loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona gây ra được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Hơn 200 quốc gia vùng lãnh thổ trên toàn cầu có người mắc bệnh.
Sáng 25/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, số ca mắc hiện vẫn là 270 ca. Cũng theo Ban Chỉ đạo có 5 trường hợp bệnh nhân dương tính trở lại sau khi âm tính.
Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa - TTXVN cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới từ các cơ quan chức năng.
Cập nhật lúc 22h30 ngày 27/4: Tổng số ca nhiễm trên toàn cầu vượt mức 3 triệu người
Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 27/4, trên thế giới có tổng cộng 3.018.196 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 208.073 ca tử vong. Số trường hợp phục hồi là 889.250 người.
Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới với 989.838 trường hợp mắc COVID-19 và 55.497 trường hợp tử vong. Xếp sau là Tây Ban Nha với 229.422 trường hợp mắc bệnh và 23.521 trường hợp tử vong. Italy có 197.675 ca mắc bệnh và 26.644 ca tử vong. Ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới là Pháp với 162.100 ca nhiễm và 22.856 ca tử vong. Đứng sau Pháp là Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đáng chú ý, số ca nhiễm COVID-19 tại Nga đã vượt Trung Quốc đại lục. Nga đã ghi nhận thêm gần 6.200 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên tới 87.147, vượt Trung Quốc đại lục - hiện có 82.830 người.
Nhìn chung, tình hình dịch ở châu Âu đang có xu hướng lắng dịu khi số ca tử vong giảm xuống ở một số quốc gia vốn được coi là tâm dịch của "Lục địa già". Nhiều nước châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa sau khi có những dấu hiệu tích cực, với số ca tử vong và nhiễm mới giảm mạnh trong những ngày qua, trong đó có nước mức tăng ca nhiễm và tử vong trong ngày đã giảm từ 20% xuống còn 2%.
Tây Ban Nha đang dần nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa. Theo đó, các nhà máy và công ty bắt đầu mở cửa trở lại. Ngoài ra, ngày 26/4, lần đầu tiên sau 6 tuần, trẻ em Tây Ban Nha được phép ra khỏi nhà đi dạo phố. Trẻ em dưới 14 tuổi được phép rời nhà trong 1 giờ với sự giám sát của người lớn và không được phép đi quá phạm vi 1 km tính từ nhà và mỗi ngày chỉ ra khỏi nhà một lần trong khung giờ từ 9h00 đến 21h00.
Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte cam kết sẽ mở lại các trường học vào tháng 9, đồng thời sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại ngay trong tuần sau khi dừng lệnh phong tỏa được áp đặt gần như trên toàn quốc, vốn là biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất và lâu nhất ở châu Âu. Theo kế hoạch, ông Conte sẽ thông báo cụ thể các giai đoạn nới lỏng lệnh phong tỏa trong bài phát biểu trên truyền hình đêm 26/4 theo giờ địa phương.
Pháp cũng đang lên kế hoạch dừng các biện pháp phong tỏa. Thủ tướng Edouard Philippe cho biết sẽ đưa ra chiến lược quốc gia nhằm chấm dứt lệnh phong tỏa áp đặt từ ngày 17/3. Chiến lược sẽ được công bố sau cuộc thảo luận và bỏ phiếu tại quốc hội trong ngày 28/4.
Chính quyền Pháp đã nêu rõ 17 ưu tiên để từng bước đưa đất nước trở về trạng thái bình thường, theo tiến độ được kiểm soát kể từ ngày 11/5. Sau khi các trường học, công ty, giao thông công cộng được hoạt động trở lại, việc cung cấp khẩu trang, nước diệt khuẩn, xét nghiệm và hỗ trợ người cao tuổi sẽ được chú trọng.
Đối với Bỉ, chính phủ nước này đã đưa ra kế hoạch rõ ràng về việc gỡ lệnh phong tỏa trong những ngày tới. Từ ngày 11/05, gần như tất cả các hoạt động thương mại có thể sẽ được hoạt động trở lại. Từ ngày 18/05, các trường học sẽ từng bước được mở cửa trở lại.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau gần một tháng điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông dự kiến sẽ thông báo nới lỏng lệnh phong tỏa trong tuần này sau khi ông trở lại làm việc.
