Tìm giải pháp Kiến trúc cho tuyến dân cư tôn nền vượt lũ và nông thôn mới Đồng bằng sông Cửu Long'
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với Hội Kiến trúc sư Long An tổ chức Hội thảo Kiến trúc sư với cụm tuyến dân cư tôn nền vượt lũ và nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Mỹ Linh; lãnh đạo UBND tỉnh Long An cùng nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc.
- Thanh niên là lực lượng quan trọng, xung kích trong xây dựng nông thôn mới
- Dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản, điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới
Nhiều ý kiến, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc và đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành được đưa ra tại Hội thảo. Theo Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong những năm gần đây, vấn đề sống chung với biến đổi khí hậu được nhân dân cả nước cũng như giới kiến trúc sư đặc biệt quan tâm. Biến đổi khí hậu không còn là dự báo mà đang diễn ra ngày càng sâu rộng, gay gắt, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tình trạng nước biển dâng, khí hậu cực đoan, ngập lụt, hạn hán đang tạo thách thức vô cùng lớn, đe dọa quá trình phát triển chung của vùng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và đời sống nhân dân. Thời gian qua, đội ngũ kiến trúc sư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã gắn bó, chia sẻ trách nhiệm cùng chính quyền địa phương tham gia thực hiện các mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong công tác thực hiện quy hoạch các điểm dân cư nông thôn sống chung với lũ và triển khai các dự án tôn nền vượt lũ tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Bàn về định hướng phát triển xây dựng kiến trúc, quy hoạch đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Mỹ Linh cho rằng, trước những thách thức do biến đổi khí hậu, việc phát triển đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phân bố hệ thống đô thị theo tầng, bậc, làm cơ sở hình thành các trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, cần tập trung phát triển mô hình đô thị nén; hạn chế mở rộng, phát triển đô thị tập trung quy mô lớn; không hình thành các vùng đô thị hóa, các dải đô thị hóa liên tục tại các khu vực ngập sâu và ven biển. Trên cơ sở hình thái phát triển đô thị, các kiến trúc sư cần nghiên cứu các hình thái kiến trúc phù hợp đảm bảo các mục tiêu “Phát triển bền vững, biến thách thức của các yếu tố biến đổi khí hậu thành cơ hội để nghiên cứu tạo ra bản sắc kiến trúc cho vùng đô thị sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc và đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành về kiến trúc đô thị vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh Long An chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến đổi khí hậu. Việc đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế và quy luật phát triển đòi hỏi quá trình nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, giải pháp cho quy hoạch kiến trúc, xây dựng vì sự phát triển thịnh vượng của Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Phạm Văn Cảnh cũng khẳng định: Những ý kiến thảo luận, góp ý của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc và đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành tại Hội thảo lần này sẽ là những kinh nghiệm quý cho tỉnh Long An. Qua đây, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ và chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Thanh Bình