loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/10, Toà án nhân dân tỉnh An Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nhóm bị cáo lừa đảo, tự nhận có thể tác động điều chuyển Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang với giá 20 tỷ đồng.
Sáng 27/6, tại An Giang, Bộ Công an tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác cán bộ. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi lễ.
Theo đó, các bị cáo Vũ Văn Quý (sinh năm 1991, trú tại Thành phố Hồ Chính Minh) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Rửa tiền"; bị cáo Ngô Văn Trọng (sinh năm 1973, trú tại thành phố Đà Nẵng) và Hoàng Thị Tâm (sinh năm 1967, trú tại thành phố Hà Nội) bị truy tố, xét xử cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Tuy nhiên, sau 1 ngày xét xử công khai, Hội đồng xét xử cho rằng còn một số vấn đề chưa được Cơ quan điều tra làm rõ, có khả năng bỏ lọt người phạm tội, khả năng xuất hiện loại tội phạm mới. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để tiếp tục điều tra, làm rõ một số vấn đề có liên quan đến vụ án.
Theo cáo trạng, Trần Trí Mãnh (sinh năm 1980, trú tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất Gia Thịnh (địa chỉ tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) với ngành nghề kinh doanh dầu nhớt, phụ tùng xe gắn máy các loại. Do lo sợ việc tăng cường tấn công, trấn áp tội phạm của Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang (mới nhận nhiệm vụ) làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên nảy sinh ý định tìm cách "điều chuyển" Đại tá Đinh Văn Nơi đi nơi khác.
Khoảng tháng 12/2020, Mãnh gặp Đào Ngọc Cảnh (sinh năm 1947, trú tại thành phố Đà Nẵng) là người quen từ trước, đặt vấn đề nhờ tìm cách tác động điều chuyển Đại tá Nơi với giá 20 tỷ đồng. Cảnh biết không thực hiện được nên đã nhờ Trọng, rồi Trọng nhờ Tâm, Tâm nhận lời và nhờ Quý.
Mặc dù biết rõ không thể thực hiện được việc tác động để điều chuyển cán bộ, nhưng Quý, Trọng, Tâm vẫn tự giới thiệu có nhiều mối quan hệ rộng lớn với cán bộ ở Trung ương, nhằm tạo tin tưởng cho Mãnh để chiếm đoạt tài sản chia nhau hưởng lợi.
Ngày 17/1/2021, Cảnh, Trọng, Tâm cùng đi đến thành phố Châu Đốc (An Giang) gặp Mãnh và yêu cầu Mãnh chuyển trước 10 tỷ đồng, sau khi việc hoàn thành sẽ nhận 10 tỷ còn lại. Ba ngày sau, Mãnh cùng Trọng đến ngân hàng chuyển số tiền 10 tỷ vào tài khoản của Tâm. Sau khi nhận được tiền, Tâm báo lại cho Quý biết.
Lúc này, Quý nghi sự việc bị bại lộ nên đã bàn với Trọng để yêu cầu Mãnh phải chịu tốn khoản tiền 4 - 5 tỷ đồng (trong số 10 tỷ đồng đã gửi vào tài khoản của Tâm) - là chi phí đi lại và "lo lót cho Công an" để tất cả không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mãnh tin và lo sợ mất 10 tỷ đồng, nên nhiều lần thương lượng, thỏa thuận xin nhận lại tiền. Sau đó, nhóm của Quý đồng ý trả lại Mãnh 7,7 tỷ đồng.
Ngày 21/1/2021, Quý, Trọng, Tâm đến thành phố Long Xuyên (An Giang) để thực hiện giao dịch chuyển tiền. Tâm rút và chuyển 7,7 tỷ đồng cho Mãnh; còn lại 2,3 tỷ đồng nhóm của Quý chia nhau hưởng lợi. Trong đó, Quý được chia 2,1 tỷ đồng, Trọng và Tâm mỗi người 100 triệu đồng.
Sau khi chiếm đoạt 2,1 tỷ đồng của Mãnh và để che giấu nguồn gốc số tiền bất hợp pháp này, Quý nhờ Lê Thị Nhâm (sống cùng xóm với bố mẹ của Quý) đứng tên mở tài khoản ngân hàng rồi Quý nộp 2 tỷ đồng vào tài khoản. Sau khi biết số tiền mà Quý nhờ mở tài khoản gửi tại ngân hàng là do phạm tội mà có, Nhâm đã rút tiền trong tài khoản nộp lại cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang.
Đầu tháng 3/2021, Mãnh làm đơn tố giác hành vi phạm tội của Quý và đồng phạm. Đến ngày 9/3/2021, cả 3 người gồm Quý, Trọng, Tâm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đầu thú, rồi bị khởi tố điều tra.
Riêng đối với bị hại Trần Trí Mãnh, trước đó đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang khởi tố, bắt tạm giam về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Công Mạo/TTXVN
loading...