Trong ngày 27/4, Na Uy đã mở lại các trường tiểu học cơ sở trong nỗ lực hướng tới dần trở lại nhịp sống bình thường cho dù một số bậc phụ huynh tiếp tục bày tỏ lo ngại khi cho con đi học trở lại. Các học sinh từ 6 đến 10 tuổi đã bắt đầu quay trở lại trường học sau 6 tuần học trực tuyến ở nhà. Tuy nhiên, mỗi lớp chỉ được phép có số học sinh tối đa là 15 em. Một tuần trước đó, các trường mầm non, mẫu giáo ở Na Uy đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng việc đi học như vậy là quá sớm với lý do một số nhân viên ở trường mẫu giáo có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 kể từ khi họ trở lại làm việc hồi tuần trước.
Tại Cộng hòa Séc, Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek thông báo kể từ ngày 27/4, công dân châu Âu có thể tới nước này, nhưng không được lưu trú quá 3 ngày.
Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban thông báo sẽ công bố các biện pháp để từng bước gỡ lệnh phong tỏa nhằm phục hồi nền kinh tế vào đầu tuần này. Tuy nhiên, theo ông Orban, người già và người có tiền sử bệnh lý cần phải tiếp tục ở nhà.
Tại Kazakhstan, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cho biết sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế trong những ngày tới, mặc dù nước này đã kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 11/5 sau khi dự kiến hết hiệu lực vào ngày 30/4. Tổng thống Tokayep cho biết quốc gia Trung Á gồm 19 triệu dân này sẽ nối lại các chuyến bay giữa hai thành phố lớn từ ngày 1/5.
Tình hình dịch COVID-19 tại Đông Nam Á cũng đã có dấu hiệu tích cực và đến nay đã ghi nhận tổng cộng 40.766 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1.445 người tử vong, số ca nhiễm và tử vong mới ở các nước thấp hơn hôm qua.
Singapore hôm nay ghi nhận thêm 799 ca dương tính với SARS-CoV-2 , giảm so với 931 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.423. Số người tử vong không tăng và hiện là 12, trong khi 1.060 người đã hồi phục. Trong số ca nhiễm mới, 14 người là công dân Singapore và thường trú nhân, còn lại là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Quốc đảo 5,7 triệu dân là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Á.
Indonesia thông báo thêm 214 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 9.096. Nước này hiện ghi nhận 765 người chết do bệnh COVID-19, tăng 22 trường hợp trong 24 giờ qua. Quan chức chính phủ Indonesia hôm nay tỏ ý hy vọng cuộc sống của người dân sẽ trở lại bình thường vào tháng 7.
Philippines - vùng dịch lớn thứ ba Đông Nam Á - ghi nhận thêm 198 ca nhiễm và 10 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 7.777 và 511. Bộ Y tế nước này thông báo có 932 bệnh nhân đã hồi phục, tăng 70 người so với hôm qua.
Malaysia ghi nhận 5.820 ca nhiễm và 99 ca tử vong sau khi báo cáo thêm 40 ca nhiễm và một người chết trong 24 giờ qua. Chính phủ Malaysia đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc, đi kèm với loạt biện pháp cách biệt cộng đồng để kiềm chế đại dịch.
Thái Lan ngày 27/4 báo cáo 9 ca mắc bệnh mới mới và lần đầu không ghi nhận ca nhiễm mới ở thủ đô Bangkok kể từ khi COVID-19 xuất hiện hồi tháng 1/2020. Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này hiện là 2.931, trong đó 52 người đã tử vong, tăng thêm một trường hợp so với hôm qua.
Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó COVID-19 được ban bố từ ngày 26/3 sẽ gia hạn đến cuối tháng 5, song một số hạn chế với doanh nghiệp và các hoạt động công cộng sẽ được nới lỏng trong bối cảnh số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm.
