A+ A A- Kiểu đọc sách

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ

11:48 20/07/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo truyền thuyết, Hùng Vương là con của cha Lạc Long Quân - giống Rồng và mẹ Âu Cơ - giống Tiên, đã có công dựng lên nhà nước Văn Lang cổ đại, thuộc vùng đất Phú Thọ ngày nay.

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019: Nơi hội tụ 'con cháu Lạc Hồng'

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019: Nơi hội tụ 'con cháu Lạc Hồng'

"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba" - Câu ca ấy bao đời nay vẫn in sâu trong tiềm thức mỗi người dân Việt Nam.

Đối với cộng đồng các làng xung quanh đền Hùng, Hùng Vương còn là thần tổ gắn với nghề nông, dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.

Với niềm tin thành kính này, từ hàng nghìn năm qua, hết thế hệ này qua thế hệ khác, người Việt ở vùng đất Tổ Phú Thọ, nơi có Đền Hùng linh thiêng và nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước, cùng đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài, đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ, mong Ngài phù hộ cho quốc thái dân an, vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các vương triều Lê, Tây Sơn (1788-1802), Nguyễn quan tâm cho ghi chép vào sử sách, cấp sắc phong và cấp đất phục vụ cho việc thờ cúng Hùng Vương. Những năm 70 của thế kỷ XX, ngành văn hóa tỉnh Phú Thọ đã tổ chức sưu tầm các truyền thuyết, thần tích về Hùng Vương.

Biểu hiện tiêu biểu nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ở Phú Thọ là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (quần thể di tích gồm Đền thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Mẫu Âu Cơ, Lăng mộ …) trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì, đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương cũng được tổ chức trên khắp mọi miền của đất nước Việt Nam (Theo thống kê, trên cả nước hiện có 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng).

Chú thích ảnh
Đền Hùng. Ảnh: Internet

Vào dịp Giỗ Tổ, nhân dân trong các làng xã có thờ cúng Hùng Vương ở khu vực Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, trong trang phục lễ hội, rực rỡ mầu cờ, sắc áo,  tổ chức thi kiệu, thi làm lễ vật. Họ chọn ra chiếc kiệu đẹp nhất và lễ vật ngon nhất, cùng chiêng, trống đồng, nghi trượng... rước lên đền Hùng dâng cúng, cầu cho quốc thái dân an, vạn vật sinh sôi.

Mỗi làng bầu ra Ban khánh tiết gồm 6 đến 9 người đàn ông từ 50 tuổi trở lên, có hiểu biết, có tư cách đạo đức để chủ trì, điều hành nghi lễ tại đình, đền, miếu. Thủ từ - “trưởng tạo lệ”, ở đền Thượng, đền Trung và đền Hạ thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng được mặc định là người thuộc 3 làng: Cổ Tích, Trẹo và Vi.

Tham gia thực hành nghi thức còn có đội tế gồm 9 hoặc 11 đàn ông từ 50 tuổi trở lên, được chọn từ những gia đình hoà thuận, không có tang, không vi phạm pháp luật và lệ làng. Nhiệm vụ của họ là dâng hương, rượu, trà, đọc và hóa sớ trong Lễ dâng hương. Các thành viên còn lại trong làng tự nguyện tham gia các nghi thức thờ cúng và các hoạt động trình diễn văn hóa dân gian. Các vị bô lão tham gia đội tế lễ, những vị trung niên, nam hay nữ đều tham gia chuẩn bị lễ vật như bánh chưng, bánh giầy, bánh mật, tam sinh (thịt lợn, bò, dê) và hoa thơm, trái ngọt để dâng cúng. Thanh niên trai tráng tham gia rước kiệu, cầm cờ, quạt, lọng trong đoàn rước đến nơi thờ cúng. Các hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian như hát xoan, hát ghẹo,… cùng các trò chơi dân gian khác thu hút không chỉ dân làng mà cả khách thập phương cùng tham gia.

Để chuẩn bị cho mỗi kỳ lễ hội và gìn giữ truyền thống lâu dài, hàng năm, Ban khánh tiết và Đội tế vẫn giảng dạy, tập luyện các nghi thức thờ cúng cho những người kế tục. Cách đọc văn tế được chủ tế năm trước dạy cho chủ tế năm sau; việc giảng dạy kỹ thuật chế biến các loại lễ vật cho thấy việc bảo tồn các truyền thống được thực hiện một cách cẩn thận; người dân được hướng dẫn chu đáo cách dâng lễ vật và cách phải làm như thế nào, nói gì trong lễ cúng. Một số làng còn giữ và truyền lại tri thức về cách chọn giống vật nuôi để làm lễ vật và kỹ thuật chế biến các đặc sản vào dịp lễ hội.

Thế hệ trẻ và những người cao tuổi ngày nay vẫn đang quan tâm đến việc dạy và học những hình thức diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Việc thực hành Tín ngưỡng này có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là điểm tựa tinh thần tạo sức mạnh đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Với quy mô và ý nghĩa to lớn đó, Lễ hội Đền Hùng được Nhà nước ta xác định là Quốc lễ; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1), UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  

Ngày 14/4/2013 (5/3 Âm lịch), tại Lễ khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm 2013 và đón Bằng của UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với chính quyền và cộng đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020, với 09 nội dung cơ bản, trong đó chú trọng việc nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, chủ thể văn hóa; hỗ trợ cộng đồng truyền dạy cho những người trẻ tuổi, khuyến khích họ tiếp tục sáng tạo, thực hành và duy trì truyền thống này trong cuộc sống đương đại; hàng năm, tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương ở Đền Hùng và các làng xã một cách trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, với sự tham gia đông đảo của nhân dân, để tri ân tổ tiên, gắn kết các cộng đồng, cầu mong cho sự an lành và phồn vinh của đất nước…

Phạm Huy

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...