Thừa Thiên - Huế quyết liệt giảm nợ xây dựng nông thôn mới
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/12, báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới", UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau hơn 5 năm triển khai, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đạt được những kết quả tích cực trong tổ chức thực hiện, tạo chuyển biến về nhận thức của cán bộ và người dân, huy động hệ thống chính trị các cấp tham gia.
Tuy nhiên, do nguồn lực của các địa phương còn khó khăn, việc huy động nguồn vốn trong dân còn hạn chế, do đó có nơi đã xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, nhất là ở cấp xã. Tính đến cuối năm 2016, số nợ đọng xây dựng cơ bản trong toàn tỉnh hơn 83 tỷ đồng; đến 15/7/2017 đã giảm xuống còn khoảng 26,5 tỷ đồng (do trong năm 2016 đã trả nợ hơn 62 tỷ đồng từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất và một phần ngân sách của các địa phương).
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để khắc phục tình trạng nợ đọng trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thị xã thực hiện rà soát, đánh giá đúng thực trạng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn, từ đó xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình, bảo đảm theo quy định của Trung ương, tỉnh bố trí tăng thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương cho hỗ trợ phát triển sản xuất tăng thu nhập và giảm nghèo; thực hiện các biện pháp đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, đẩy mạnh huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp; phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế tích cực chỉ đạo khắc phục tình trạng ở các địa phương chỉ quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng mà thiếu biện pháp tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới; có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, khuyến khích việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ cao, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy các mô hình hợp tác xã liên doanh, liên kết có hiệu quả.
Thừa Thiên- Huế cũng đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đối với các huyện, thị xã, cần tập trung chỉ đạo rà soát, xác định số nợ đọng xây dựng cơ bản của chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình trả nợ cụ thể; kiên quyết không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.
Sau hơn 5 năm Thừa Thiên - Huế triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn khởi sắc, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.
Toàn tỉnh có 104 xã thực hiện xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó, đến cuối năm 2017 có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỉ lệ 22,1%; có 26 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 50 xã đạt 10-14 tiêu chí và 5 xã đạt 8-9 tiêu chí về xã nông thôn mới.
Quốc Việt