Timor Leste và Lào tiếp tục là hai nước trong khu vực chịu ít ảnh hưởng nhất với lần lượt 24 và 19 ca nhiễm SARS-CoV-2. Việt Nam, Campuchia, Timor Leste và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Các nhà phân tích của BofA Global Research ước tính có khoảng 7% người lao động (khoảng 20,7 triệu người) tại các nước ASEAN-6 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam) có thể bị mất việc làm trong cuộc suy thoái kinh tế đang hiện hữu do đại dịch COVID-19 gây ra. Viễn cảnh này cũng sẽ là mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Dựa trên tỷ trọng số lượng người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và các ngành nghề không chính thức tại các nước này, BofA Global Research cho rằng Indonesia sẽ là nước buộc phải cắt giảm việc làm nhiều nhất, với 9,4 triệu việc làm. Số lao động mất việc làm tại các nước khác như Philippines, Thái Lan và Việt Nam cũng có thể lên tới hàng triệu người. Những người lao động trong một số lĩnh vực cụ thể như là dịch vụ lưu trú và thực phẩm, bán buôn - bán lẻ, bất động sản và dịch vụ kinh doanh… sẽ có nguy cơ mất việc cao hơn những người khác.
Thông qua việc phân tích, đánh giá một số yếu tố như quy mô suy thoái dự kiến, cơ cấu việc làm và chính sách tài khóa đối phó với dịch COVID-19 của từng nước, BofA Global Research cũng cho rằng Indonesia và Thái Lan là hai nước có nguy cơ đối mặt với sự suy giảm lớn có tính lịch sử. Trong khi đó, thị trường lao động tại những nước còn lại trong ASEAN-6 cũng sẽ gặp những tác động tiêu cực đáng kể.
Hiện tại, theo BofA Global Research đánh giá, chỉ có Singapore và Malaysia cung cấp những sự hỗ trợ trực tiếp chi phí lao động thông qua hoạt động trợ cấp chi trả tiền lương, trong khi các quốc gia khác có hình thức hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua việc chuyển tiền mặt và áp dụng chính sách ưu đãi thuế. Và với việc nhận định vẫn có các mối nguy cơ vẫn làm trầm trọng thêm xu hướng suy thoái, BofA Global Research nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm nhiều hơn và đúng mục đích hơn những sự hỗ trợ tại các quốc gia này.
7h sáng 27/4: Đã 11 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Tính đến 6h ngày 27/4/2020, Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta vẫn là 270 trường hợp.
Như vậy từ ngày 16/4/2020 đến nay, tức là 11 ngày, tại Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.
Đến thời điểm này, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 52.428. Trong đó, số người đang được cách ly tập trung tại bệnh viện là 323; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 11.311; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 40.794 người.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, đến nay, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 13 ca (chiếm 5%). Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2 là 3 ca (chiếm 1%).
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống COVID-19.
Cập nhật lúc 22h20 ngày 26/4: Thế giới có 2.943.319 ca mắc, 203.904 ca tử vong
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 26/4, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 203.904 người trên toàn thế giới kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái. Đã có 2.943.319 ca mắc COVID-19 (+23.915 ca) được ghi nhận tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ vẫn là nước có số ca tử vong và ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nhiều nhất trên thế giới với 54.344 ca tử vong và 963.221 ca nhiễm. Tiếp đến Italy với 26.384 ca tử vong trong tổng số 195.351 ca nhiễm. Tây Ban Nha ghi nhận 22.902 ca tử vong và 223.759 ca nhiễm.
Trung Quốc đại lục, nơi khởi phát dịch bệnh - trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 11 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và không có thêm ca tử vong, nâng tổng số mắc COVID-19 lên 82.827 ca và 4.632 ca tử vong. Điều đáng mừng là thành phố Vũ Hán (Wuhan), nơi khởi phát COVID-19, hiện không còn ca bệnh nào tại các bệnh viện. Trước đó, Vũ Hán ghi nhận có tổng cộng 46.452 ca mắc COVID-19, chiếm 56% tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục, trong đó có 3.869 ca tử vong, chiếm tổng số 84% số ca tử vong trên toàn Trung Quốc.
Đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc cũng không ghi nhận thêm ca mắc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong ngày 26/4. Đây là lần thứ 3 trong 1 tuần Hong Kong không có ca nhiễm COVID-19 mới, cũng là gần hai tuần liên tiếp đặc khu này không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện số ca mắc COVID-19 tại Hong Kong là 1.037, trong đó có 19 người xuất viện, nâng tổng số ca hồi phục và xuất viện lên 771 người.
Hàn Quốc ghi nhận thêm 10 ca nhiễm và 2 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên tới 10.728 trong đó có 242 ca tử vong.
