loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều ý kiến đề nghị đối với các tội phạm về tham nhũng, tội phạm về kinh tế thì phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường mới được xét đặc xá. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc kỹ hơn.
Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận trong phiên họp toàn thể tại Hội trường diễn ra vào sáng 11/6.
Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) bao gồm 6 chương, 39 điều. So với Luật Đặc xá năm 2007 thì dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) giữ nguyên số chương, tăng 03 điều quy định về trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.
Luật này quy định về thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá, người được đặc xá.
Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến phát biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh của dự án luật này cho phép đặc xá đối với cả những người bị kết án nhưng được hưởng chính sách hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ về thời điểm đặc xá, hiểu thống nhất về sự kiện trọng đại của đất nước trong dự thảo luật để bảo đảm việc áp dụng thực thi thống nhất.
Về thời gian phải chấp hành hình phạt để được hưởng đặc xá, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng tăng thời gian phải chấp hành hình phạt tù từ 1/2 thời gian thành 2/3 thời gian, đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn thì phải chấp hành được ít nhất là 16 năm. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị rút ngắn thời gian phải chấp hành hình phạt tù so với dự thảo luật đã trình Quốc hội.
Về trách nhiệm thi hành các khoản tiền, nghĩa vụ dân sự, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật về trách nhiệm nộp án phí, các khoản tiền phạt, bồi thường thiệt hại, trách nhiệm dân sự. Người được đề nghị đặc xá phải thi hành xong các khoản tiền, nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp được Chủ tịch nước xem xét không áp dụng điều kiện này.
Nhiều ý kiến đề nghị đối với các tội phạm về tham nhũng, tội phạm về kinh tế thì phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường mới được xét đặc xá. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc kỹ hơn để phạm nhân là người nghèo, chưa có điều kiện thi hành các khoản tiền này nhưng tích cực lao động, cải tạo, học tập tốt thì cũng được hưởng chế độ đặc xá. Các quy định về vấn đề này phải đảm bảo tính công bằng, bình đẳng đối với các phạm nhân, người có điều kiện kinh tế cũng như người chưa có điều kiện kinh tế.
Ngoài những vấn đề lớn nêu trên, các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung phát biểu góp ý rất cụ thể về nhiều nội dung khác của dự thảo luật như thời gian, trình tự, thủ tục thực hiện đặc xá, quy định tái hòa nhập cộng đồng về vị ví, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác đặc xá, về khiếu nại, tố cáo trong đặc xá, về kỹ thuật lập pháp.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tư pháp khẳng định, Chính phủ đã tích cực triển khai xây dựng dự án Luật, đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Đặc xá, đánh giá tác động, lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu về thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến.
Ủy ban Tư pháp cũng cơ bản tán thành với các quan điểm, định hướng xây dựng dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh thêm: Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù, do đó các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện.
Tính chất đặc biệt này phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là: thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá. Đáng lưu ý, Bộ luật Hình sự đã bổ sung chế định Tha tù trước thời hạn có điều kiện, nếu không sửa đổi cơ bản về điều kiện đặc xá mà áp dụng song song hai chế định này thì dẫn tới trùng lặp về chính sách.
Vì vậy, một mặt, cần phân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác để khắc phục hạn chế về số lượng người được đặc xá lớn, đối tượng rộng như thời gian qua, bảo đảm ý nghĩa đặc ân của người đứng đầu Nhà nước.
Mặt khác, việc sửa đổi Luật Đặc xá cũng phải bảo đảm cân đối giữa việc thực hiện chính sách khoan hồng đặc biệt với tính nghiêm minh trong thực thi bản án của Tòa án, không làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của toàn bộ quá trình tố tụng trước đó.
Bên cạnh đó, Ủy Ban tư pháp cũng cho rằng, dự thảo Luật được xây dựng trong bối cảnh các luật có liên quan vừa được ban hành như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015... Nhiều quy định của dự thảo Luật đã bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, còn một số quy định quan trọng cần được tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo như quy định tại khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật về điều kiện được đề nghị đặc xá có nhiều nội dung tương tự như điều kiện được tha tù trước thời hạn có điều kiện tại khoản 1 Điều 66 của Bộ luật Hình sự…
Đề cập đến những vấn đề mà các Đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, Luật Đặc xá (sửa đổi) được ban hành sẽ bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện đặc xá trong những năm qua.
Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) được xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đã tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, các địa phương, cơ quan chuyên môn của Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội và của cử tri, nhân dân.
“Thay mặt Ban Soạn thảo dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), tôi xin chân thành cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm và có những ý kiến đóng góp sâu sắc đối với dự án luật khi thảo luận tại 19 tổ ngày 29/5/2018 vừa qua và thảo luận tại hội trường trong ngày hôm nay. Chúng tôi nhận thấy các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thành dự thảo luật”, Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu và khẳng định cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo luật về các nội dung mà các đại biểu quan tâm.
Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan và nhân dân tiếp tục quan tâm cho ý kiến đối với dự thảo luật này. Ban Soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 theo đúng chương trình của Quốc hội đã đề ra.
Sáng 19/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp thông báo kết quả kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 tại Ban cán sự Đảng của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương.
Theo Nguyễn Hoàng/Thông tin Chính phủ
loading...