A+ A A- Kiểu đọc sách

Tia cực tím ở các tỉnh, thành phố trên cả nước gây hại rất cao lúc 11-13 giờ

11:40 11/05/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 11/5, chỉ số tia cực tím ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều ở mức rất cao, phổ biến trong khoảng từ 11-13 giờ.

Chỉ số tia cực tím từ Bắc đến Nam đa số ở mức gây hại rất cao

Chỉ số tia cực tím từ Bắc đến Nam đa số ở mức gây hại rất cao

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 3/5, thời tiết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều phổ biến là nắng, có nơi nắng nóng, do đó, bức xạ tia cực tím trên các khu vực từ Bắc đến Nam đa số đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao. Riêng thành phố Hà Nội có ngưỡng nguy cơ gây hại cao.

Cụ thể, ở miền Bắc, chỉ số tia cực tím tại tại Hà Nội mức 8.8 - 9.4; thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) mức 7.8-8.4; tại thành phố Hải Phòng là 7.6 - 9.4 và gây hại rất cao từ 11-13 giờ.

Ở miền Trung, chỉ số tia cực tím tại các thành phố Đà Nẵng mức 7.8 - 9.5, Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) mức 7.7-9.6, Hội An (tỉnh Quảng Nam) mức 7.8 - 9.5 và cùng gây hại rất cao lúc 11-13 giờ.

Với miền Nam, chỉ số tia cực tím tại Thành phố Hồ Chí Minh mức 7.6 - 9.5, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) mức 7.7 - 8.8 và gây hại rất cao từ 11-13 giờ.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang mặc đồ tránh nắng khi tham gia giao thông. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Trong đó, chỉ số tia cực tím tại thành phố Cần Thơ thấp nhất với mức cực đại chỉ 7.7 và gây hại cao lúc 10 giờ; tại Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cao nhất khi mức cực đại là 10.1 và gây hại rất cao từ 10-13 giờ.

Dự báo từ ngày 12-14/5, chỉ số tia cực tím ở các tỉnh, thành phố trên cả nước đều ở mức có nguy cơ gây hại rất cao, riêng thành phố Hạ Long (ngày 12/5), Cần Thơ (ngày 13-14/5), Thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau (ngày 12-14/5) có nguy cơ gây hại cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ số tia cực tím cao nhất là 11+ (quá cao) có thời gian gây bỏng là 10 phút tiếp xúc liên tục; chỉ số mức 8-10 (rất cao) có thời gian gây bỏng là 25 phút tiếp xúc liên tục.

Bức xạ tia cực tím là một thành phần của ánh nắng mặt trời, trong đó, tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương DNA của tế bào da. Khi tiếp xúc quá nhiều dưới ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt.

Theo các bác sĩ, từ 10-16 giờ là thời điểm nắng gắt nhất, nếu không cần thiết, người dân nên tránh ra đường và khi ra đường nên dùng trang phục có thể che chở cho da càng nhiều càng tốt, dùng nón, mũ che phủ đầu, mặt... nên đội mũ rộng vành phủ được 2/3 khuôn mặt; sử dụng ô, đeo mắt kính màu sậm, màu đen, bịt kín khẩu trang.

Người dân nên chọn khẩu trang loại dày, dệt chéo, phủ kín mặt, màu đen, sậm (có tác dụng chống nắng 90%, khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng 60%). Khẩu trang y tế màu xanh chỉ có tác dụng cản bụi không có tác dụng chống nắng.

Bên cạnh đó, mọi người nên dùng các sản phẩm chống nắng với chỉ số bảo vệ ánh nắng (SPF) từ 30 trở lên để bảo vệ các vùng mặt, môi, cánh tay, bàn tay…, bôi 15-20 phút trước khi đi ra ngoài nắng và bôi lại nếu cơ thể ra nhiều mồ hôi.

Minh Nguyệt/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...