Dịch bệnh vẫn tiếp tục xu hướng lây lan tại một số nước khác châu Á như Singapore (+ 931 ca nhiễm), Philippines (+285 ca nhiễm và 7 ca tử vong), Indonesia (+ 275 ca nhiễm và 23 ca tử vong). Malaysia (+38 ca nhiễm). Tuy nhiên, Thái Lan lại ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 theo ngày giảm trở lại với 15 ca nhiễm mới và và không có thêm ca tử vong; Ấn Độ (+1.554 ca nhiễm và 45 ca tử vong), Pakistan (+783 ca nhiễm và 15 ca tử vong), Afghanistan (+ 68 ca nhiễm).
Tương tự, số ca mắc COVID-19 ở một số nước Trung Đông và châu Phi tiếp tục tăng mạnh trong 24 giờ qua như Saudi Arabia (+1.223 ca nhiễm và 3 ca tử vong), Iran (+1.153 ca nhiễm và 60 ca tử vong), Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) (+ 536 ca nhiễm và 5 ca tử vong), Israel (+100 ca nhiễm)...
Trong khi đó, một số nước châu Âu như Nga, Belarus, Ukraine ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 tiếp tục tăng đáng kể. Số bệnh nhân tại Nga hiện đã là hơn 80.900 người (+6.361 ca), trong đó số người tử vong là 747 người. Belarus cũng vượt hơn 10.000 ca và Ukraine là hơn 8.600 người.
Trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, một số nơi trên thế giới đã bắt đầu triển khai kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Tây Ban Nha thông báo từ ngày 2/5 tới, người dân nước này sẽ có thể ra khỏi nhà để tập thể dục thể thao và đi dạo cùng người thân nếu tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực như thời điểm hiện nay. Cũng theo quy định mới, lần đầu tiên sau 6 tuần, từ ngày 26/4, trẻ em dưới 14 tuổi cũng có thể ra khỏi nhà 1h/ngày trong khoảng thời gian từ 9h đến 21h, và không được đi xa nhà quá 1 km. Người lớn có thể đưa tối đa 3 trẻ em ra ngoài, song vẫn phải bảo đảm quy định giãn cách xã hội là mọi người cách nhau 2 mét.
Tại Italy, một số lượng lớn các công ty hoạt động trong một số lĩnh vực như chế tạo, xây dựng... sẽ được phép hoạt động trở lại từ ngày 4/5 như một phần trong kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa, trong khi các trường học sẽ mở cửa trở lại vào tháng Chín tới. Tuy nhiên, các công ty này sẽ phải thực thi các biện pháp đảm bảo an toàn tối đa trước khi được phép chính thức hoạt động trở lại. Một số hoạt động kinh doanh được cho là mang tính chiến lược, trong đó có hoạt động phục vụ xuất khẩu, có thể mở cửa lại vào tuần tới, với điều kiện được chính quyền địa phương phê chuẩn.
Tại Algeria, Thủ tướng Abdelaziz Djerad đã ban hành một hướng dẫn đối với các bộ ngành có liên quan cũng cũng như các tỉnh trưởng về việc mở rộng các lĩnh vực các hoạt động và mở cửa các cửa hàng thương mại để giảm tác động kinh tế và xã hội do dịch COVID-19 gây ra.
Theo đó, các lĩnh vực và doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại gồm: taxi nội đô, tiệm làm tóc, tiệm bánh ngọt.. tiệm bánh kẹo và bánh truyền thống và các cửa hàng như quần áo và giày dép, buôn bán thiết bị, buôn bán vật phẩm và dụng cụ nhà bếp, buôn bán vải, đồ trang sức và hàng dệt kim, trang sức và đồng hồ, kinh doanh mỹ phẩm và nước hoa, nội thất văn phòng, nhà sách và bán các mặt hàng học đường, bán sỉ và lẻ vật liệu xây dựng (gốm sứ, thiết bị điện và các sản phẩm vệ sinh, cốt liệu và chất kết dính, vật phẩm sơn, đồ gỗ, đường ống và đường ống…).
Cập nhật lúc 21h00 ngày 26/4/2020:
- Thế giới: 2.934.638 người mắc; 203.683 người tử vong, trong đó:
- Hoa Kỳ: 960.896 người mắc; 54.256 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 223.759 người mắc; 22.902 người tử vong.
- Italy: 195.351 người mắc; 26.384 người tử vong.
- Pháp: 161.488 người mắc; 22.614 người tử vong.
