loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 14/1, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm”.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị các trường mầm non, trường tiểu học cho học sinh nghỉ học khi ô nhiễm không khí chạm mức "nguy hại" với chỉ số AQI lớn hơn 300.
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường…
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận vấn đề ô nhiễm và quản lý ô nhiễm không khí trên thế giới và ở Việt Nam dưới các góc nhìn khác nhau, chính sách quản lý ô nhiễm không khí hiện nay; từ đó đưa ra khuyến nghị về các chính sách giảm thiểu ô nhiễm trong thời gian tới.
Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Trong những năm qua, với xu thế đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã tạo được những xung lực mới cho quá trình phát triển, vượt qua tác động của suy thoái toàn cầu và duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm với mức bình quân 6,5-7%/năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường không khí.
Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề nóng tập trung ở các đô thị phát triển, các khu, cụm công nghiệp… mà đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như tim, phổi, đột quỵ…
Tại Việt Nam, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp, nguyên nhân từ ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Bên cạnh đó, các chất gây ô nhiễm không khí chính là thủ phạm gây ra hiện tượng lắng đọng và mưa axit, gây hủy hoại các hệ sinh thái, làm giảm tính bền vững của các công trình xây dựng, các dạng vật liệu. Ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên và đẩy nhanh biến đổi khí hậu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương chia sẻ: Công tác quản lý ô nhiễm không khí tại Việt Nam vẫn còn những bất cập chưa được giải quyết triệt để. Trong đó, hệ thống thể chế về môi trường không khí chưa đáp ứng yêu cầu; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao; hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu; ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường còn hạn chế… Do vậy, để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng các giải pháp, lựa chọn các ưu tiên và thực hiện có lộ trình chặt chẽ.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, để cuộc chiến chống ô nhiễm không khí đạt được hiệu quả về kinh tế và xã hội, cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện, trong đó có các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm hoạt động gây ô nhiễm không khí, hướng tới một môi trường trong lành, an toàn hơn cho người dân, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho xã hội, đặc biệt tại các đô thị.
Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới không khí sạch Việt Nam: Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế cần đẩy mạnh hoạt động quan trắc và kiểm kê nguồn thải; tăng cường thanh tra, kiểm soát nguồn thải; công khai, minh bạch thông tin về quan trắc, thanh tra, ô nhiễm môi trường; đồng thời cần đẩy mạnh nhóm giải pháp xanh như năng lượng tái tạo, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát thải cacbon thấp…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng: Về lâu dài, chính sách phát triển kinh tế tổng thể cần xác định mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những cách tiếp cận đột phá để giải quyết vấn đề môi trường trong tiến trình phát triển ở Việt Nam.
Việt Hà/TTXVN
loading...