A+ A A- Kiểu đọc sách

TP.HCM: Việc tiêm trộn vaccine Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế

22:18 10/09/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều tối 10/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn.

Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước  

Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước  

Ngày 10/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã đề nghị các nhóm nghiên cứu, nhà sản xuất và các đơn vị chuyên môn liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine phòng COVID-19 phát triển trong nước và vaccine nhận chuyển giao.

Tại cuộc họp này, Ban chỉ đạo đề cập đến nội dung tiêm trộn vaccine và việc mở cửa trở lại các cơ sở dịch vụ ăn uống được nhiều người quan tâm.

Tiêm trộn vaccine theo đúng hướng dẫn

Liên quan đến việc Thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch tiêm trộn các loại vaccine Moderna và Pfizer, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết, trước đây, Bộ Y tế đã có hướng dẫn trong trường hợp thiếu vaccine, có thể tiêm trộn mũi 2 vaccine Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 là vaccine AstraZeneca. Nay Bộ Y tế tiếp tục thống nhất cho phép tiêm trộn vaccine Pfizer dành cho mũi 1 và vaccine Moderna cho mũi 2 hoặc ngược lại, cũng như có thể tiêm trộn vaccine AstraZeneca cho mũi 1 và Moderna cho mũi 2.

“Việc tiêm trộn vaccine dựa trên nghiên cứu, chứng cứ khoa học và công nghệ sản xuất tiên tiến nên nguy cơ hầu như không có. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã hướng dẫn tổ chức tiêm chủng sao cho an toàn nhất, hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch. Tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn bảo đảm thực hiện nghiêm túc các bước sàng lọc, theo dõi và chăm sóc sức khoẻ sau tiêm cũng như giám sát sự cố sau tiêm, chuẩn bị sẵn sàng hồi sức cấp cứu trong trường hợp cần thiết, không để xảy ra biến chứng nguy hiểm tính mạng người dân”, ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định.

Về việc người nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu tiêm vaccine, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, quan điểm của thành phố là không phân biệt quốc tịch khi tiêm. Trong tất cả kế hoạch, thành phố luôn nhấn mạnh việc tiêm vaccine cho tất cả người dân trên 18 tuổi trở lên. Hiện các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đều đã tổ chức tiêm cho người nước ngoài.

Về điều trị, theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện nay, trung bình số ca nhập viện vì mắc COVID-19 ở mức 3.000-4.000 ca tùy từng ngày, phần lớn là người có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Nhiều người nhiễm được chăm sóc tại nhà, không cần nhập viện. Hiện thành phố vẫn đang tích cực mở các bệnh viện hồi sức để đáp ứng công tác điều trị cho người nhiễm có biểu hiện nặng; tập trung nhiều giải pháp điều trị cùng với cấp các gói thuốc cho người nhiễm ở nhà và đang điều trị.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine cho người dân TPHCM. Ảnh: Ngọc Lê

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tự xét nghiệm 3 ngày/lần

Về việc số hàng, quán, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống mở lại còn hạn chế mặc dù thành phố đã cho phép các cơ sở này hoạt động lại theo hình thức bán mang về là do thiếu nguyên liệu để chế biến món ăn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, thông tin này là không chính xác. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, các nguyên liệu chính của các nhà hàng, quán ăn như tinh bột, thịt gia súc, gia cầm, cá, rau củ quả hay nguyên liệu phụ như mắm, muối, dầu ăn... đã được thành phố đảm bảo cung ứng trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, số lượng hàng quán, cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn được mở lại còn hạn chế đến từ nguyên nhân liên quan cách thức vận hành. Hiện tại, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động lại với tiêu chí “an toàn tới đâu, mở cửa tới đó”, áp dụng biện pháp 3 tại chỗ, chỉ bán mang đi thông qua đội ngũ giao hàng (shipper). Tuy nhiên, hiện các shipper chỉ được hoạt động tại một quận, huyện nên việc tiếp cận nguồn nguyên liệu cũng như tiếp cận khách hàng sẽ không thuận lợi như trước đây. Từ những lý do trên, một số chủ nhà hàng, quán ăn sẽ cân nhắc, tính toán, chưa muốn “mạo hiểm” mở cửa hoạt động lại trong thời điểm này.

Trước đó, từ ngày 8/9, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép các loại hình kinh doanh ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày bằng hình thức mang đi. Quy định này đi kèm theo điều kiện: các cơ sở chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ và phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Liên quan đến việc xét nghiệm COVID-19, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ chủ động thực hiện việc xét nghiệm trên nguyên tắc “4 tự”: Tự xây dựng kế hoạch, tự thực hiện, tự xét nghiệm và tự kiểm tra đối với nhân viên, tần suất lấy mẫu là 3 ngày/lần theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, thành phố Thủ Đức để được cấp giấy đi đường, đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19 và xét nghiệm nhanh âm tính 3 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.

Về vấn đề giấy phép đi đường, theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Công an Thành phố đã cấp các quận, huyện và thành phố Thủ Đức 2.400 giấy đi đường để đảm bảo việc hoạt động trở lại của các doanh nghiệp, cửa hàng, bao gồm các cửa hàng ăn uống. Trên cơ sở thẩm định của chính quyền địa phương và lực lượng Công an, các địa phương sẽ cấp giấy đi đường cho các đối tượng phù hợp.

Hồng Giang/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...