- Việt Nam: 270 trường hợp mắc COVID -19. Đến 18h00 ngày 26/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Tổng cộng 225 người đã được chữa khỏi.
Cập nhật lúc 18h30 ngày 26/4: Không có ca mắc mới, người dân cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến 18 giờ ngày 26/4, Việt Nam vẫn ghi nhận 270 trường hợp mắc COVID-19. Như vậy, tính từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện có 13 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2; có 3 ca có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hai lần trở lên.
Dù không có ca mắc mới, tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 khuyến cáo người dân nên tuân thủ theo đúng Chỉ thị số 19/CT-TTg được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký (ban hành ngày 25/4/2020) để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Người dân không nên chủ quan, lơ là, cần tiếp tục thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các khuyến cáo của ngành y tế: thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người...
Cập nhật lúc 16h00 ngày 26/4: Bệnh nhân 91 tiên lượng còn nặng
Theo thông tin báo Sức khỏe Đời sống (Bộ Y tế), Bệnh nhân 91 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM hiện có dấu hiệu sinh tồn tạm ổn định, không sốt, phổi trái đông đặc 1/2 dưới, kết quả xét nghiệm PCR ngày 25/4 dương tính, bệnh nhân tiếp tục thở máy, can thiệp ECMO (lọc máu), tiên lượng còn nặng.
Theo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh tính đến sáng ngày 26/4/2020 có tổng số trường hợp COVID-19 xác định là 54 trường hợp.
Trong đó có 53 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh gồm 03 ca ban đầu, giai đoạn 1; 50 ca mới. Hiện còn 01 trường hợp đang tiếp tục điều trị là phi công số 91 có dấu hiệu sinh tồn tạm ổn định, không sốt, phổi trái đông đặc 1/2 dưới, kết quả xét nghiệm PCR ngày 25/4 dương tính, bệnh nhân tiếp tục thở máy, can thiệp ECMO (lọc máu), tiên lượng còn nặng.
Đến nay, TP.HCM đã qua 19 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm mới COVID-19.
Tổng số trường hợp hiện đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của thành phố còn 28 trường hợp.
Tại khu cách ly tập trung của quận, huyện tính đến chiều ngày 25/4/2020 có tổng số 2.003 trường hợp, trong đó 1.993 trường hợp hết thời gian theo dõi 14 ngày và không có triệu chứng, trong ngày 25/4/2020 hiện đang còn theo dõi 10 trường hợp.
Tổng số người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú tính đến ngày 25/4/2020 là 11.467 trường hợp, trong đó 11.317 trường hợp đã hết thời gian theo dõi 14 ngày, trong ngày 25/4/2020 hiện còn đang theo dõi 146 trường hợp.
Lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nhân khỏi bệnh sau điều trị COVID-19
Các hoạt động giám sát, chống dịch tại TP.HCM đang được tích cực triển khai như: Phối hợp chuẩn bị các khu cách ly tập trung sẵn sàng tiếp nhận người nhập cảnh. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cơ sở tiêm chủng an toàn. Tiếp tục triển khai kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19, bộ tiêu chí rủi ro lây nhiễm tại các nhà máy, xí nghiệp.
Đồng thời, giám sát COVID-19 đối với toàn bộ tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại Thành phố. Tiến hành theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nhân khỏi bệnh sau điều trị COVID-19. Thực hiện hồ sơ theo dõi 47 trường hợp trong đó 06 trường hợp chờ đến ngày lấy mẫu xét nghiệm, 37 có trường hợp âm tính, 04 đang đợi kết quả.
Cập nhật lúc 11h30 ngày 26/4/2020:
- Thế giới: 2.921.439 người mắc; 203.289 người tử vong, trong đó:
- Hoa Kỳ: 960.896 người mắc; 54.256 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 223.759 người mắc; 22.902 người tử vong.
- Italy: 195.351 người mắc; 26.384 người tử vong.
- Pháp: 161.488 người mắc; 22.614 người tử vong.
- Việt Nam: 270 trường hợp mắc COVID -19. Đến 07H30 ngày 26/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Tổng cộng 225 người đã được chữa khỏi.
Cập nhật lúc 9h45: Thế giới có 2.920.961 ca mắc, 203.272 ca tử vong
Theo trang web thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 26/4 (giờ Việt Nam), dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lây lan tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 2.920.961 ca mắc, 203.272 ca tử vong và 836.941 người đã được điều trị khỏi bệnh.
