loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/4, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trên địa bàn.
Chiều 15/4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kéo dài thời gian giãn cách xã hội, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ít nhất đến ngày 22/4.
Theo đó, Nam Định vẫn tạm dừng tất cả hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật, kinh doanh dịch vụ văn hóa như: biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim; các hoạt động thể dục thể thao tập trung đông người (từ 10 người trở lên); cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, xông hơi, massage; các điểm cung cấp trò chơi điện tử, truy cập internet công cộng cho đến khi có thông báo được hoạt động trở lại.
Các hoạt động đón tiếp khách tham quan, du lịch tại các bãi biển, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tàng, thư viện trên địa bàn cũng tạm ngừng; tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ (cà phê, quán nước trà, hàng bia, dịch vụ spa, gội đầu, tập gym, khiêu vũ, yoga cũng như các cửa hàng ăn uống tập trung trên 10 người cùng một thời điểm) và những dịch vụ không cần thiết khác đến khi có thông báo được hoạt động trở lại.
Riêng đối với các cửa hàng ăn uống dưới 10 người cùng một thời điểm (cửa hàng nhỏ) phải bố trí người ngồi ăn cách nhau tối thiểu 2m; người phục vụ phải đeo khẩu trang; khuyến khích việc mua, bán đồ ăn mang về nhà.
Tỉnh hạn chế hoạt động vận chuyển các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; tạm dừng các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt trên địa bàn tỉnh Nam Định trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.
Các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, điện, nước, nhiên liệu; cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, cơ sở dịch vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm; bưu chính viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám chữa bệnh...) được phép hoạt động bình thường nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, nhất là các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn.
Nam Định duy trì 4 chốt kiểm soát dịch bệnh tại nút giao thông Cao Bồ trên Quốc lộ 10 (xã Yên Hồng, huyện Ý Yên); ngã ba cầu Tân Đệ (xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc); trên Quốc lộ 21A và 21B (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc) nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh từ nơi khác về địa bàn tỉnh; đồng thời, xử lý nghiêm những người cố tình không thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nam Định, tính đến ngày 16/4, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính virus SARS-CoV-2. Toàn tỉnh có 10 trường hợp bệnh nghi ngờ đang được cách ly, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế; gần 300 trường hợp được hướng dẫn cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú chưa qua 14 ngày, sức khỏe ổn định, không ho, không sốt.
* Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện khẩn số 09/CĐ-UBND gửi giám đốc các sở; trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đến hết ngày 30/4/2020.
Theo đó, người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, thường xuyên đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và thực hiện giãn cách trên 2m khi tiếp xúc giữa người với người tại nơi công cộng. Các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng vẫn tiếp tục tạm dừng; đồng thời, dừng tất cả các hoạt động văn hóa, giải trí tại các điểm công cộng, các dịch vụ thể thao trong nhà, hoạt động bóng đá (trừ bóng đá chuyên nghiệp), dịch vụ tham quan du lịch tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh. Riêng trong các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời thì người dân không được phép tập trung quá 10 người…
Thanh Hoá cũng tiếp tục dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán bar, vũ trường, karaoke, massage, spa, cắt tóc, gội đầu, khiêu vũ, yoga, internet, giải khát cà phê, trà chanh, trà đá, trà chén, giải khát vỉa hè và các dịch vụ tập trung đông người có nguy cơ lây lan dịch bệnh (do chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quy định). Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống không được phép tổ chức phục vụ khách hàng ăn, uống tại cơ sở (kể cả ăn sáng, uống bia), khuyến khích cung cấp các suất ăn, uống theo địa chỉ của khách hàng.
Học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học đến hết kỳ nghỉ lễ 30/4/2020.
Ngoài ra, Thanh Hoá tiếp tục đình chỉ vận chuyển hành khách trên các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, đình chỉ các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe buýt, xe du lịch, xe taxi, xe điện bốn bánh hoạt động thí điểm trên địa bàn tỉnh (trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe vận chuyển các đối tượng cách ly, xe chuyển bệnh nhân, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và được giám sát chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch).
Trong thời gian 15 ngày giãn cách xã hội tiếp theo này, Thanh Hóa sẽ tiếp tục duy trì các trạm kiểm soát, tổ giám sát các cấp, tổ giám sát thôn, bản, khu phố để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước đi làm bình thường từ ngày 16/4/2020, nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại công sở.
* Tỉnh Hà Tĩnh tự xác định là địa phương trong nhóm nguy cơ cao nên công tác phòng, chống dịch bệnh được thắt chặt. Tỉnh ủy Hà Tĩnh có công điện khẩn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và toàn dân tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22/4/2020 .
Trong thời gian này, tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Từ đó các cấp, ngành có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án; tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Công điện yêu cầu người dân phải tự giác chấp hành giãn cách xã hội triệt để và chấp hành đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; phát huy vai trò cộng đồng dân cư, thôn, xóm, tổ dân phố, tổ liên gia trong việc giám sát, theo dõi công dân chấp hành trên địa bàn.
Để thắt chặt việc duy trì thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 71 chốt và 14 tổ tuần tra lưu động tại các địa phương.
Đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có 4 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có một bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 89 trường hợp được cách ly tại các bệnh viện; 3.302 người được cách ly y tế tập trung; 4.235 ngườ được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 14 ngày.
Phóng viên TTXVN tại các địa phương
loading...