỹ giác đấu và thú vật chuẩn bị cho các trận quyết chiến ở ngoài đấu trường.
Đấu trường này được xây dựng khoảng năm 70 và 72 sau Công Nguyên dưới thời Hoàng đế Vespasian, sau đó được hoàn thành vào năm 80 sau Công nguyên, dưới thời triều đại của Titus, con của Vespasian.
Khu di tích này hiện đang trong quá trình sửa chữa và khôi phục trong dự án trị giá 20 triệu euro, do tỷ phú của công ty đồ da Tod's của Italy Diego Della Valle tài trợ.
Mỗi năm khu tích Colosseum thu hút được khoảng 5 triệu lượt du khách tới thăm quan.