Mỹ tiếp tục là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới với 54.256 trường hợp trong số 960.651 ca mắc. Italy xếp thứ hai về số ca tử vong với 26.384 ca trong số 195.351 ca mắc. Tiếp đó là Tây Ban Nha, 22.902 ca tử vong và 223.759 ca mắc, Pháp với 22.614 ca tử vong và 161.488 ca mắc. Số liệu ở Anh lần lượt là 20.319 ca tử vong, 148.377 ca mắc.
Tính theo khu vực, châu Âu - tâm dịch của thế giới - đến thời điểm này ghi nhận tổng cộng 1.252.503 ca mắc với 120.118 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ công bố tổng cộng 1.036.184 ca mắc với 58.688 ca tử vong. Châu Á số ca mắc là 460.828 với 16.953 ca tử vong, trong khi châu Đại Dương 8.266 ca mắc với 98 ca tử vong. Châu Phi ghi nhận 31.102 ca mắc và 1.379 ca tử vong.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục – nơi khởi phát dịch bệnh - ghi nhận thêm 11 ca mắc mới, trong đó có 5 ca từ nước ngoài về. Theo báo cáo sáng 26/4 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, 6 ca còn lại là lây nhiễm từ trong nước, còn 5 ca từ nước ngoài về là tại tỉnh Hắc Long Giang (Heilongjiang) và Quảng Đông (Guangdong). Trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục không ghi nhận ca tử vong nào. Riêng khu vực Đông Nam Á, Singapore vẫn đứng đầu về số ca nhiễm với 12.693 trường hợp, tăng 618 ca so với ngày 25/4.
Tại châu Phi, Bộ Y tế Ai Cập cho biết nước này đã phát hiện thêm 227 ca mắc mới, nâng tổng số lên 4.319 người. Ai Cập cũng ghi nhận thêm 13 trường hợp tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi tại đây lên đến 307 người. Algeria ghi nhận thêm 129 số ca mắc và 4 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia này lên 3.256 người và 419 ca tử vong.
Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Mexico thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 970 ca mắc và 84 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 13.842 người và 1.305 ca tử vong. Cơ quan y tế cảnh báo, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nước này sẽ ở mức cao do trên 70% dân số mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch và béo phì. Nhằm bù đắp số lượng bác sỹ và y tá thiếu hụt trong nước, Chính phủ Mexico cho phép các cơ quan liên quan ký hợp đồng thuê bác sỹ và y tá nước ngoài. Hiện tại, hơn 1.900 nhân viên y tế Mexico đã mắc bệnh. Chính phủ kêu gọi các bác sỹ và y tá nghỉ hưu chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Bộ Ngoại giao Venezuela cho biết, theo thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Bộ Y tế Venezuela và Nga đã tiến hành một cuộc họp trực tuyến nhằm thúc đẩy chiến lược hợp tác trong phòng chống dịch COVID-19.
Cập nhật lúc 7h00 ngày 26/4: Sáng 26/4, không có ca mắc mới, đã có 225 ca khỏi bệnh
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, từ 18h00 ngày 25/4 đến 6h00 ngày 26/4, Việt Nam không ghi nhận ca mới mắc COVID-19.
Như vậy, từ ngày 23/1/2020 đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 270 ca mắc COVID-19.
Đã có 225 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 83% số người mắc COVID-19 tại Việt Nam.
Việt Nam cũng không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng kể từ ngày 16/4 đến nay.
Trong số 45 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở khám chữa bệnh hiện tại có 37 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương, 6 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh và 2 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện.
Hiện chỉ còn 29 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, chiếm 11%; 13 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2; 3 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.
5 ca bệnh dương tính trở lại tiếp tục được điều trị tại các bệnh viện gồm: Bệnh nhân số 188, 137 đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; Bệnh nhân số 52, 149 đang điều trị tại Bệnh viện số 2 Quảng Ninh; Bệnh nhân số 36 tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Bình Thuận.
Cả nước có 52.196 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó 325 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 9.836 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 42.035 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo các chuyên gia dịch tễ, thực tế có thể Việt Nam không ghi nhận những ca bệnh mới, song vẫn có những người mang virus tồn tại trong cộng đồng mà chưa phát hiện ra được. Do chưa có vắc xin, thuốc đặc trị, nên các chuyên gia trên thế giới đều rất lo ngại về khả năng lây nhiễm trở lại. Bài học từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,... cho thấy làn sóng thứ hai xâm nhập, tồn tại và phát triển trong một cộng đồng không được biết tới cho đến khi bùng phát. Chính vì vậy, không được lơ là, chủ quan trong bất cứ tình huống nào.
Cập nhật 22h00 ngày 25/4: Hơn 2,8 triệu người mắc, 198.537 người đã chết
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 25/4, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 198.537 người trên toàn thế giới kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái. Ít nhất 2.855.761 ca mắc đã được ghi nhận tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 815.945 ca đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện.
Mỹ vẫn là nước ghi nhận số ca tử vong cao nhất trên thế giới với 52.217 ca trong số 925.758 ca mắc. Xếp thứ hai về số ca tử vong là Italy với 25.969 ca trong tổng số 192.994 ca mắc. Tiếp đó là Tây Ban Nha với 22.902 ca tử vong và 223.759 ca mắc, Pháp với 22.245 ca tử vong và 159.828 ca mắc, Anh với 19.506 ca tử vong và 143.464 ca mắc.
Tính theo khu vực, châu Âu đến thời điểm này ghi nhận tổng cộng 1.241.194 ca mắc với 118.320 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ công bố tổng cộng 999.165 ca mắc với 56.415 ca tử vong. Châu Á ghi nhận 454.848 ca mắc với 16.766 ca tử vong, trong khi châu Đại Dương 8.257 ca mắc với 98 ca tử vong. Châu Phi ghi nhận 30.254 ca mắc với 1.347 ca tử vong.
Tại châu Á, Trung Quốc – nơi khởi phát dịch bệnh - ghi nhận thêm 12 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 82.816 ca, trong đó có 4.632 ca tử vong.
Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận ngày thứ hai không có ca tử vong, trong khi tỷ lệ khỏi bệnh đạt trên 80%. Số ca mắc ở Hàn Quốc tổng cộng là 10.718 người với 240 ca tử vong. Số ca bình phục và xuất viện là 8.635 người, chiếm 80,5% số người mắc.
Trong khi đó, Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm tăng trở lại trong vòng 24h qua. Cụ thể, với 53 ca mới được xác nhận ngày 25/4, tổng số ca nhiễm ở nước này tăng lên 2.907 người, với 51 ca tử vong.
Trước đó, trong khoảng 2 tuần, số ca nhiễm mới ghi nhận theo ngày ở Thái Lan đã giảm từ 54 ca hôm 9/4 xuống 13 ca ngày 23/4 và 15 ca ngày 24/4. Ngày có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận cao nhất ở Thái Lan là 22/3 với 188 ca.
Trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, một số nơi trên thế giới đã bắt đầu triển khai hoặc lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Ấn Độ đã nới lỏng lệnh phong tỏa trong nỗ lực từng bước mở cửa trở lại các hoạt động xã hội và kinh tế của nước này. Theo đó, tất cả các cửa hàng, trừ siêu thị và trung tâm mua sắm, sẽ được phép hoạt động trở lại, không phân biệt kinh doanh mặt hàng thiết yếu hay không thiết yếu. Tuy nhiên, một số dịch vụ như rạp chiếu phim, nhà hát, thư tín, phòng gym, khu thể thao, bể bơi, công viên, quán bar và những địa điểm tương tự vẫn tiếp tục đóng cửa. Cửa hàng rượu và các quán ăn cũng chưa được phép hoạt động trở lại, trừ dịch vụ giao đồ ăn tận nhà. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng yêu cầu các địa điểm được phép mở cửa trở lại chỉ được sử dụng tối đa 50% lao động. Người lao động cũng phải sử dụng khẩu trang, găng tay và tuân thủ các chỉ dẫn giãn cách xã hội trong khi làm việc.
Tại Mỹ, các bang Georgia, Oklahoma và Alaska bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa đối với các doanh nghiệp. Theo đó, các bang Georgia và Oklahoma đã cho phép các hiệu làm tóc và chăm sóc sắc đẹp mở cửa trở lại. Bang Alaska "bật đèn xanh" cho các nhà hàng phục vụ khách ăn tại chỗ, trong khi các cửa hàng bán lẻ và các cửa hàng kinh doanh khác cũng được phép mở cửa lại nhưng với một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, một số thành phố ở bang Alaska vẫn quyết định duy trì các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hiện nay.
Chính phủ Ba Lan cũng cho biết có kế hoạch mở cửa trở lại các khu thể thao ngoài trời từ ngày 4/5 tới và sẽ cho phép tổ chức các trận bóng đá cấp quốc gia từ cuối tháng 4.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo hiện không có bằng chứng cho thấy những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và có kháng thể sẽ không tái nhiễm. WHO khuyến cáo chính phủ các nước không cấp “hộ chiếu miễn dịch” hoặc “không có nguy cơ” cho những người từng mắc bệnh COVID-19 vì không thể bảo đảm chắc chắn điều này. WHO cho rằng việc làm này có thể làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan vì những người đã khỏi bệnh có thể phớt lờ các khuyến cáo phòng dịch.
Cập nhật lúc 18h30 ngày 25-4-2020:
* Thế giới: 2.837.155 người mắc; 197.698 người tử vong, trong đó:
- Hoa Kỳ: 925.758 người mắc; 52.217 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 219,764 người mắc; 22,524 người tử vong.
- Italy: 192,994 người mắc; 25,969 người tử vong.
- Pháp: 159,828 người mắc; 22,245 người tử vong.
* Việt Nam: 270 trường hợp mắc COVID -19.Đến 7h30 ngày 25/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Tổng cộng 225 người đã được chữa khỏi. Trong đó 16 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi giai đoạn 1 và 209 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến ngày 25/4 được chữa khỏi giai đoạn 2.
Cập nhật 18h00 ngày 25/4/2020: Không có ca nhiễm mới
Bản tin lúc 18h00 ngày 25/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, trong ngày không có ca mắc mới COVID-19 nào. Cũng trong ngày đã có 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy hiện chỉ còn 45 ca bệnh đang điều trị.
Tổng số ca mắc tính từ 6h00 đến 18h00 ngày 25/4/2020: 0 ca mắc mới trong cộng đồng.
- Như vậy từ ngày 23/1/2020 đến nay, tại Việt Nam ghi nhận tổng cộng 270 ca mắc COVID-19.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 54.966, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 280;
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.020.
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 47.666.
Tình hình điều trị theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:
- 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2: BN167, BN176, BN195, BN253, BN258.
- Hiện 45 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở khám chữa bệnh. Có 37 ca đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương, có 6 ca đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh và 2 ca đang điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện.
- Năm ca bệnh dương tính lại tiếp tục được điều trị tại các bệnh viện:
+ BN188, BN136 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2
+ BN52, BN149 tại Bệnh viện Dã chiến 2 Quảng Ninh
+ BN36 tại Bệnh viện Y Dược Cổ truyền Bình Thuận.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 13 ca.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2 là 3 ca.
Hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 tại khu vực có nguy cơ lây nhiễm
1. Tham khảo thông tin về tình hình dịch trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế http://www.moh.gov.vn để đánh giá lợi ích và nguy cơ của chuyến công tác.
2. Người lao động có bệnh mạn tính (như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh phổi,...) cần cân nhắc khi đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
3. Tìm hiểu thông tin và các biện pháp dự phòng lây nhiễm từ người làm công tác y tế/cơ quan y tế địa phương.
4. Chuẩn bị dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn và các vật dụng cần thiết tạo điều kiện cho việc rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân khi đi công tác.
5. Tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của chính quyền địa phương nơi đến công tác.
6. Rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân khi ho, hắt hơi. Tránh xa ít nhất 02 mét đối với những người đang ho hoặc hắt hơi.
7. Sau khi đi công tác về người lao động tự theo dõi các triệu chứng trong 14 ngày và đo nhiệt độ 02 lần một ngày.
8. Trong và sau khi đi công tác, nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở người lao động cần:
- Đeo khẩu trang,
- Tránh tiếp xúc với những người xung quanh,
- Gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095)
- Đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
- Thông báo cho người quản lý hoặc/và người làm công tác y tế tại nơi làm việc để thông báo cho những người tiếp xúc gần tại nơi làm việc tự theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế khi cần thiết.
Nhóm P.V
loading...